Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta nói chung; đồng thời, sự phát triển kinh tế Việt Nam là thước đo cho sự lãnh đạo thành công của Đảng trong lĩnh vực kinh tế nói riêng. |
Vượt qua những thử thách chưa từng có tiền lệ lịch sử và vượt qua chính mình, Đảng đã quyết tâm xây dựng mô hình kinh tế tổng quát của Việt Nam là phát triển kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), hiện đại và hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của KTTT; hướng tới mục tiêu phát triển lấy con người làm trung tâm, vừa là mục tiêu vừa là động lực vì một Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, phát triển bền vững, bao trùm và hội nhập; gắn kết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xây dựng con người, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường trong từng bước đi và từng chính sách phát triển.
Vượt qua những tư duy cố hữu, cực đoan, Đảng đã cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân và xác định kinh tế tư nhân có vị trí quan trọng lâu dài, là một bộ phận cấu thành và động lực quan trọng, của nền kinh tế trong nền KTTT định hướng XHCN.
Dấu ấn sự lãnh đạo của Đảng thể hiện cụ thể qua những thành tự kinh tế to lớn được dư luận trong và ngoài nước ghi nhận. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã mở cửa, trở thành thành viên của ASEAN, APEC, WTO và nhiều tổ chức quốc tế khác, tham gia nhiều định chế thương mại tự do, chủ động và tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương, trở thành đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, hội nhập ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế toàn cầu, từng bước mở rộng hội nhập vào tất cả các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh và văn hóa - xã hội…
Từ một nền kinh tế nông nghiệp, lạc hậu, quy mô nhỏ bé, với GDP chỉ 14 tỷ USD và GDP bình quân đầu người chỉ khoảng 250 USD trong những năm đầu Đổi mới, Việt Nam đã thoát ra khỏi tình trạng đói nghèo, chuyển sang thực hiện và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đến năm 2019, Việt Nam đã có quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia của Liên Hợp Quốc (so với 11 nước năm 1954); có quan hệ kinh tế-thương mại và đầu tư với trên 224 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới; có 16 đối tác chiến lược, 11 đối tác chiến lược toàn diện; tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực (trong đó có 16 FTA); có 71 nước đã công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường…
Nếu như trong giai đoạn đầu Đổi mới (1986-1990), mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm chỉ đạt 4,4%, thì giai đoạn 1991 - 1995, đạt 8,2%/năm; giai đoạn 1996 - 2000 đạt 7,6%/ năm; giai đoạn 2001 – 2005 đạt 7,34%; giai đoạn 2006 - 2010 đạt 7%/năm; giai đoạn 2011 - 2015 đạt 5,9%/năm, và GDP năm 2017 tăng 6,71%; năm 2018 đạt 7,08 %.
Riêng năm 2019, GDP tăng 7,02% và quy mô nền kinh tế đạt hơn 262 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người đã lên gần 2.800 USD; tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn dưới 4% so với từ 53% năm 1993...
Theo UNDP, Việt Nam đã tạo ra một câu chuyện huyền thoại trong công cuộc giảm nghèo với chỉ số HDI năm 2019 là 0,63, xếp thứ 118 trong tổng số 189 nước, tức nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số HDI cao nhất trên thế giới.
Trong danh sách 200 công ty có doanh thu trên 1 tỷ USD tốt nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương do Forbes Asia 2019 công bố, có 7 doanh nghiệp của Việt Nam. Cũng trong danh sách tỷ phú USD thế giới được Forbes vinh danh, đã có 5 tỷ phú USD đến từ Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã hướng tới đột phá trong sản xuất công nghiệp và công nghệ với những dự án đầy tham vọng với hy vọng vươn ra thị trường quốc tế.
Việt Nam được xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019, tăng 15 bậc so với năm 2018; năng lực cạnh tranh của Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp thứ 67/141 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 10 bậc so với năm 2018.
