Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hội nghị diễn ra trước thềm kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, dự kiến khai mạc vào ngày 21/10/2024.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Kiên Giang, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm của tỉnh tiếp tục ổn định và phát triển khá. Hầu hết các ngành, lĩnh vực và hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục phát triển; trong đó nhiều chỉ tiêu tăng mạnh và vượt kịch bản đề ra như tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 119.000/115.000 tỷ đồng, xuất khẩu 686/660 triệu USD, tổng vốn đầu tư toàn xã hội 32.084/30.808 tỷ đồng...
9 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế của Kiên Giang đạt 6,7%, đứng thứ 4/13 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Công nghiệp là khu vực có mức tăng cao nhất, hơn 12,5%.
9 tháng, có gần 1.100 doanh nghiệp thành lập mới, đưa tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn lên 12.445 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký hơn 213.628 tỷ đồng.
Đến ngày 30/9/2024, tỉnh giải ngân được hơn 2.627 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 46,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Công tác an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa được thực hiện khá tốt, giải quyết việc làm cho 21.051 người, đạt 84,6% kế hoạch.
Với bờ biển dài hơn 200 km, vùng biển rộng trên 63.000 km2, tỉnh đã tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm chấm dứt tình trạng tàu cá "3 không", đẩy nhanh tiến độ định danh tàu cá, cập nhật cơ sở dữ liệu nghề cá. Đã đưa ra khởi tố 2 vụ, bắt 6 bị can; hiện đang đẩy nhanh tiến độ củng cố hồ sơ để truy tố, xét xử các vụ việc vi phạm về khai thác IUU còn lại.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Do tác động bất lợi của thời tiết, thiên tai, sụt lún cục bộ một số nơi,... làm thiệt hại tài sản của nhân dân, ảnh hưởng đến sản xuất. Hoạt động sản xuất kinh doanh của một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn về thị trường tiêu thụ, nguồn nguyên liệu. Công tác giải phóng mặt bằng, giải ngân đầu tư công được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt nhưng kết quả chưa đạt như kỳ vọng...
Tỉnh quyết tâm, quyết liệt đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch HĐND tỉnh giao, tăng trưởng kinh tế năm 2024 từ 6,7% trở lên; phấn đấu đạt cao nhất kịch bản của UBND tỉnh đề ra (9,5%).
Tại hội nghị, các đại biểu nêu các kiến nghị về việc triển khai Luật Đất đai (sửa đổi), thực hiện Quy hoạch Điện VIII và một số dự án, công trình trên địa bàn tỉnh…
Tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét sớm trình Chính phủ hỗ trợ kinh phí đầu tư xử lý sạt lở bờ biển, phòng chống thiên tai năm 2024 tại Kiên Giang để ưu tiên đầu tư các khu vực ven biển bị sạt lở nhằm khép kín tuyến kè ven biển và đầu tư hoàn thiện khép kín hệ thống cống kiểm soát mặn hạ lưu cống Cái Lớn - Cái Bé; sớm triển khai thực hiện Đề án hình thành Trung tâm Nghiên cứu đa dạng sinh học tại Phú Quốc.
Tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành sớm hoàn thành các thủ tục về cơ chế vốn - tài chính, hiệu chỉnh kỹ thuật để kịp thời đầu tư kéo điện lưới quốc gia cho 2 xã đảo An Sơn và Nam Du; Bộ Giao thông vận tải sớm trình chủ trương đầu tư tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu và ưu tiên đầu tư đoạn Hà Tiên - Rạch Giá trước năm 2030…
Ghi nhận các ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng đã trao đổi nhiều thông tin liên quan đến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Phó Thủ tướng cho biết, về công tác lập pháp, có khoảng 30 đề án sẽ trình Quốc hội, nhiều hơn các kỳ họp trước. Trong đó, có áp dụng kỹ thuật một luật sửa nhiều luật, một văn bản sửa nhiều văn bản, ví dụ như Luật Đầu tư công (sửa đổi), hay 1 luật sửa 4 luật trong lĩnh vực đầu tư, 1 luật sửa 7 luật trong lĩnh vực tài chính…
Các đại biểu đóng góp ý kiến tại hội nghị - Ảnh: VGP/Đức Tuân
Dẫn lại lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã phát biểu "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", Phó Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là tiếp tục phân cấp mạnh trong lĩnh vực đầu tư. Khi Chính phủ thảo luận về Luật Đầu tư công (sửa đổi) thì có ý kiến cho rằng việc sửa đổi này mang tính cách mạng. Một số việc liên quan đến ngân sách nhà nước thì có đề xuất về việc ngân sách cấp này chi cho công việc của cấp khác, ngân sách của địa phương này chi cho địa phương khác để phát triển những dự án liên vùng.
