Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Để thúc đẩy phát triển ngành nguyên liệu, VietSugar đã quy hoạch lại các vùng chuyên canh trồng mía trọng điểm. Ảnh: VGP/Minh Thi |
Từ việc sản xuất nguy cơ bị thu hẹp
Nếu như những niên vụ 2016-2017, 2017-2018, diện tích mía luôn đạt khoảng hơn 255.000 ha, năng suất trung bình hơn 60 tấn/ha thì từ niên vụ 2018-2019, sản lượng mía chỉ đạt khoảng 12 triệu tấn và sản lượng đường sản xuất đạt khoảng 1,2 triệu tấn; niên vụ 2019-2020, diện tích mía trên toàn quốc giảm sút nghiêm trọng khi chỉ còn hơn 150.000 ha, đạt khoảng 7,5 triệu tấn mía với sản lượng đường sản xuất chỉ đạt khoảng 750.000 tấn.
Theo báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), trước năm 2018, cả nước có 41 nhà máy đường, năm 2019 còn 38 nhà máy, năm 2020 còn 19 nhà máy và đến hiện nay còn 25 nhà máy. Tuy nhiên, hầu hết các nhà máy hiện nay đều đang hoạt động dưới công suất có thể hòa vốn.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng cho biết, niên vụ ép mía 2020-2021 đã kết thúc sớm hơn thường lệ vì hết nguyên liệu. Lũy kế đến cuối tháng 2/2021, toàn ngành ép được hơn 3,7 triệu tấn mía, sản xuất được gần 369.000 tấn đường.
So sánh cùng kỳ với vụ ép mía 2019-2020, sản lượng mía ép chỉ đạt 72,3% và sản lượng đường chỉ đạt 71,3%. Ước tính sản lượng đường của cả vụ 2020-2021 chỉ còn khoảng trên dưới 550.000 tấn, thấp nhất từ trước đến nay.
Cũng trong tình trạng thiếu nguyên liệu cho sản xuất đường, ông Hồ Nhẫn, Tổng Giám đốc Vietsugar cho biết, hiện nay, nhà máy đường của công ty có công suất 8.000 tấn mía/ngày nên mỗi niên vụ nhà máy cần khoảng 600.000-700.000 tấn mía nguyên liệu, tương đương với khoảng 12.000 ha mía. Trong khi đó niên vụ sản xuất 2020-2021, vùng nguyên liệu mía công ty thu mua chỉ đạt 4.900 ha (trong đó 3.900 ha được công ty đầu tư). Năng suất mía bình quân đạt 49 tấn/ha, sản lượng mía thu mua tăng 28% so với niên vụ trước, nhưng vẫn chưa đủ nguyên liệu cho nhà máy hoạt động.
Cần đầu tư bài bản
Trước những khó khăn của ngành mía đường, tháng 7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 28/CT-TTg về triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới. Theo đó, trong thời gian tới, các tỉnh, thành phố cần rà soát, xây dựng vùng sản xuất mía đường tập trung, có chính sách khuyến khích áp dụng cơ giới hóa, cải thiện giống mía và quy trình canh tác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành mía ở những vùng có lợi thế. Đặc biệt, cần xây dựng các mô hình cánh đồng mía lớn được cơ giới hóa đồng bộ tại các vùng trồng mía tập trung gắn với phát triển HTX nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách nông nghiệp, để ngành mía đường Việt Nam có thể thực sự phục hồi sản xuất và phát triển, bên cạnh việc thực hiện các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời cần sàng lọc, tái cơ cấu và tập trung đầu tư cho vùng nguyên liệu và nhà máy sản xuất hoạt động hiệu quả, năng suất; đầu tư nghiêm túc cho công nghệ nhằm tối ưu hóa quy mô, đa dạng hóa sản phẩm từ cây mía và phế phụ phẩm.
Theo đó, doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, với mức giá cạnh tranh, hài hòa lợi ích của người tiêu dùng và doanh nghiệp để có thể chắc chân trên thị trường.
Chia sẻ về những giải pháp của Vietsugar để thực hiện phát triển vùng nguyên liệu lên 5.200 ha diện tích mía đầu tư, cùng với sản lượng thu mua mía không đầu tư của niên vụ 2021-2022, ông Hồ Nhẫn cho biết, chiến lược phát triển vùng nguyên liệu mía của Vietsugar đã được hoạch định dựa trên sự thành công và kinh nghiệm của Vinamilk đã có trong phát triển vùng chăn nuôi bò sữa cung cấp nguyên liệu sữa. Thực tế cho thấy bước đầu bao giờ cũng rất khó khăn và cần sự đầu tư lớn, kế hoạch bài bản, nhưng Vinamilk và Vietsugar xác định đây là định hướng chiến lược để phát triển bền vững trong dài hạn.
