Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phí môi giới là một thực tế của thị trường lao động và người lao động (NLĐ) muốn đi làm việc ở nước ngoài không thể không mất khoản phí này. Tuy nhiên, thời gian qua vì chưa có những quy định cụ thể, rõ ràng về phí môi giới nên đây là mảnh đất mầu mỡ để doanh nghiệp thu thêm các khoản tiền bất hợp pháp, gây cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, đẩy phí môi giới lên cao gây thiệt hại cho NLĐ.
Phí môi giới leo thang, thu nhập của người lao động tụt dốc
Năm 2005 "làng XKLĐ" chấn động bởi vụ việc công an bắt giữ một giám đốc Công ty XKLĐ do Công ty này thu phí môi giới tu nghiệp sinh (TNS) đi làm việc tại Nhật Bản, hiện nội vụ vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra, xem xét. Vụ việc khiến nhiều doanh nghiệp hoang mang bởi trên thực tế phía Nhật Bản quy định không cho phép thu phí môi giới của TNS và phía Việt Nam cũng không có quy định nào về phí môi giới trong khi doanh nghiệp giải thích nếu như không có khoản phí môi giới này thì TNS không thể đi làm việc tại Nhật Bản.
Tương tự, thị trường Đài Loan cũng không có quy định về phí môi giới, vì vậy hiện các doanh nghiệp có hợp đồng công xưởng luôn trong tình trạng "cá nằm trên thớt" bởi thực tế thì họ vẫn phải trả phí môi giới cho Công ty môi giới Đài Loan hàng nghìn USD mà không có một chứng từ nào cũng như quy định pháp lý nào bảo đảm. Lo ngại bị cơ quan chức năng "sờ gáy", các doanh nghiệp này đều phải tìm cách "lách luật" để lao động cho tiền vào phong bì kín và nộp trực tiếp cho Công ty môi giới ngay tại sân bay.
Thời gian qua, Hải quan sân bay Nội Bài cũng như Tân Sơn Nhất đều từng tạm giữ nhiều đoàn lao động với hàng chục nghìn USD NLĐ mang theo sang trả phí môi giới trực tiếp. Giám đốc một doanh nghiệp cho biết: "Phần lớn công ty môi giới yêu cầu nộp phí môi giới một nửa trước, còn một nửa mang phong bì kín sang tận tay họ nhưng Nhà nước không có quy định cụ thể về phí môi giới nên nếu chúng tôi đứng ra thu tiền để chuyển cho công ty môi giới là trái với quy định của pháp luật. Việc chuyển tiền được thực hiện theo phương thức trao tay cho cá nhân môi giới nên doanh nghiệp vô tình (hoặc buộc phải) vi phạm pháp luật của Nhà nước".
Hiện tượng leo thang liên tục của phí môi giới đã làm ảnh hưởng tiêu cực tới lợi ích kinh tế của đất nước. Ngoại tệ dùng để trả phí môi giới của hàng vạn người đi XKLĐ là một khoản rất lớn, chỉ tính riêng cho hai năm 2003-2004 cả nước đưa khoảng 136.000 lao động sang Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia... Nếu trung bình mỗi lao động phải trả 500 USD phí môi giới thì khoản thiệt hại của kinh tế đất nước đã lên tới trên 68 triệu USD. |
