• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Phổ điểm tốt nghiệp THPT 2025: Phân hóa rõ, phản ánh đúng năng lực thực chất

(Chinhphu.vn) - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được ghi nhận là bước cải tiến rõ nét trong đánh giá năng lực học sinh, cung cấp dữ liệu tuyển sinh đại học đáng tin cậy và giúp các địa phương định hướng lại chính sách giáo dục. Phổ điểm năm nay thể hiện rõ tính phân hóa, đề thi đi sát năng lực và khơi mở tư duy thay vì kiểm tra trí nhớ – dấu hiệu của một kỳ thi đang tiệm cận chuẩn hiện đại.

16/07/2025 05:21
Phổ điểm tốt nghiệp THPT 2025: Phân hóa rõ, phản ánh đúng năng lực thực chất- Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Đình Đức: Kết quả phổ điểm năm nay không gây "sốc" như lo ngại ban đầu - Ảnh: VGP/Trần Hiệp

Phổ điểm "đẹp", đề thi phân hóa – nền tảng cho xét tuyển công bằng

PGS.TS Nguyễn Đình Đức – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Công nghệ (ĐHQGHN) cho rằng kỳ thi năm nay đạt nhiều điểm tích cực, từ đề thi đến phổ điểm, qua đó tạo nền tảng tốt cho công tác tuyển sinh đại học và phản ánh đúng chất lượng giáo dục phổ thông các địa phương.

Kết quả phổ điểm năm nay không gây "sốc" như lo ngại ban đầu, mà ngược lại mang đến sự yên tâm nhờ thể hiện rõ tính phân hóa – một tiêu chí quan trọng trong đánh giá năng lực thí sinh. "Môn Toán là ví dụ tiêu biểu. Tôi mừng vì đề thi Toán năm nay khó hơn, nhưng khó ở mức vừa phải, có khả năng phân loại cao, đặc biệt phù hợp với định hướng giáo dục STEM và tuyển sinh khối kỹ thuật", PGS.TS Nguyễn Đình Đức nhận định. Phổ điểm Toán năm nay không còn "dễ dãi" như một số năm trước, giúp phân định rõ học sinh khá – giỏi – xuất sắc.

Với môn Ngữ văn, dù từng xuất hiện một số tranh luận về định hướng ra đề, nhưng kết quả cho thấy điểm trung bình vẫn ở mức cao, chứng tỏ học sinh thích ứng tốt với yêu cầu về tư duy bài luận. Môn Vật lý giữ mức ổn định cả về phổ điểm lẫn số lượng dự thi.

Một điểm đáng chú ý khác là sự thay đổi mạnh mẽ trong lựa chọn môn thi tổ hợp, đặc biệt với hai môn Hóa học và Sinh học. PGS.TS Nguyễn Đình Đức nhận xét: "Môn Vật lý năm nay nhìn chung không có gì đặc biệt so với mọi năm cả về số lượng thí sinh dự thi lẫn điểm trung bình đều ổn định. Nhưng ở các tổ hợp Hóa – Sinh, thì tình hình đã thay đổi rất rõ". Ông phân tích: "Tỷ lệ thí sinh đăng ký thi môn Hóa chỉ còn hơn 40% so với trước, và đặc biệt môn Sinh chỉ còn 20% so với năm ngoái. Đây là điều cần được lý giải". Theo ông, lâu nay điểm trung bình của tổ hợp môn Sinh vốn thấp và ổn định ở mức thấp, nên có thể thí sinh e ngại không chọn thi. Đồng thời, năm nay nhiều trường đại học điều chỉnh tổ hợp xét tuyển không còn chỉ giới hạn ở tổ hợp truyền thống Toán – Hóa – Sinh, mà bổ sung thêm nhiều tổ hợp mới. "Việc có nhiều lựa chọn tổ hợp đã phản ánh rất đúng định hướng của học sinh. Qua cách lựa chọn môn thi, có thể thấy rõ phương thức xét tuyển của các trường đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định của thí sinh".

