Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh VGP/Lê Sơn |
Theo báo cáo tóm tắt tình hình và kết quả sơ kết 6 tháng đầu năm 2016 của Ban Chỉ đạo 138/CP do Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương trình bày tại hội nghị: Trong 6 tháng đầu năm 2016 đã xảy ra 26.833 vụ phạm pháp hình sự, giảm 4,66% so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, tình hình tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, thuế; tội phạm công nghệ cao; vi phạm về xử lý chất thải công nghiệp, tình trạng khai thác cát sỏi, lòng sông, tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm; tội phạm về ma túy, mua bán người... vẫn diễn ra phức tạp tại nhiều địa phương.
Thời gian qua, lực lượng chức năng đã điều tra, khám phá 21.055 vụ phạm pháp hình sự, đạt tỉ lệ 78,47%. Trong đó có 153 vụ, bắt 202 đối tượng phạm tội mua bán người. Phát hiện 9.441 vụ, 8.631 đối tượng phạm tội về kinh tế (nhiều hơn 20,96% số vụ và 16% số đối tượng); 123 vụ phạm tội về tham nhũng (nhiều hơn 7,8%), xử lý 178 đối tượng. Phát hiện 8.881 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm, với 1.105 tổ chức và 7.896 cá nhân vi phạm. Bắt giữ 9.760 vụ, 14.890 đối tượng phạm tội về ma tuý (tăng 32,9% so với cùng kỳ về số vụ và 27,9% về số đối tượng).
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình nhiệt liệt biểu dương những thành tích mà BCĐ 138 đạt được trong thời gian qua. Theo đó, nhiều giải pháp phòng ngừa tội phạm đã được triển khai thực hiện hiệu quả; quần chúng đã cung cấp hàng nghìn nguồn tin có giá trị để khám phá nhiều vụ án quan trọng. Lực lượng chức năng đã tổ chức triệt phá hàng nghìn băng nhóm tội phạm nguy hiểm. Qua đó, đã kéo giảm tội phạm, trật tự an toàn xã hội, xây dựng môi trường lành mạnh, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.
Tuy vậy, tình hình an ninh trật tự vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, đặc biệt là tội phạm có tổ chức, nhiều vụ các băng nhóm sử dụng súng, hung khí thanh toán nhau gây bức xúc, lo lắng trong nhân dân. Tội phạm giết người tăng với nhiều vụ có liên quan đến suy thoái đạo đức và chiếm đoạt tài sản. Các loại tội phạm về ma túy, môi trường, tham nhũng, kinh tế, công nghệ cao... đang là vấn đề nhức nhối, đáng báo động.
Ảnh VGP/Lê Sơn |
Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đối với công tác phòng, chống tội phạm. Phải xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên và lâu dài, gắn với nhiệm vụ phát triển KT-XH.
Theo đó, BCĐ 138 các cấp cần tập trung tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tổ chức quán triệt sâu rộng các Kết luận của Ban Bí thư về Chiến lược quốc gia về phòng chống tội phạm và Chương trình phòng chống mua bán người; cụ thể hóa các văn bản nêu trên bằng hành động cụ thể.
Đặc biệt, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy về tình hình ANTT tại địa phương, cơ quan, đơn vị được giao phụ trách, quản lý. Không thể để tội phạm xã hội đen sử dụng vũ khí nóng hoành hành mà không bị xử lý. Cơ quan để xảy ra tham nhũng tiêu cực thì thủ trưởng phải bị xử lý – Phó Thủ tướng nêu rõ.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành được Thủ tướng giao chủ trì, thực hiện các đề án trong Chiến lược quốc gia phòng chống tội phạm cần khẩn trương thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm hiệu quả...
Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng phải tăng cường và đổi mới tuyên truyền về phòng chống tội phạm, hướng mạnh về cơ sở, chú trọng địa bàn trọng điểm, phức tạp, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới... Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc theo hướng xây dựng và nhân rộng các mô hình tốt trong nhân dân về phòng chống tội phạm theo hướng tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải về an ninh trật tự ở cơ sở.
Đặc biệt, cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của các cơ quan chuyên trách phòng chống tội phạm. Thường xuyên bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, nâng cao năng lực, phẩm chất, ý thức trách nhiệm vì nhân dân phục vụ cho đội ngũ cán bộ các cơ quan thực thi pháp luật, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của nhân dân trong công tác phòng chống tội phạm. Nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Mặt khác, các bộ, ngành trong phạm vi trách nhiệm của mình, khẩn trương hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực phòng chống tội phạm, bảo đảm chất lượng xây dựng các văn bản luật.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và các thành viên Ban Chỉ đạo 138/Ảnh VGP Lê Sơn |
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu lực lượng phòng chống tội phạm cần xác định một số công việc trọng tâm tạo đột phá mới trong phòng chống tội phạm. Xác định rõ tội phạm trọng điểm nổi lên thời gian qua, gây bức xúc, ảnh hưởng an ninh trật tự như các đối tượng về tham nhũng, tội phạm xuyên quốc gia, mua bán người, giết người, ma túy, môi trường, công nghệ cao, lừa đảo bán hàng đa cấp, hàng gian và hàng giả... Qua đó, có giải pháp đấu tranh, trinh sát, triệt phá tận gốc các băng, ổ nhóm, đối tượng cộm cán, tạo chuyển biến mới trong công tác này.
Đồng thời tăng cường công tác bổ trợ tư pháp như giám định tư pháp; tập trung xây dựng và trang bị công cụ phương tiện, công nghệ tiên tiến, đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách đủ trình độ, số lượng đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ...
Chúng ta phải dự báo thật tốt tình hình tội phạm để có giải pháp phòng ngừa. Các cấp các ngành cần tổ chức triển khai hiệu quả các kết luận, chiến lược về công tác này, tạo sự chuyển biến để phát triển đất nước, bảo đảm sự bình yên của nhân dân – Phó Thủ tướng nói.
* Nhân dịp này, Ban Chỉ đạo đã công bố Quyết định số 1471/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) do đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban; Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm làm Phó Trưởng ban Thường trực. BCĐ 138/CP kiện toàn với 38 Thành viên.
Lê Sơn