Cũng do phí môi giới không được quy định công khai nên đây là kẽ hở để doanh nghiệp lách luật, tăng phí môi giới để giành giật hợp đồng, cạnh tranh với các doanh nghiệp khác. Hiệp hội XKLĐ mới đây cho biết, qua nghiên cứu của đơn vị này thì phí môi giới trên thị trường lao động quốc tế đang có xu hướng tăng dần nhưng đáng lưu ý là đối với lao động Việt Nam khoản phí này luôn đội lên ở mức không bình thường. Giai đoạn đầu cung ứng lao động sang Đài Loan, phí môi giới cho một hợp đồng làm việc hai năm khoảng gần 2.000 USD, nhưng hiện nay phí môi giới này là 3.500 USD, thậm chí hiện nhiều doanh nghiệp đã tăng mức phí này lên tới 4.600 USD do hợp đồng công xưởng Đài Loan ngày càng khó khăn. Theo quy định của phía Đài Loan, mỗi NLĐ làm việc hơn hai năm phải khấu trừ khoảng 1.300 USD, cộng với khoản tiền phí môi giới trên, mỗi lao động mất tới gần 6.000 USD phí môi giới. Phí môi giới leo thang như vậy nên thu nhập của NLĐ ngày càng bị giảm xuống. Theo tính toán cụ thể của Hiệp hội thì trừ đi chi phí môi giới, phí ăn ở, bảo hiểm y tế, phí quản lý Đài Loan... thu nhập của NLĐ trong hai năm chỉ còn khoảng hơn 800 USD. Con số nhỏ bé này so với con số môi giới vĩ đại nói trên phần nào lý giải nguyên nhân vì sao có tình trạng lao động bỏ trốn, kiện cáo khi về nước trước hạn (cho dù đó là lỗi của NLĐ).
Ở thị trường Malaysia, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội quy định mức phí môi giới là 350 USD/hợp đồng làm việc 2 năm nhưng hiện nay nhiều doanh nghiệp đã tự động nâng mức phí này lên 400 USD, thậm chí với những đơn hàng ổn định, số lượng lớn, có việc làm thêm nhiều doanh nghiệp còn ký phí môi giới lên tới 600 - 700 USD.
Công khai để minh bạch
Việc tăng phí môi giới được các doanh nghiệp lý giải là do chất lượng đội ngũ lao động Việt Nam chưa cao so với lao động nước khác, nhưng thực tế là do các doanh nghiệp Việt Nam chưa có sự thống nhất cho từng thị trường và các ngành nghề lao động nên luôn phải chấp nhận sức ép từ các công ty môi giới. Mặt khác, với các đơn hàng tốt, nhiều doanh nghiệp sử dụng "chiêu" tăng phí môi giới để "cướp" hợp đồng từ các doanh nghiệp khác. Để chấm dứt tình trạng này, Hiệp hội XKLĐ đã có kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội - Bộ Tài chính ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn về phí môi giới trong XKLĐ. Dự thảo thông tư này quy định rõ mức phí môi giới sẽ được xác định trên cơ sở quy định hiện hành về phí môi giới của các nước đối với tổng thị trường. Mức phí này sẽ bảo đảm sự cạnh tranh với các nước, phù hợp với từng loại hình công việc và bảo đảm thu nhập thực tế, hợp lý của NLĐ. Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội sẽ đưa ra khung phí môi giới cho từng thị trường cụ thể, căn cứ vào mức phí khung này doanh nghiệp tính toán đưa ra mức phí môi giới hợp lý. Mức phí môi giới tối đa bằng 10% tổng thu nhập sau khi trừ đi 9 loại phí hợp lý trước khi đi như tiền vé, khám sức khỏe, lệ phí sân bay. Riêng thị trường Đài Loan, mức phí này tối đa bằng 15% tổng thu nhập (tương đương ba tháng lương theo hợp đồng).
Tuy đang còn là dự thảo song các doanh nghiệp chuyên doanh XKLĐ đã "mừng sớm" bởi theo họ nếu thông tư này được ban hành, sẽ góp phần công khai, minh bạch một khoản phí vốn rất "nhạy cảm" "dễ vi phạm pháp luật" nhưng không có thì không "được". Nhà nước sẽ quản lý được khoản thu này, góp phần hạn chế tình trạng doanh nghiệp đẩy phí môi giới lên cao gây thiệt hại cho NLĐ, các cá nhân và tổ chức môi giới ngoài nước thao túng phí môi giới như hiện nay.
(Nhân dân)