Báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 đánh giá: tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 phát triển theo chiều hướng tích cực, nền kinh tế phục hồi khá nhanh trong điều kiện kinh tế thế giới vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn đáng kể so với năm trước và vượt kết hoạch đề ra. Thu ngân sách đạt khá và vượt kế hoạch, bảo đảm được các nhu cầu chi; đầu tư phát triển được đẩy mạnh, huy động và giải ngân vốn đầu tư phát triển đạt khá. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống người dân ngày càng được cải thiện; chính trị, xã hội tiếp tục ổn định; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều khó khăn. Một số chỉ tiêu kế hoạch đạt thấp; đặc biệt là tình hình kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định; giá cả tăng cao về cuối năm; một số vấn đề về xã hội, bảo vệ môi trường còn nhiều bức xúc cần được giải quyết trong thời gian tới. Trong tháng 1/2011, các Bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 02 của Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng về bình ổn giá cả, thị trường, thúc đẩy sản xuất, chuẩn bị cho nhân dân đón Tết Nguyên đán; đời sống của người dân, đặc biệt là những người nghèo, người già neo đơn, người tàn tật được quan tâm; an sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...
Căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, cơ quan, địa phương triển khai giao kế hoạch và tổ chức thực hiện ngay từ đầu năm 2011. Ngày 9/1/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2011. Nghị quyết đề ra 7 nhóm giải pháp lớn với các nội dung cụ thể cần triển khai trong năm 2011 bao gồm: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế (kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định thị trường, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng, kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, tín dụng và bảo đảm lãi suất ở mức hợp lý…; Kiểm soát nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán; Duy trì bảo đảm ổn định hệ thống tiền tệ, tín dụng, ngân hàng; Tăng cường kỷ luật tài chính, phấn đấu giảm bội chi ngân sách, bảo đảm dư nợ Chính phủ, nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn). Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Triển khai quy hoạch, tiếp tục nâng cao chất lượng nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ. Bảo đảm an sinh xã hội gắn với thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe, bảo đảm đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường phòng, chống tham nhũng. Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.
Báo cáo đánh giá bổ sung về "kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2010, tình hình triển khai thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2011" cho biết: năm 2010, thu ngân sách Nhà nước vượt 48.584 tỷ đồng so với dự toán, tăng thêm 10.483 tỷ đồng so với báo cáo của Quốc hội; thu ngân sách địa phương vượt 47.610 tỷ đồng so với dự toán, tăng thêm 19.610 tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội. Bội chi ngân sách Nhà nước năm 2010 là 109.460 tỷ đồng, bằng 5,6% GDP, giảm 0,6% GDP so với dự toán, giảm thêm 0,2% GDP so với báo cáo Quốc hội. Báo cáo đã nêu 5 nội dung trọng tâm các Bộ, ngành và địa phương cần chú trọng thực hiện trong năm 2011, đó là: Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm ổn định thị trường; Tập trung chỉ đạo, phấn tăng thu ngân sách Nhà nước năm 2011 vượt trên 5% so với dự toán được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao; Quản lý chi tiêu chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả để giảm bộ chi ngân sách Nhà nước dưới mức đã được Quốc hội quyết định (5,3% GDP); Hoàn thiện cơ chế, chính sách nâng cao hiệu quả đầu từ phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh thu hút các nguồn lực xã hội cho đầu tư cơ sở hạ tầng, khuyến khích các hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP), đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài; Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chi ngân sách Nhà nước; tiếp tục thực hiện sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp Nhà nước…
Trên cơ sở tán thành với những định hướng và giải pháp trong Báo cáo bổ sung của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nêu lên những nội dung, giải pháp cần tập trung thực hiện đối với nhóm giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; nhóm giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh; nhóm giải pháp xã hội và môi trường...
Thảo luận về các nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận đề nghị làm rõ, đánh giá về “chất” của tăng trưởng. Đại biểu đề cập tới vấn đề tăng giá cả, đồng tiền mất giá hiện nay đã có những ảnh hướng không nhỏ tới đời sống xã hội. “Nhìn vào con số dễ làm thỏa mãn, nhưng thực chất thế nào, cần phải phân tích làm rõ” - đại biểu đề xuất. Đại biểu cũng đề nghị phải đánh giá những tác động của các biện pháp mạnh đối với sản xuất kinh doanh đã áp dụng trong thời gian vừa qua ra sao; thu chi công chiếm tỷ trọng lớn, có tác động đến sản xuất kinh doanh như thế nào… Đại biểu đánh giá quản lý thị trường ngoại tệ là việc nhiều năm không làm được. Hiện Việt Nam có 3 phương tiện thanh toán chi phối, đó là đồng Việt Nam, ngoại tệ và vàng. Về vấn đề này Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội K’so Phước đề nghị nghiên cứu kỹ các nguyên nhân dẫn tới việc gia tăng sử dụng USD trong chi tiêu nội địa và đề xuất Bộ Tài chính cần tham mưu cho Chính phủ về vấn đề này để có những giải pháp xử lý quyết liệt. Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị cần tiếp tục quan tâm nhiều hơn để ngay từ bây giờ có dự báo CPI trong năm 2011 và cần có các giải pháp tích cực trong triển khai thực hiện. Đại biểu nhấn mạnh lạm phát tăng đang là vấn đề ảnh hưởng lớn tới đời sống của người dân, đặc biệt là người nghèo; cần nghiên cứu để giảm lạm phát. Cũng cùng quan điểm này, đại biểu K’so Phước nhấn mạnh, lạm phát tăng nhanh và cao đã làm giảm đi các thành tựu đã đạt được và đối tượng chịu thiệt thòi là người nghèo và người hưởng lương. Tán thành với các giải pháp mà Chính phủ đã nêu, đại biểu cho rằng, cần phải làm quyết liệt hơn trong thời gian tới. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba nêu lên vấn đề "nóng" xung quanh việc tăng lãi suất. Đại biểu phân tích, cùng với việc tăng lãi suất, các doanh nghiệp phải vay với lãi suất cao dẫn tới khả năng khó có lãi trong kinh doanh. Từ đó dễ dẫn tới đổ vỡ, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, gây nên những ảnh hưởng không tốt tới sản xuất, kinh doanh và trật tự xã hội. Đại biểu đề xuất cần có cái nhìn đa chiều và tính toán thêm về vấn đề này.
Về các vấn đề xã hội, đại biểu Trương Thị Mai đề nghị cần rà soát lại tổng thể các chính sách an sinh xã hội để xác định vai trò tham gia của Nhà nước phù hợp trong 10 năm tới. Đại biểu K’so Phước đề nghị cần làm rõ thêm các vấn đề liên quan tới trật tự an toàn xã hội đặc biệt là về ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, đình công trong công nhân lao động… Đại biểu đề xuất tăng cường kiểm tra, đôn đốc các công trình đầu tư cho các vùng còn khăn khăn của nước ta...
Quỳnh Hoa