PGS.TS Nguyễn Đình Đức cho biết thêm: "Điểm trung bình của các môn như Hóa, Sinh, kể cả Lịch sử, thực ra không thay đổi nhiều so với năm ngoái. Riêng môn Vật lý thì điểm trung bình thấp hơn một chút, nhưng số lượng thí sinh thi giảm mạnh. Tỷ lệ thi môn Sinh từ mức 70–80% các năm trước, giờ chỉ còn khoảng 20%". Từ thực tế này, ông cho rằng: "Khi lựa chọn tổ hợp, các em đã xác định rất rõ định hướng nghề nghiệp, và đây là tín hiệu tốt. Cách phân bổ thí sinh theo tổ hợp năm nay cho thấy sự phân hóa của thị trường là rất rõ ràng và tích cực".

Với môn Tiếng Anh, phổ điểm tăng nhẹ nhưng số lượng thí sinh dự thi lại giảm – chỉ còn khoảng 1/3 tổng số thí sinh toàn quốc, "Chính việc chỉ những học sinh tự tin mới chọn thi Tiếng Anh đã khiến phổ điểm có vẻ cao hơn". Ông cũng nhấn mạnh: "Chuẩn đầu ra của đề thi Tiếng Anh năm nay đã nâng từ A2 lên B1 theo khung tham chiếu châu Âu, tiệm cận đề thi quốc tế, nhưng phụ huynh và học sinh có thể chưa nhận thức đầy đủ sự thay đổi này". Đây là bước tiến tích cực, song cần truyền thông rõ ràng hơn trong các năm tới.

Một cải tiến đáng chú ý khác là việc Bộ GD&ĐT lần đầu tiên đưa vào hệ số điều chỉnh khi xét tuyển theo tổ hợp. "Trước đây, các trường công bố chỉ tiêu theo phương thức nhưng không xác định rõ tỷ lệ phân bổ theo tổ hợp. Năm nay, có quy định về hệ số điều chỉnh là một cải tiến rất đáng ghi nhận," PGS.TS Nguyễn Đình Đức nhận xét. Ông cho rằng việc xét tuyển không chỉ theo tổ hợp mà còn có thể theo lĩnh vực gần, sẽ là xu hướng hợp lý trong tương lai.

Về đánh giá giáo dục địa phương, ông đánh giá cao việc Bộ GD&ĐT công bố hệ số chuẩn hóa. "Lần đầu tiên, Hà Nội và Nghệ An đều lọt vào nhóm dẫn đầu toàn diện. Đây không chỉ là thành tích, mà là cơ sở để các địa phương điều chỉnh chính sách đầu tư giáo dục," ông nói.

Ông cũng ghi nhận việc Bộ GD&ĐT mời giáo viên THPT cùng chuyên gia đại học tham gia phân tích phổ điểm năm nay là một bước tiến quan trọng, tạo sự kết nối giữa trung học và đại học trong đánh giá chất lượng kỳ thi. "Tổng kết lại, đây là kỳ thi tốt nghiệp THPT rất thành công, thể hiện nỗ lực đổi mới của ngành Giáo dục và sự trưởng thành của học sinh. Cá nhân tôi cảm thấy yên tâm và tự hào," ông chia sẻ. 

Phổ điểm tốt nghiệp THPT 2025: Phân hóa rõ, phản ánh đúng năng lực thực chất- Ảnh 2.

GS.TS Phạm Hồng Quang đưa ra ba luận điểm lớn, gợi mở cách nhìn toàn diện hơn về vai trò và định hướng cải tiến kỳ thi - Ảnh: VGP/Trần Hiệp

GS.TS Phạm Hồng Quang: "Phân loại đúng mới là công bằng của giáo dục"

Từ góc nhìn học thuật, GS.TS Phạm Hồng Quang – Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học giáo dục đưa ra ba luận điểm lớn, gợi mở cách nhìn toàn diện hơn về vai trò và định hướng cải tiến kỳ thi.

