Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thực tế đòi hỏi khu vực kinh tế tập thể thay đổi, phát huy các lợi thế liên kết
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, qua ba lần ban hành, sửa đổi, bổ sung, Luật Hợp tác xã đã tạo hành lang pháp lý quan trọng phát triển các hợp tác xã tại Việt Nam, tiếp cận gần hơn với bản chất, giá trị, nguyên tắc của hợp tác xã trên thế giới và bước đầu tác động tích cực đến tổ chức và hoạt động của các hợp tác xã.
Số lượng hợp tác xã không ngừng tăng lên, doanh thu và thu nhập của thành viên, người lao động trong hợp tác xã dần được cải thiện, giúp nâng cao đời sống kinh tế hộ thành viên, góp phần thực hiện xóa đói giảm nghèo, ổn định an ninh, chính trị cho xã hội.
Tuy nhiên, thực tiễn phát triển khu vực kinh tế tập thể tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh mới, các hợp tác xã phải đối mặt với rất nhiều thách thức từ sự phát triển bùng nổ của cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư; từ áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong nền kinh tế thị trường; tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 vẫn còn tiềm ẩn; bất ổn chính trị trên thế giới,...
Những thách thức này đặt ra yêu cầu, đòi hỏi bức thiết đối với khu vực kinh tế tập thể để thay đổi, phát huy các lợi thế liên kết, cùng nhau hợp tác, qua đó tăng quy mô, mở rộng và nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh, phát triển bền vững trong giai đoạn tới.
Nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế và đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của sự phát triển, ngày 20/6/2023, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Hợp tác xã số 17/2023/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 thay thế Luật Hợp tác xã số 23/2012/QH13.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì xây dựng 3 trong số 4 văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã năm 2023, trong đó có Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hợp tác xã.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe giới thiệu về một số điểm mới trong Luật Hợp tác xã 2023, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chính sách hỗ trợ, phát triển hợp tác xã và thảo luận về các nội dung cơ bản liên quan trực tiếp đến các chính sách hỗ trợ cho các tổ chức kinh tế tập thể tại Việt Nam.
Một số mô hình quốc tế
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển của khu vực hợp tác xã tại Cộng hòa Liên bang Đức, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Giám đốc Liên đoàn Hợp tác xã Cộng hòa Liên bang Đức (DGRV) tại Việt Nam cho biết, hợp tác xã Đức có lịch sử hình thành và phát triển hơn 150 năm. Luật Hợp tác xã Đức cũng là luật hợp tác xã đầu tiên trên thế giới được thông qua vào năm 1889, đặt cơ sở nền móng cho các hợp tác xã Đức phát triển qua thời gian.
Hơn 20 năm trở lại đây, nhà nước Đức không có các chính sách hỗ trợ riêng cho các hợp tác xã mà chủ yếu là các chính sách áp dụng cho các loại hình doanh nghiệp khác trong cùng một lĩnh vực kinh doanh, như nông nghiệp, năng lượng… Tiêu chí để được hỗ trợ theo các chương trình này thường dựa vào quy mô doanh thu, trong đó các hợp tác xã nhỏ thường được ưu tiên hỗ trợ.
"Luật Hợp tác xã và các quy định liên quan đến hợp tác xã của Đức tôn trọng nguyên tắc tự lực, tự quản lý và tự chịu trách nhiệm của mô hình hợp tác xã - những nguyên tắc nền tảng, cơ bản được đặt ra từ giai đoạn đầu phát triển của hợp tác xã", bà Minh nhấn mạnh.
Bà Jedsadaporn Sathapatyanon, Trưởng Ban Hợp tác quốc tế, Cục Phát triển Hợp tác xã, Bộ Nông nghiệp Thái Lan cho biết, Thái Lan có nhiều chương trình để giúp đỡ và thúc đẩy các hợp tác xã trên toàn quốc.
Trong đó, tập trung vào 3 đề án chính. Thứ nhất là bổ trợ kiến thức và tăng cường năng lực qua hoạt động đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật. Thứ hai, giám sát, thể chế hóa, đăng ký và tăng cường hệ thống hợp tác xã. Thứ ba, khuyến khích và hỗ trợ các hợp tác xã sản xuất, thu gom, chế biến, tiếp thị và phát triển công nghệ.
Ngoài ra, Thái Lan còn hỗ trợ máy móc và thiết bị để nâng cấp hoạt động sản xuất và chế biến của hợp tác xã và sử dụng quỹ Phát triển Hợp tác xã để hỗ trợ các thành viên.
Minh Ngọc