• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Phó Thủ tướng kiểm tra công tác cải cách hành chính tại Sơn La

(Chinhphu.vn) - Sáng 20/7, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ và đoàn công tác đã kiểm tra và làm việc về công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh Sơn La.

20/07/2019 12:40
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Sơn La. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Đạt nhiều kết quả trong cải cách hành chính

Báo cáo với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Hoàng Quốc Khánh cho biết, thời gian qua công tác CCHC tiếp tục được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo sát sao, linh hoạt và toàn diện nhằm đẩy nhanh tiến trình cải cách của tỉnh và hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội trong năm. Từ năm 2018 đến nay, tỉnh đã tổ chức 6 hội nghị về công tác CCHC; ban hành 268 văn bản để chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ CCHC gắn với thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, nâng cao Chỉ số CCHC (PAR - INDEX), Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), Chỉ số năng lực cạnh cấp tỉnh (PCI). Về kết quả thực hiện kế hoạch CCHC, năm 2018 tỉnh đã hoàn thành 66/66 nhiệm vụ, đạt 100% kế hoạch đề ra; đến hết tháng 6/2019 đã hoàn thành 35/71 nhiệm vụ, đạt 49,29% kế hoạch đề ra.

Tỉnh Sơn La xác định người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có vai trò quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác CCHC; trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ CCHC là một trong những căn cứ đánh giá, phân loại, bình xét thi đua khen thưởng của người đứng đầu. Để nâng cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trong triển khai thực hiện nhiệm vụ CCHC, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành văn bản quy định trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn trong thực hiện nhiệm vụ CCHC. Lãnh đạo tỉnh thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện nhiệm vụ CCHC.

Với những kết quả nêu trên, xếp hạng Chỉ số CCHC của tỉnh trong các năm 2017, 2018 đều trong nhóm 20 tỉnh đứng đầu cả nước (năm 2017 xếp vị trí thứ 19/63; năm 2018 xếp vị trí thứ 17/63). Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tăng 1 bậc so với năm 2017; Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2018 nằm trong nhóm có điểm số trung bình cao. Tỉnh cũng đã hình thành các cụm công nghiệp; thu hút được các tập đoàn lớn đầu tư như: Tập đoàn VinGroup, Tập đoàn TH, Tập đoàn cá tầm Việt Nam,… đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Sơn La có nhiều đổi mới tư duy phát triển kinh tế

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đánh giá tỉnh Sơn La đã có nhiều đổi mới tư duy kinh tế, thực hiện cách nghĩ, cách làm mới trong phát triển kinh tế - xã hội với 7 chương trình kinh tế trọng tâm nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Tỉnh đã rất quan tâm, nghiên cứu, xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây trồng trên đất dốc, khuyến khích doanh nghiệp phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với phát triển các cơ sở công nghiệp chế biến để dần xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu, cũng như khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về đất đai, khí hậu của địa phương, đưa nông sản của Sơn La tham gia thị trường trong nước và vươn ra thị trường thế giới.

Đây là phản ánh rõ nét nhất kết quả cuối cùng của cải cách hành chính, của sự chuyển biến trong công tác chỉ đạo, điều hành và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thực hiện mục tiêu xây dựng Nhà nước “kiến tạo, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp”. Trong đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh 3 tiềm năng lớn của Sơn La là thuỷ điện, nông nghiệp, theo đó cần phát triển nhiều loại cây ăn quả phù hợp với các tiểu vùng khí hậu và thổ nhưỡng phong phú, gắn với công nghệ bảo quản và chế biến, kết hợp với 6 nhà hiệu quả (nhà đầu tư, Nhà nước, nhà băng, nhà khoa học, nhà nông và nhà phân phối), phát triển công nghiệp chế biến gỗ cho tốt, (cây cao su đang được trồng trên 5.000 ha trên địa bàn) và du lịch sinh thái, quy hoạch lâu dài cho Mộc Châu thật sự khoa học, có tầm nhìn để thu hút các nhà đầu tư, phát triển nông nghiệp công nghệ cao để có thể biến Mộc Châu thành Đà Lạt ở phía Bắc.


Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình kiểm tra tại Trung tâm hành chính công tỉnh Sơn La. Ảnh: VGP/Lê Sơn

 

Gắn cải cách hành chính với phát triển KT-XH

Công tác CCHC của Sơn La cũng đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ như công tác chỉ đạo, đôn đốc triển khai, bố trí nguồn lực cho CCHC đã được quan tâm, trong đó đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ CCHC với thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; xác định rõ và đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ CCHC; chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức.

Công tác công khai, minh bạch thủ tục hành chính (TTHC) đã được quan tâm, triển khai tương đối toàn diện ở tất cả các lĩnh vực, cơ quan, đơn vị; chất lượng giải quyết TTHC được cải thiện, tạo sự chuyển biến rõ nét chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước đối với người dân và doanh nghiệp thông qua việc triển khai thực hiện Trung tâm phục vụ hành chính công, hệ thống một cửa điện tử và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại 12/12 huyện, thành phố, 204/204 xã, phường, thị trấn.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Thường trực cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém mà tỉnh Sơn La cần khắc phục trong thời gian tới. Đó là, công tác CCHC ở một số nơi còn chưa thực sự quyết liệt, việc ban hành văn bản vẫn còn sai về thẩm quyền, việc giải quyết hồ sơ, thủ tục cho người dân vẫn còn trễ hẹn, còn trường hợp sai phạm trong thực thi công vụ…

Phải gần dân, hiểu dân, trọng dân, hết lòng phục vụ nhân dân

Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị tỉnh tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm.

Đó là, gắn CCHC với việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” trong nội bộ; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu; tạo chuyển biến nhận thức trong toàn hệ thống chính trị và bộ máy công quyền, làm cho cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước thấm nhuần lời dạy và tư tưởng của Bác Hồ cán bộ là “công bộc của dân”, phải gần dân, hiểu dân, học dân, trọng dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, liêm, chính, kiệm, cần.

Tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020; gắn kết chặt chẽ công tác CCHC với thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nâng cao chất lượng tham mưu xây dựng, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn toàn tỉnh.

Thực hiện tốt công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời phát hiện, sửa đổi, bổ sung những văn bản sai thẩm quyền, có dấu hiệu trái pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước ở địa phương. Tăng cường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn không tham mưu ban hành TTHC trái thẩm quyền trong các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh.

Đẩy mạnh cải cách TTHC, nhất là tiếp tục kịp thời tháo gỡ các rào cản để thúc đẩy nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xuất khẩu sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, trong đó tập trung tổng kết, đánh giá, nhân rộng kết quả triển khai thí điểm các sáng kiến cải cách; kiểm soát chặt chẽ quy định TTHC trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, hạn chế tối đa việc giải quyết quá hạn, không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, đảm bảo đúng nguyên tắc ”lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ lưu ý Sơn La tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và gắn kết chặt với tinh giản biên chế, đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền giải quyết công việc gắn quyền hạn với trách nhiệm trong công tác tổ chức bộ máy và cán bộ theo Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ về phân cấp quản lý nhà nước giữa chính phủ và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/1/2018 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thăm Sở Tài chính tỉnh Sơn La. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực hiện nhiệm vụ

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Sơn La cần “siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác cán bộ của tỉnh thời gian vừa qua. Thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ về đánh giá công chức, viên chức, bảo đảm khách quan, trung thực".

Về vấn đề xây dựng chính quyền điện tử, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý phải gắn kết chặt chẽ với CCHC, nhất là cải cách TTHC nhằm tăng cường tính hiệu quả, bền vững. Trước mắt, tiếp tục triển khai có hiệu quả việc gửi nhận văn bản điện tử theo quy định tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg; rà soát lại việc tổ chức dịch vụ công trực tuyến hiện nay, kết hợp với việc rà soát thủ tục hành chính, từ đó xây dựng lộ trình, giải pháp triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 hiệu quả, tiết kiệm; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2025 được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019.

Đồng thời, cần tăng cường công tác theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện CCHC của các cơ quan, đơn vị. Sử dụng hiệu quả Chỉ số CCHC trong theo dõi, đánh giá. Triển khai việc khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, công khai, minh bạch, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân, tạo sự đồng thuận của người dân, xã hội đối với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính.

* Trước đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và đoàn công tác đã kiểm tra công tác CCHC tại Sở Tài chính và Trung tâm hành chính công tỉnh Sơn La./.

Lê Sơn