Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn yêu cầu Lạng Sơn nhanh chóng xử lý hậu quả mưa lũ, ổn định đời sống người dân
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, mưa lớn liên tục, nước lũ lên nhanh, mực nước sông Kỳ Cùng lên mức báo động 2. Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã ngập sâu trong nước lũ, trong đó có 2 huyện Tràng Định và Văn Lãng.
Kiểm tra công tác ứng cứu, di dời người dân tại huyện Văn Lãng, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn lưu ý tình hình mưa bão vẫn diễn biến rất phức tạp. Các cấp lãnh đạo tỉnh, huyện cần tiếp tục bám sát diễn biến thực tế trên địa bàn để kịp thời chỉ đạo triển khai ứng phó, nhất là nhiệm vụ di dời người dân, tài sản ra khỏi các khu vực bị sạt lở, ngập lụt và có nguy cơ nguy hiểm. Trên cơ sở đó, tiếp tục triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, thiệt hại và ổn định sinh hoạt, đời sống.
Theo báo cáo của UBND huyện Văn Lãng, bắt đầu từ 14h ngày 7/9 đến 21h ngày 8/9, địa bàn huyện có gió mạnh và kèm theo mưa vừa đến mưa to, nước sông Kỳ Cùng dâng cao, nước tại các cửa suối và cống thoát bị ứ đọng, gây ngập các vị trí trũng thấp và toàn bộ các vị trí cầu ngầm trên các tuyến đường giao thông làm chia cắt, cô lập một số khu vực dân cư, đặc biệt là tại các vị trí trũng thấp khu 1,2,3,4,8 thị trấn Na Sầm.
Đến 17h ngày 10/9, trên địa bàn huyện còn cầu Na Sầm vẫn bị ngập, xóm Nà Là, xã Bắc Hùng bị cô lập do nước ngập đường vào thôn, ngập đường vào thôn Bản Nhùng xã Hồng Thái. Các hồ chứa nước Nà Pàn, Phai Cháu (xã Hoàng Văn Thụ), Kéo Páng (xã Nhạc Kỳ), Hồ Nà Pia, Bản Lếch 1,2, Lũng Vài mực nước dâng cao trên mực nước thiết kế từ 20 cm - 40 cm. Mưa to và gió lớn làm ảnh hưởng đến một số công trình trường học, nhà văn hóa thôn, đường điện sinh hoạt, nước sinh hoạt và nhà ở của nhân dân.
Về thiệt hại, toàn huyện chưa ghi nhận có thiệt hại về người. Tổng số nhà ở bị ảnh hưởng là 1.016 ngôi nhà, trong đó, 130 nhà bị tốc mái; 103 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất sau nhà; 783 nhà bị ngập úng.
Trước tình hình đó, UBND huyện Văn Lãng đã huy động tối đa lực lượng, nhanh chóng xử lý, khắc phục, thông tuyến giao thông; bố trí lực lượng chốt tại những khu vực ngập lụt lớn, khu vực có nguy cơ sạt lở đất, nỗ lực bảo đảm an toàn cho người.
Hiện nay, cường độ mưa và gió bắt đầu giảm. Tại các vị trí ngập úng trên đường giao thông và khu dân cư nước đã rút dần.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh UBND tỉnh phải tiếp tục chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thường xuyên theo dõi các vị trí ngập úng, sẵn sàng huy động các lực lượng thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả mưa lũ với phương châm "nước rút đến đâu xử lý đến đó". Đồng thời, phát huy tinh thần quyết tâm, quyết liệt trong xử lý các sự cố, bảo đảm cấp điện, nước sinh hoạt cho nhân dân sau bão.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, đã xảy ra ngập lụt trên diện rộng tại Tràng Định, nhiều xã và thị trấn Thất Khê chìm trong nước, nhiều nơi bị cô lập. Nước lên nhanh, người dân không kịp di chuyển.
Báo cáo với Phó Thủ tưởng Bùi Thanh Sơn, lãnh đạo huyện cho biết, tính đến 17h ngày 10/9, huyện Tràng Định không có thiệt hại về người; 2.607 hộ gia đình bị ảnh hưởng, trong đó có 46 ngôi nhà bị sạt lở và 3 nhà bị sập hoàn toàn, 148 nhà bị tốc mái; ngập 2.409 nhà dân; 23 nhà có nguy cơ bị sạt lở; ngập khoảng 650 ha cây cối và hoa màu; thiệt hại 81,4 ha cây lâm nghiệp.
Ngoài ra, gió lớn làm đổ cây chắn ngang đường 21 vị trí (tại QL.3B đoạn Km16+280, đoạn xã Tân Yên; đường xã Quốc Việt 1 vị trí; đường xã Đào Viên 12 vị trí; Tân Yên 1 vị trí; 1 đường ĐH06 Vĩnh Tiến; đường xã Chi Lăng 2 vị trí, đường xã Tân Minh 4 vị trí); ngập 2 cầu dân sinh tại xã Chi Lăng. Mưa lớn cũng gây ngập và chia cắt 35 vị trí giao thông.
"Tổng thiệt hại ước tính khoảng trên 300 tỷ đồng", lãnh đạo huyện Tràng Định cho biết.
Huyện Tràng Định đã huy động tất cả các lực lượng trên địa bàn huyện tham gia công tác hỗ trợ khắc phục – tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Đồng thời, huy động được hơn 2.000 người, sử dụng 7 xuồng máy, 50 bè mảng, hơn 4.000 phương tiện các loại để tham gia hỗ trợ.
Nhằm bảo đảm nhu cầu về thực phẩm cho các hộ trong vùng ngập, UBND huyện Tràng Định đã chỉ đạo các cơ quan cấp dưới chuẩn bị lương thực, nước uống để hỗ trợ tận nơi cho nhân dân tại các khu vực ngập bị cô lập.
Các lực lượng chức năng huyện đã hỗ trợ di dời 2.605 hộ dân. Trong đó có 42 hộ nguy cơ bị ảnh hưởng sạt lở; 2.563 hộ dân có nguy cơ ngập lụt với khoảng 9.100 nhân khẩu đã được di dời đến nơi an toàn như nhà người thân, nhà họp thôn và các vị trí nhà ở an toàn.
Với sự vào cuộc, chung tay của chính quyền, các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ, thanh niên xung phong và sự tham gia tích cực của người dân, "điểm trũng" của tình Lạng Sơn đã kịp thời khắc phục hậu quả của mưa lũ, sinh hoạt của người dân dần ổn định trở lại.
Phó Thủ tướng yêu cầu chính quyền tỉnh Lạng Sơn và huyện Tràng Định tiếp tục khẩn trương rà soát các gia đình trong các khu vực ngập lụt, không để người dân nào thiếu lương thực, nước uống.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng lưu ý cần phải phối hợp với các cơ quan liên quan, chỉ đạo đơn vị điện lực, viễn thông trên địa bàn kịp thời khắc phục các sự cố, nhanh chóng khôi phục thông tin liên lạc và cấp điện cho nhân dân./.
Minh Ngọc