Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp cho xã Ninh Hiệp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND xã Ninh Hiệp Nguyễn Văn Tuấn đã ôn lại những truyền thống hào hùng của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân địa phương trong các cuộc đấu tranh, tiêu biểu là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân xã Ninh Hiệp sớm giác ngộ cách mạng, bám đất, bám làng, vừa sản xuất vừa chiến đấu và xây dựng cơ sở cách mạng, tham gia phong trào đấu tranh cách mạng, góp gạo nuôi quân, che giấu cán bộ, canh gác cho cán bộ hội họp, nối kết đường dây liên lạc bí mật từ thôn Du Lâm về Ninh Hiệp, rồi tỏa đến Trung Mầu, chùa Phật Tích... Chùa Nành (Ninh Hiệp) là địa chỉ đỏ, an toàn khu, nơi đi về, làm việc của Trung ương và Xứ ủy Bắc kỳ trong kháng chiến chống thực dân Pháp thời kỳ 1940-1942. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước như: Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo đã được nhân dân địa phương nuôi, giấu để chỉ đạo phong trào cách mạng trước năm 1945. Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, Ninh Hiệp là một trong những địa phương có nhiều hoạt động, làm cho bộ máy chính quyền địch ở địa phương gần như bị tê liệt.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Trước khí thế cách mạng tháng 8/1945, bọn lý trưởng các xã Ninh Hiệp, Hiệp Phù, Ninh Giang phải đem sổ sách, triện đồng đến nộp cho cán bộ Việt Minh. Ngày 21/8/1945, Ủy ban nhân dân lâm thời xã Ninh Hiệp được thành lập. Tổng kết các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, xã Ninh Hiệp có 739 cá nhân được trao tặng Huân chương Lao động, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Nhì, Ba; có 6 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, 149 liệt sĩ, cùng nhiều người có công với nước.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và các đại biểu gắn biển công trình trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã Ninh Hiệp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Ông Lê Anh Quân, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm (Hà Nội) cho biết, phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Ninh Hiệp trong những năm qua đã không ngừng phấn đấu vươn lên, giành nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực. Đặc biệt, thế mạnh có nghề truyền thống, kinh doanh, chế biến thuốc Nam, thuốc Bắc; nghề kinh doanh vải và hàng may mặc đã giúp cho Ninh Hiệp có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất huyện Gia Lâm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt 13-14%; bình quân thu nhập đầu người đạt 60 triệu đồng/năm. Xã Ninh Hiệp đã được TP. Hà Nội công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới, hạ tầng xã hội của địa phương được đầu tư khang trang, theo kiểu “phố trong làng”, giúp đời sống của nhân dân ngày càng tiện lợi, ấm no, hạnh phúc.
Theo TTXVN