Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
TP. Bến Tre được công nhận đạt chuẩn đô thị loại II trực thuộc tỉnh vào năm 2019. Theo quy hoạch tổng thể phát triển TP. Bến Tre đến năm 2030, sẽ phát triển TP. Bến Tre thành đô thị loại I, là đô thị thông minh, hiện đại, tiên tiến trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Nghị quyết Đại hội XII Đảng bộ TP. Bến Tre và Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Bến Tre nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt ra mục tiêu xây dựng TP. Bến Tre đạt chuẩn đô thị loại I trực thuộc tỉnh vào năm 2030. Đây là điều kiện để TP. Bến Tre có bước phát triển đột phá trong thực hiện mục tiêu trên, gắn với mô hình thành phố thông minh, xây dựng chính quyền ĐT và chính quyền điện tử.
Để hiện thực hóa mục tiêu đô thị loại I, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Kết luận số 118-KL/TU, trong đó thống nhất chọn phương án mở rộng địa giới hành chính của TP. Bến Tre theo hướng điều chỉnh sang các xã: Sơn Hòa, An Hiệp, Hữu Định (Châu Thành); Sơn Phú (Giồng Trôm); Thanh Tân (Mỏ Cày Bắc).
Thành phố đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh giao Sở Nội vụ và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh chủ trì thực hiện điều chỉnh Đồ án quy hoạch chung TP. Bến Tre. Đề xuất lựa chọn đơn vị tư vấn có năng lực phù hợp để đánh giá thực trạng đô thị, định hướng phát triển cho phù hợp các tiêu chí đô thị loại I và hỗ trợ TP. Bến Tre xây dựng đô thị loại I đến khi được Chính phủ công nhận.
Để đảm bảo tiến độ thực hiện đề án theo Nghị quyết đề ra, UBND TP. Bến Tre đề xuất cho lập đề án xây dựng TP. Bến Tre đạt chuẩn đô thị loại I theo ranh giới dự kiến mở rộng được Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến. Tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế theo mũi đột phá thương mại - dịch vụ gắn với phong trào "Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp" để tạo nguồn lực cho sự phát triển toàn diện của thành phố, trở thành đầu mối về kinh tế của tỉnh. Tăng cường kêu gọi, xúc tiến đầu tư, vận dụng các chính sách ưu đãi, kêu gọi và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư trong phát triển kinh tế và xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị; phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ, thực hiện tốt công tác quy hoạch.
Ngoài ra, Thành phố cũng kêu gọi đầu tư phát triển đô thị, các dự án chỉnh trang đô thị, các dự án khu dân cư mới. Đối với các dự án đã có quyết định đầu tư, cần tạo điều kiện thuận lợi để sớm triển khai thực hiện. Hoàn chỉnh thủ tục thực hiện dự án nâng cấp đô thị Việt Nam - Tiểu dự án TP. Bến Tre. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành tỉnh tham mưu UBND tỉnh tiếp cận các nguồn vốn vay ODA khác để thực hiện dự án xử lý nước thải và các dự án chỉnh trang phát triển đô thị trên địa bàn Thành phố. Tiếp tục đầu tư nâng chất các cơ sở giáo dục, y tế, thương mại, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu cuộc sống của người dân.
Theo Chủ tịch UBND TP. Bến Tre Huỳnh Vĩnh Khánh, kết cấu hạ tầng Thành phố có bước phát triển nhanh, đồng bộ, tạo bước đột phá cho phát triển không gian đô thị về phía bắc, tây bắc (Bình Phú, Sơn Đông) và về phía nam (Mỹ Thạnh An, Phú Nhuận), góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng đô thị loại I. Đặc biệt, gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư xây dựng bằng nhiều nguồn vốn, trong đó có sự đóng góp rất lớn của nhân dân về tiền, đất đai, hoa màu, ngày công lao động. Vì vậy, hệ thống giao thông nông thôn ngày càng phát triển, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội; diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Hạ tầng giáo dục phát triển rất nhanh trên cơ sở thực hiện đề án kiên cố hóa trường lớp. Đến nay, hệ thống trường lớp học trên địa bàn TP. Bến Tre cơ bản đã được đầu tư hoàn chỉnh. Năm 2010, chỉ có 10 trường đạt chuẩn quốc gia thì đến nay, Thành phố đã có 25/34 trường đạt chuẩn quốc gia. Một số trường được xây mới đáp ứng nhu cầu học tập và giảng dạy: Tiểu học Bến Tre, Tiểu học Phú Thọ, THCS TP. Bến Tre, Mầm non Bình Minh, Mầm non Rạng Đông, Mầm non Ánh Dương, THPT Chuyên Bến Tre... và một số trường mầm non theo phương thức xã hội hóa: Mầm non quốc tế API, Mầm non Bảo Quyên.
Hệ thống các cơ sở y tế được đầu tư đúng chuẩn, đảm bảo nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân như: Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, Bệnh viện Đa khoa Minh Đức, Bệnh viện Y học cổ truyền. Cơ sở y tế xã, phường được đầu tư đạt chuẩn, đặc biệt đã hoàn chỉnh thủ tục triển khai Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh quy mô 500 giường tại xã Bình Phú (vốn ODA).
Thương mại, dịch vụ ngày càng phát triển. Hệ thống các trung tâm thương mại, chợ, siêu thị được đầu tư mới, khang trang, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân…
Theo ông Huỳnh Vĩnh Khánh, TP. Bến Tre đang phối hợp với các sở, ngành tỉnh Bến Tre điều chỉnh lại quy hoạch chung xây dựng đô thị gắn với các chỉ tiêu phát triển đô thị thông minh, đô thị tăng trưởng xanh; cụ thể là xây dựng nghị quyết thực hiện đô thị thông minh với 5 nội dung: Quản lý chiếu sáng thông minh; quản lý an ninh trật tự - an toàn giao thông thông minh; quản lý môi trường thông minh; quản lý đất đai thông minh; xây dựng chính quyền số.
Xây dựng TP. Bến Tre đạt chuẩn đô thị loại I là mục tiêu quan trọng hàng đầu của Đảng bộ TP. Bến Tre nhiệm kỳ 2020-2025 và định hướng đến năm 2030. Vì vậy, Đảng bộ Thành phố sẽ tập trung mọi nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, đưa TP. Bến Tre phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025.
Vũ Phong