Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng |
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và gần 2.000 thầy cô cùng các thế hệ học sinh miền Nam đã tham dự buổi gặp mặt.
Năm 1954, ngay sau khi hiệp định Geneva được ký kết, hòa bình được lập lại ở miền Bắc, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã chủ trương thành lập một hệ thống trường học miền Nam trên đất Bắc. Đây là những trường dành riêng cho các em nhỏ miền Nam (từ 4, 5 đến 16, 17 tuổi) là con em cán bộ, bộ đội, các gia đình chính sách được các địa phương ở miền Nam lựa chọn gửi ra học tập, chuẩn bị cho sự nghiệp cách mạng miền Nam và xây dựng đất nước sau này.
Tuy chỉ tồn tại 21 năm (1954 – 1975) nhưng khi kết thúc nhiệm vụ lịch sử, các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc đã mang lại những kết quả to lớn trong việc đào tạo nên những ‘hạt giống đỏ’ của miền Nam phục vụ cho đất nước.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết rất vui mừng và bồi hồi xúc động khi đến dự một hoạt động rất ý nghĩa. Thay mặt Chính phủ, đồng thời cũng là một cựu học sinh miền Nam từng học trên đất Bắc vào những năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, Phó Thủ tướng đã gửi tới các thầy cô giáo, cán bộ các trường và các thế hệ học sinh miền Nam lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc tốt đẹp nhất.
Ảnh VGP/Mạnh Hùng |
Theo Phó Thủ tướng, 64 năm trước, với tầm nhìn sáng suốt của Bác Hồ và Trung ương Đảng, từ năm 1954 đến 1958, đã có 28 trường học sinh miền Nam được thành lập, với các loại hình từ mẫu giáo đến cấp I, II, III và bổ túc văn hóa. Sau năm 1964, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ngày càng trở nên ác liệt, Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đã quyết định tiếp tục đưa thêm con em cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam ra miền Bắc để đào tạo. Những năm tháng đó, đã có trên 32.000 học sinh miền Nam sống và học tập dưới những mái trường trên đất Bắc.
Trong số đó, nhiều người sau khi học xong đã tình nguyện tham gia chiến đấu ở các chiến trường, tham gia giải phóng miền Nam như: Liệt sĩ, nhà thơ Lê Anh Xuân; Anh hùng, Liệt sĩ Nguyễn Kim Vang; Liệt sĩ Phan Hoài Nam; Liệt Sĩ Phùng Thanh Thu; Liệt Sĩ, nhà báo Lê Đình Phụng; Liệt sĩ Mai Thị Thu, Liệt sĩ Mai Thị Thu Hồng; Liệt sĩ, nhà báo, nhà văn Chu Cẩm Phong... nhiều người bị kẻ thù bắt bớ, tù đày, tra tấn dã man, song vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản, một lòng trung kiên với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân như Phạm Bá Lữ, Tạ Hoàng Liên, Trần Thị Tố Nga…
Và sau khi thống nhất đất nước, hầu hết các ‘hạt giống đỏ’ được gieo trồng trên đất Bắc về lại miền Nam, trở thành lực lượng nòng cốt góp phần quan trọng vào xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng. Nhiều người trở thành cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, nhà khoa học, nhà giáo, nghệ sĩ, doanh nhân có uy tín.
Khẳng định sự sáng suốt, tầm nhìn chiến lược của Đảng và Bác Hồ, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng các trường học sinh miền Nam mặc dù đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, song những bài học và kinh nghiệm vẫn còn nguyên giá trị đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng và chuẩn bị nguồn cán bộ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng trong thời kỳ mới.
Cuối cùng, Phó Thủ tướng mong rằng thời gian tới, các thế hệ học sinh miền Nam tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, thủy chung, nghĩa tình, giúp đỡ nhau, có nhiều hình thức gắn kết, chia sẻ một cách thiết thực, không hình thức và nhất là làm sao lan tỏa được niềm tự hào và truyền thống tốt đẹp của học sinh miền Nam đến thế hệ trẻ, để các thế hệ kế tiếp không ngừng phấn đấu, rèn luyện vươn lên.
Nhân dịp năm mới 2018 và chuẩn bị đón xuân Mậu Tuất, Phó Thủ tướng chúc các thầy cô giáo, và các thế hệ cựu học sinh miền Nam sức khỏe, hạnh phúc và thành công.