Về hoạt động quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Phó Thủ tướng cho biết, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam.
Với khối lượng công việc lớn, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ chia thành 2 đợt, với khoảng thời gian nghỉ giữa các đợt để các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết.
Chính phủ sẵn sàng lắng nghe, tiếp nhận các ý kiến góp ý của các địa phương, của nhân dân để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ họp sắp tới của Quốc hội, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nêu rõ.
Tại hội nghị, thông tin về những nét chính của đất nước trong 9 tháng qua, Phó Thủ tướng cho biết, bức tranh kinh tế - xã hội 9 tháng tương đối sáng sủa. Tăng trưởng GDP quý III/2024 đạt 7,4%, tăng trưởng 9 tháng đạt 6,82% so với cùng kỳ, vượt rất cao so với kịch bản đề ra.
Theo Phó Thủ tướng, nếu không có cơn bão số 3 (bão Yagi) thì tốc độ tăng trưởng GDP còn khá hơn. Kỳ vọng từ nay đến cuối năm, tăng trưởng sẽ tốt hơn nữa.
Công nghiệp chế biến chế tạo là điểm sáng, tăng 11,41%, cao nhất trong 6 năm trở lại đây. Thu ngân sách 9 tháng tăng mạnh, ước đạt 85,1% dự toán, tăng 17,9% so với cùng kỳ. Dịch vụ và các lĩnh vực khác có sự tăng trưởng tốt. Du lịch phục hồi mạnh, 9 tháng đón 12,7 triệu lượt người, tăng 43% so với cùng kỳ. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 325.000 tỷ đồng, đạt hơn 47% kế hoạch giao. Công tác an sinh xã hội được triển khai tích cực, đạt kết quả tốt. Chúng ta đã nỗ lực khắc phục hậu quả bão số 3, cứu trợ, giúp đỡ đồng bào vùng bị ảnh hưởng bởi bão.
Phó Thủ tướng lưu ý, chúng ta có 3 chương trình về nhà ở cho người có công, cho các đối tượng hộ nghèo trong các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, cố gắng hoàn thành trong năm 2025. Do đó, cần phấn đấu để chương trình nhà ở cho người có công không bị chậm so với các chương trình khác.
Đánh giá cao nỗ lực của Kiên Giang trong phát triển kinh tế-xã hội 9 tháng qua, Phó Thủ tướng nhìn nhận, tỉnh có tăng trưởng khá, với nhiều điểm sáng so với các năm, như chỉ số cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, xử lý vấn đề chống khai thác IUU để gỡ thẻ vàng của EC.
Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Kiên Giang cố gắng hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra năm 2024, trong đó, lưu ý đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, quan tâm hơn nữa đến công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị các dự án đầu tư, có giải pháp đối với vấn đề vật liệu xây dựng của các dự án giao thông, dự án có vốn đầu tư lớn. Tình cần chú ý, tích cực hơn nữa trong xây dựng đề án về phát triển Phú Quốc.
Phó Thủ tướng ghi nhận các kiến nghị của tỉnh, yêu cầu các bộ, ngành liên quan tập trung xử lý, nếu kiến nghị nào chưa được bộ, ngành thực hiện thì sẽ đưa vào văn bản thông báo kết luận của Phó Thủ tướng để giao nhiệm vụ cụ thể và có cơ sở đôn đốc.
Đức Tuân