Nền kinh tế Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá có triển vọng tốt, là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới. Nếu duy trì được đà tăng trưởng như 3 thập niên qua thì đến năm 2045 - kỷ niệm mốc lịch sử 100 năm Việt Nam độc lập (1945 - 2045), quy mô GDP của Việt Nam ước sẽ đạt khoảng 2.500 tỷ USD, còn thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 18.000 USD.
Dấu ấn lãnh đạo kinh tế của Đảng cũng đang và sẽ tiếp tục được ghi nhận và thể hiện thông qua tổ hợp các cương lĩnh, chiến lược và văn kiện chính thức Đại hội Đảng toàn quốc khóa XII và tới đây, cũng như một loạt quyết sách quan trọng khác trong các hội nghị Trung ương… nhằm tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chủ yếu theo chiều sâu, hoàn thiện mô hình tăng trưởng đồng bộ trên cả phương diện kinh tế - kỹ thuật, kinh tế - xã hội và kinh tế - sinh thái, thúc đẩy phát triển trên nền tảng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh và chủ động hội nhập quốc tế.
Dấu ấn và sự thành công trong sự lãnh đạo phát triển kinh tế của Đảng trước hết và xuyên suốt được bảo đảm bằng sự vững vàng trên nền tảng lý luận đúng đắn, định hướng tầm nhìn và khát vọng phát triển cho dân tộc, trên nguyên tắc lấy thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, phản ánh quy luật phát triển ở Việt Nam và khai thác có hiệu quả những thành tựu phát triển của thế giới, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tiếp thu có chọn lọc những giá trị tiến bộ của nhân loại về phát triển toàn diện con người, vì con người, lấy con người làm trung tâm, do con người và giải phóng con người…, phù hợp với triết lý phát triển của dân tộc Việt Nam và với bản chất nhân văn cao đẹp của chủ nghĩa xã hội.
Đặc biệt, mức độ thành công trong lãnh đạo kinh tế của Đảng tỷ lệ thuận với tinh thần cách mạng và quyết tâm chính trị trong triển khai đổi mới có hiệu quả tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước và của cả hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy thoái, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; xây dựng Đảng vững mạnh gắn liền với xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vững mạnh của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, theo những chuẩn mực quản trị tốt, phục vụ phát triển và có khả năng xử lý, ứng phó linh hoạt với những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn. Đồng thời, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và sự tham gia rộng rãi của quần chúng nhân dân trong giám sát, phản biện xã hội; đổi mới mạnh lẽ công tác tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, tuyệt đối trung thành với lợi ích quốc gia và lý tưởng của Đảng.
Đảng lãnh đạo kinh tế thông qua bộ máy nhà nước; xây dựng các tổ chức Đảng và phát triển đội ngũ đảng viên hoạt động trong các cơ quan nhà nước, các đơn vị sản xuất và các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Các cơ quan nhà nước thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng thành Hiến pháp, pháp luật, các quyết định... và kế hoạch của Nhà nước - để quản lý, điều hành toàn bộ nền kinh tế và để toàn dân thực hiện. Đảng lãnh đạo tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện, tăng cường kiểm tra, giám sát, nhằm thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách của Đảng về kinh tế.
Đảng lãnh đạo các tổ chức quần chúng nhân dân, các cơ quan báo chí, văn học nghệ thuật hướng vào việc biểu dương, khích lệ những người tốt, việc tốt trong các hoạt động kinh tế, những doanh nhân giỏi, có nhiều đóng góp cho xã hội; phát hiện, phê phán những tiêu cực phát sinh, nhất là tệ tham nhũng, lãng phí, những hành vi phi nhân tính trong sản xuất, kinh doanh, những lệch lạc trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Đảng coi trọng công tác kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các thành phần kinh tế chấp hành quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phát huy dân chủ, công khai, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức đảng, các tổ chức quần chúng và đông đảo nhân dân phát hiện, báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền để xác minh, xử lý những hành vi tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay.
Sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta nói chung; đồng thời, sự phát triển kinh tế Việt Nam là thước đo cho sự lãnh đạo thành công của Đảng trong lĩnh vực kinh tế nói riêng.
TS. Nguyễn Minh Phong