Thứ nhất, GS.TS Phạm Hồng Quang nhấn mạnh: "Mục tiêu cơ bản của kỳ thi phải là 'đo lường, phân loại đúng năng lực người học'. Đây là yêu cầu khó, cần quá trình lâu dài, đậm tính khoa học và chuyên nghiệp". Theo ông, định hướng này phù hợp với Luật Giáo dục hiện hành, vốn nhấn mạnh đến "việc phát triển phẩm chất, năng lực người học và đánh thức tiềm năng của mỗi học sinh".

Ông nêu rõ: "Nếu phân loại chỉ để xét tuyển thì chỉ là giúp cho những tư bản số định kiến. Qua tư duy giáo dục hiện tại, mỗi một cá nhân có quyền lựa chọn tương lai của mình tùy theo năng lực". Việc phân tích phổ điểm trên nền dữ liệu lớn năm nay đã bước đầu thể hiện định hướng đúng: giúp cá nhân hóa lộ trình học tập, đồng thời tạo căn cứ cho cả xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Ông cũng khẳng định: "Không có gì mâu thuẫn với quyền tự chủ của giáo dục" khi áp dụng mô hình kỳ thi thống nhất hiện nay.

Thứ hai, GS.TS Phạm Hồng Quang cho rằng: "Một điểm số chỉ thực sự có giá trị trong bối cảnh, hoàn cảnh với mặt bằng học lực". Việc so sánh điểm giữa học sinh chuyên và học sinh đại trà, hoặc giữa các vùng miền, nếu thiếu bối cảnh, có thể dẫn đến đánh giá sai lệch.

"Ví dụ ở môn tin học, trên phổ điểm trong top 10 có điểm trung bình cao nhất lại là các tỉnh vùng khó: Lai Châu, Sơn La, Gia Lai, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình". Điều tương tự cũng xảy ra với các môn Lịch sử, Địa lý và Tiếng Anh – nơi điểm cao lại xuất hiện nhiều ở các tỉnh không thuận lợi. "Có thể là do cách dạy học tích cực ở nhà trường và sự nỗ lực của địa phương", và đó là dấu hiệu cho thấy các chính sách như Thông tư 29 đã phát huy tác dụng.

Ông cho rằng cần dần chấm dứt tư duy điểm số tuyệt đối, "vốn đã ngày càng lỗi thời và một cái thực tế khô cứng". Học là quá trình dài hạn, trong khi thi chỉ là một khâu xác nhận nhất định.

Thứ ba, ông dành lời khen cho đề thi môn Ngữ văn: "Mặc dù là hình thức tự luận nhưng mà trong tương lai tôi nghĩ vẫn phải nên đi theo hướng này. Đề thi đã đạt được mục tiêu là phát triển năng lực, hình thành năng lực cho người học. Học liệu trong sách giáo khoa là vật liệu và để kiến tạo ý tưởng giáo dục. Điều này vô cùng quan trọng".

Theo GS.TS Quang, đề thi dạng tự luận nếu ra đúng cách có thể yêu cầu học sinh huy động kiến thức từ nhiều lĩnh vực: lịch sử, văn hóa, địa lý, chính trị và thực tiễn xã hội. Khi học sinh được "nhúng mình vào bối cảnh đó, thực tiễn đó" thì mới nảy sinh cảm hứng học tập, học để sống, chứ không phải chỉ để thi.

Từ các phân tích trên, ông đề xuất: "Phân loại đúng mới là công bằng của giáo dục", vì chỉ khi học sinh xác định đúng năng lực của bản thân, các em mới có thể lựa chọn đúng lộ trình sau phổ thông – học tiếp, vừa học vừa làm hay tham gia thị trường lao động.

Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của lộ trình ra đề năm 2026, gắn với đánh giá chương trình GDPT 2018. "Không nên nói nhiều về đề thi dễ hay khó, mà cùng nhau tìm cách để đo lường, phân loại đúng năng lực người học". Đặc biệt, ông đặt câu hỏi thực tiễn: "Điểm học bạ khi xét tuyển đại học có nên hay không?" và khẳng định: "Phải học thật, mới ra thật".


