Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Mục tiêu của biên bản ghi nhớ là phát triển nguồn tiềm năng cây dược liệu của Việt Nam, tạo công ăn việc làm ổn định cho người nông dân, thành viên của các hợp tác xã, tổ, nhóm nông dân người dân tộc thiểu số và phát triển kinh tế.
Với biên bản ghi nhớ giữa 3 bên, Dược Nam Hà sẽ tài trợ quy hoạch vùng trồng dược liệu tại một số tỉnh phía bắc và Tây Nguyên. Hỗ trợ các hợp tác xã, hộ hợp tác, trang trại đăng ký trồng dược liệu thuộc danh mục do Bộ NN&PTNT quản lý, hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình trồng, chăm sóc và thu hoạch cây dược liệu phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng và tập quán canh tác của từng vùng, đồng thời xây dựng tiêu chuẩn GACP nhằm bảo đảm chất lượng dược liệu đạt tiêu chuẩn kiểm nghiệm khi tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu.
Ông Trần Minh Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế) nêu thực tế hiện nay nguồn dược liệu mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu trong nước, còn lại phải nhập khẩu. Trong khi đó, "tính trung bình giá dược liệu xuất khẩu của chúng ta chỉ khoảng 1 USD/kg nhưng nhập về phải tầm 8 USD/kg. Vấn đề quy hoạch, trồng và thu hoạch đúng kỹ thuật rất cần thiết để nâng giá trị của dược liệu nội địa. Điều này cần phải có chuỗi khép kín mới có thể làm được", ông Ngọc nhấn mạnh.
Theo định hướng phát triển trong giai đoạn 1 của bản ghi nhớ, từ năm 2021-2030 sẽ thực hiện, căn cứ theo chương trình hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc "Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Các giai đoạn tiếp theo nhằm ổn định và phát triển lâu dài theo mục tiêu, định hướng phát triển trồng, chăm sóc và chế biến các sản phẩm từ cây dược liệu của Việt Nam.
Đỗ Hương