Công ty đã quy hoạch lại các vùng chuyên canh trồng mía trọng điểm, ưu tiên đầu tư khôi phục vùng nguyên liệu mía tại tỉnh Khánh Hoà nhất là vùng có chủ động nước tưới, tăng cường công tác hỗ trợ kỹ thuật, thông qua hợp tác với các chuyên gia trong và ngoài nước như trong năm 2021, Vietsugar hợp tác với tập đoàn Nhật Bản để thực hiện khảo nghiệm thí điểm tại các vùng nguyên liệu mía đường để tìm ra quy trình canh tác phù hợp, tiên tiến và các biện pháp cung cấp dinh dưỡng cho cây mía trên từng vùng nguyên liệu của Vietsugar. Hỗ trợ, kết nối, giới thiệu cho bà con nông dân các mô hình trồng mía tiên tiến, cho năng suất, chất lượng mía cao, tiết giảm chi phí trồng mía, đem lại lợi nhuận cao.
Ngoài ra, triển khai dự án đầu tư máy móc thiết bị nông nghiệp, thực hiện thí điểm mô hình trồng mía áp dụng cơ giới hóa với mục tiêu: Xây dựng mô hình áp dụng cơ giới hóa trong các khâu trồng và chăm sóc mía thay thế phương pháp trồng mía thủ công lạc hậu, tránh phụ thuộc vào nguồn lao động thủ công đang ngày càng khan hiếm, hạ giá thành sản suất và tăng lợi nhuận.
Với những tín hiệu tích cực từ thị trường và chính sách, kỳ vọng ngành mía đường Việt Nam sẽ từng bước khôi phục sản xuất và nâng cao vị thế cạnh tranh. Ảnh: VGP/Minh Thi |
Đến liên kết để phục hồi vùng nguyên liệu
Theo các chuyên gia kinh tế và các nhà quản lý trong ngành mía đường, do đặc điểm đặc thù của ngành mía đường là nguyên liệu phụ thuộc rất nhiều vào người nông dân và các HTX trồng trọt nên để chủ động nguồn nguyên liệu, giải pháp có tính lâu dài và bền vững là phải xây chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp, nông dân cùng với sự vào cuộc của các cơ quan quản lý cũng như các địa phương. Cụ thể, việc xây dựng được chuỗi liên kết phải đồng bộ từ quy hoạch, sản xuất, tiêu thụ.
Kinh nghiệm từ Vietsugar cho thấy, Vietsugar đã thực hiện các chính sách để phát triển vùng nguyên liệu và hỗ trợ cho bà con nông dân trồng mía với nhiều chương trình thiết thực và kịp thời trong nhiều năm qua.
Đó là, đầu tư tài chính cho nông dân trồng mía tính theo ha; hỗ trợ bã bùn giá mía, giống mía của trại giống Vietsugar trong tỉnh Khánh Hòa; giải ngân linh hoạt và nhanh chóng giúp cho bà con nông dân có tiền chăm sóc mía kịp thời.
Bên cạnh đó, để người trồng mía yên tâm với canh tác cây mía, Vietsugar đã cam kết giá mua mía tối thiểu, chưa bao gồm vận chuyển và bốc xếp, hỗ trợ thêm theo từng vùng để bà con nông dân có lãi và yên tâm sống được nhờ cây mía. Nông dân trồng mía đã ký hợp đồng đầu tư, thu mua với Vietsugar đều được bao tiêu đầu ra 100%. Phát triển thu mua bao tiêu mía cho bà con trồng mía không chỉ tại tỉnh Khánh Hòa, mà còn có tỉnh Đắk Lắk, Phú Yên và Ninh Thuận.
Bên cạnh đó, định kỳ hằng năm tổ chức các chương trình, hội thảo cho bà con nông dân, năm 2020, tuy hạn chế do COVID-19 nhưng đã cố gắng để tổ chức các chương trình như: Hội thảo phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chuyên dùng cho cây mía của các công ty phân bón; thuốc bảo vệ thực vật; hội thảo báo cáo kết quả trình diễn thử nghiệm các giống mía mới của Viện Nghiên cứu mía đường Việt Nam; hội thảo theo chương trình khuyến nông tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Ninh Thuân; tập huấn kỹ thuật canh tác mía.
Ngoài ra, công ty còn triển khai dự án đầu tư máy móc thiết bị nông nghiệp để áp dụng cơ giới hóa trong các khâu trồng và chăm sóc mía nhằm thay thế dần phương pháp trồng mía thủ công, tránh phụ thuộc vào nguồn lao động đang ngày càng khan hiếm…
Theo chia sẻ của anh Lê Đình Út, xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm, hiện có 10 ha mía, nhờ vùng mía được đầu tư hệ thống tưới nên năng suất mía vẫn đạt khoảng 60 tấn/ha. Với giá bán mía đạt 1 triệu đồng/tấn cho Công ty CP Đường Việt Nam, cao hơn niên vụ trước 160.000 đồng/tấn, ngoài ra, gia đình anh Út còn được phía nhà máy đường đầu tư tiền chăm sóc, hỗ trợ bã bùn và một số chính sách hỗ trợ khác nên mỗi ha mía niên vụ vừa qua gia đình anh có lãi khoảng 20 triệu đồng/ha.
Như vậy, với những tín hiệu tích cực từ thị trường và chính sách, cùng những nỗ lực vươn lên từ cả doanh nghiệp và nông dân, ngành mía đường Việt Nam, nhất là giải pháp phát triển nguồn nguyên liệu sẽ kỳ vọng từng bước khôi phục sản xuất nội địa trong năm 2021 và nâng cao vị thế cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam trên thị trường thế giới.
Minh Thi