Phổ điểm tốt nghiệp THPT 2025: Phân hóa rõ, phản ánh đúng năng lực thực chất- Ảnh 3.

Cô Nguyễn Bội Quỳnh nhấn mạnh, điểm nổi bật nhất là kỳ thi năm nay đã thực sự "buộc" cả học sinh và giáo viên phải học thật, dạy thật - Ảnh: VGP/Trần Hiệp

 Cô Nguyễn Bội Quỳnh: "Kỳ thi buộc học sinh học thực chất, giáo viên phải thay đổi cách dạy"

Từ thực tiễn giảng dạy tại một trường THPT trung tâm của Hà Nội, cô Nguyễn Bội Quỳnh – Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức cho biết: Những thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, ban đầu khiến giáo viên và học sinh lo lắng, nhất là việc tổ chức bài thi tổ hợp. Tuy nhiên, sau khi có phương án chính thức và được tập huấn, nhà trường nhận thấy cấu trúc kỳ thi đã được Bộ GD&ĐT thiết kế khoa học, giảm số môn bắt buộc, tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn môn thi phù hợp với năng lực và định hướng nghề nghiệp.

Theo cô Quỳnh, điểm nổi bật nhất là kỳ thi năm nay đã thực sự "buộc" cả học sinh và giáo viên phải học thật, dạy thật, không thể dạy mẹo hay học thuộc lòng theo mẫu. "Trước đây, hình thức trắc nghiệm có thể khiến học sinh làm bài bằng mẹo. Nhưng nay, muốn làm được, các em phải có kiến thức thực sự".

Cụ thể, với môn Toán, cô đánh giá đề thi phân hóa rõ ràng theo từng phần kiến thức, yêu cầu học sinh nắm chắc các định nghĩa, định lý và bản chất vấn đề. "Một số học sinh của Trường Việt Đức sau khi đối chiếu đáp án đã tự tin báo với tôi sẽ đạt điểm tuyệt đối. Tôi chưa dám khẳng định cho đến khi có kết quả chính thức, nhưng sự tự tin ấy cho thấy đề thi đã phân loại đúng và khuyến khích học sinh học thật, hiểu sâu".

Đặc biệt, với môn tiếng Anh – môn học vốn chịu nhiều tranh cãi về phương pháp giảng dạy nhiều năm qua, cô Quỳnh cho biết đề thi năm nay đã tạo áp lực tích cực buộc các nhà trường phải thay đổi thực sự. "Đề thi có phần đọc hiểu dài hơn, sử dụng nhiều cụm từ, thành ngữ, đòi hỏi học sinh không chỉ biết ngữ pháp mà phải hiểu và vận dụng được ngôn ngữ. Đây là tín hiệu rõ ràng buộc các nhà trường phải thay đổi cách dạy – không thể chỉ dạy mẹo hay công thức ngữ pháp, mà phải dạy đủ bốn kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết". Cô cũng chia sẻ rằng: "Phổ điểm tiếng Anh năm nay là cơ sở để các trường nhìn lại việc tổ chức chuyên đề, phương pháp dạy học và cách phát triển năng lực ngoại ngữ thực chất cho học sinh".

Không chỉ nhìn ở góc độ một kỳ thi, cô Quỳnh cho rằng đây là bước đầu tiên trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. "Nếu các nhà trường có định hướng rõ ràng ngay từ lớp 10, nếu giáo viên thay đổi cách dạy và học sinh học thực chất, thì kỳ thi sẽ là cơ hội để các em thể hiện đúng năng lực – thay vì trở thành áp lực".

Từ những tín hiệu tích cực của kỳ thi năm nay, cô khẳng định: "Tôi tin rằng nếu chúng ta tiếp tục điều chỉnh đúng hướng, coi trọng sự phát triển năng lực toàn diện thay vì điểm số tuyệt đối, thì học sinh sẽ được học trong môi trường tích cực, giáo viên được phát huy vai trò, và kỳ thi sẽ thực sự trở thành công cụ đánh giá công bằng, nhân văn và định hướng tốt cho tương lai các em". 

Thu Trang