Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ngày 25/8, tại TP. Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, phát triển nông thôn khu vực miền Trung-Tây Nguyên để phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.
Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội, trường học; 19 tỉnh, thành phố miền Trung-Tây Nguyên…
Theo Bộ NN&PTNT, miền Trung và Tây Nguyên có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Năm 2022, miền Trung có 44 cơ sở giáo dục đại học, trong đó có 2 trường đại học vùng là Đại học Đà Nẵng và Đại học Huế với các ngành, nghề trọng điểm, như: Kinh tế biển, logistics, công nghệ thông tin, công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch… đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, đáp ứng yêu cầu về lao động chất lượng cao cho phát triển kinh tế-xã hội của vùng.
Một số trường trong khu vực có đào tạo các ngành về nông nghiệp, như: Trường Đại học Nông lâm (Huế), Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Nha Trang. Tuy nhiên, việc tuyển sinh các ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn và có xu hướng giảm.
Đối với Tây Nguyên, đến năm 2022, trong vùng có 9 cơ sở giáo dục đại học và phân hiệu của các trường đại học, 4 trường cao đẳng sư phạm và 107 cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Các trường đại học, cao đẳng trong khu vực hiện đang đào tạo 133 ngành đào tạo đại học, 20 ngành đào tạo thạc sĩ và 11 ngành đào tạo tiến sĩ, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, chăn nuôi và quản trị…
Việc phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn khu vực miền Trung-Tây Nguyên được Bộ NN&PTNT xác định phải gắn với thực hiện nhiệm vụ tại các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng; chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa.
Đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao. Thúc đẩy quá trình nghiên cứu, chuyển giao và áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, phát triển nông thôn của vùng…
Tại hội nghị, các đại biểu đã trình bày các tham luận nhằm trao đổi, thảo luận các giải pháp về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, phát triển nông thôn khu vực miền Trung và Tây Nguyên…
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng cho rằng, nguồn nhân lực và đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có vị trí hết sức quan trọng trong phát triển bền vững. Bởi vậy, tỉnh Quảng Bình đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển nguồn nhân lực của tỉnh giai đoạn 2021-2025, qua đó, chất lượng nguồn nhân lực nói chung và nhân lực hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp - phát triển nông thôn không ngừng được nâng cao, đáp ứng được yêu cầu.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, phát triển nông thôn là tiền đề quan trọng để nâng cao trình độ sản xuất, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và bảo đảm phát triển bền vững của ngành, vừa là xu hướng tất yếu và mang lại giá trị lâu dài cho các trường, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp nông nghiệp.
Theo Bộ trưởng, việc hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, phát triển nông thôn không chỉ giới hạn về đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp thị trường mà phải hợp tác để xây dựng được thương hiệu nhà trường, chia sẻ trách nhiệm xã hội; đồng thời hợp tác phải tiến tới tư duy thị trường doanh nghiệp để các sản phẩm đào tạo đến được với thị trường, doanh nghiệp.
Dịp này tại hội nghị, một số trường đại học tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã trao thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp, cơ quan trong khu vực về đào tạo nhân lực nông nghiệp, nông thôn.
Lưu Hương