Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Cuộc làm việc diễn ra tại trụ sở UBND Thành phố, có kết nối trực tuyến với tất cả các quận, huyện của thành phố.
Phát biểu mở đầu cuộc họp, Phó Thủ tướng nêu rõ, “thúc đẩy đầu tư và giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng nhằm sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, qua đó góp phần kích cầu, đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm. Các công trình hoàn thành sẽ là điều kiện quan trọng thu hút các nguồn lực đầu tư xã hội khác”.
Phó Thủ tướng đề nghị phân loại, làm rõ các nhóm dự án đã ghi vốn đầu tư nhưng chưa khởi công được; nhóm dự án, công trình đã có nhà thầu, có mặt bằng nhưng chậm tiến độ cũng như làm rõ các nguyên nhân, vướng mắc trong các khâu, từ thủ tục đầu tư đến giải phóng mặt bằng, triển khai xây dựng…
“Từ thực tiễn địa phương, nhận diện các vấn đề để đưa ra giải pháp đẩy mạnh giải ngân từ nay đến cuối năm 2022, vừa bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, vừa bảo đảm đưa các công trình vào hoạt động sớm, phát huy hiệu quả”, Phó Thủ tướng nói.
Báo cáo Phó Thủ tướng và Tổ công tác, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ông Hà Minh Hải cho biết, năm 2022, thành phố được giao 51.583 tỷ đồng. Đến 22/8, toàn thành phố giải ngân được 13.843 tỷ đồng, đạt 27,1% kế hoạch, thấp hơn mức trung bình của cả nước.
“Khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng là vấn đề không mới nhưng vẫn nan giải trong việc thực hiện các dự án. Trọng tâm là khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, quỹ nhà tái định cư…”, ông Hà Minh Hải nói. Giá nguyên nhiên vật liệu tăng cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án. “Có tâm lý thi công cầm chừng để chờ hướng dẫn điều chỉnh, chính sách bù giá vật liệu xây dựng”.
Ông Hải cũng cho rằng giải ngân đầu tư công có tính đặc thù là giải ngân các tháng đầu năm thường thấp và tăng mạnh vào các tháng cuối năm vì cần thời gian để thi công, tích luỹ khối lượng đủ để nghiệm thu, phụ thuộc vào tiến độ hợp đồng và tạm ứng.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Đỗ Anh Tuấn, năm 2022, thành phố đã phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư với 110 dự án. Trong 110 dự án này thì có 67 dự án vướng mắc về giải phóng mặt bằng với số vốn hơn 3.100 tỷ đồng, trong đó dự án có số vốn lớn nhất là 170 tỷ đồng, nhỏ nhất là hơn 2 tỷ đồng. Có 23 dự án đã được bố trí vốn nhưng chưa khởi công.
“Tới đây, thành phố sẽ phân cấp cho các quận, huyện phê duyệt giá thực hiện giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh công tác này”, lãnh đạo Sở KHĐT nói.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh bày tỏ, tốc độ giải ngân thấp là điều thực sự lo lắng. Thành phố đã thành lập 6 đoàn công tác, do các phó chủ tịch làm trưởng đoàn để kiểm tra, tháo gỡ, đôn đốc.
“Có dự án đã có nguồn vốn, có tên dự án, đã nhìn thấy việc nhưng chưa giao cho ai nhiệm vụ chủ đầu tư”, ông Trần Sỹ Thanh nêu tồn tại trong khâu chuẩn bị dự án, “chúng tôi sẽ phân loại, tách ra từng nhóm dự án: Đã đấu thầu, đã khởi công hay khởi công xong mà không chạy thì vướng gì”.
Về giải phóng mặt bằng, có một số yếu tố ảnh hưởng đến công tác này, ông Trần Sỹ Thanh lấy ví dụ về việc xác định yếu tố giá cho từng dự án. “Kể cả cùng địa bàn quận nhưng mỗi dự án có hệ số giá khác nhau, lại dồn hết lên Sở Tài nguyên và Môi trường để xem xét phê duyệt. Nếu tắc ở đây thì tắc hết”.
“Chúng tôi sẽ nhận diện, phân loại dự án, tập trung cho các dự án lớn, để xử lý, giải quyết khó khăn”, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội khẳng định phấn đấu giải ngân ở mức cao nhất có thể.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá, công tác giải ngân đầu tư công của Hà Nội có nhiều cải thiện, đổi mới. Thứ trưởng đồng tình với cách tiếp cận của Hà Nội, trong đó có việc xác định điểm nghẽn và nguyên nhân của chậm giải ngân đầu tư công, đặt trọng tâm, trọng điểm để giải quyết. “Bộ KHĐT cũng sẽ phối hợp TP. Hà Nội để giải quyết vướng mắc trong các dự án cụ thể”, ông Trần Quốc Phương nói.
Về các vấn đề thủ tục trong đầu tư, Thứ trưởng Bộ KHĐT cho rằng, việc xử lý tình huống vừa phải bảo đảm đúng pháp luật, vừa phải nhanh, “rất cần sự quyết liệt của chính quyền, đội ngũ cán bộ vào cuộc”.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng nêu rõ, mỗi công trình đầu tư công được hoàn thành sẽ tạo không khí phấn khởi trong nhân dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của từng địa phương. Tổng vốn đầu tư công năm nay rất lớn, trên 500.000 tỷ đồng, nếu chậm giải ngân thì ảnh hưởng trực tiếp tới tốc độ tăng trưởng của năm nay cũng như các năm tiếp theo.
Đánh giá cao nỗ lực của TP. Hà Nội, Phó Thủ tướng cho rằng, thời gian qua, thành phố đã rất tích cực kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo thực hiện, ước bình quân giải ngân 8 tháng năm 2022 đạt khoảng 15.323 tỷ đồng, đạt khoảng 30%, cao hơn so với mức 27% (tính đến 22/8).
Thành phố cũng đã nhận diện các khó khăn, nguyên nhân chính ảnh hưởng đến công tác giải ngân của thành phố, trong đó có vấn đề chất lượng của công tác chuẩn bị dự án chưa kỹ nên giao vốn gặp vướng mắc hoặc không giải ngân được theo kế hoạch; một số thủ tục gia hạn vốn vay, điều chỉnh hợp đồng và vận dụng pháp luật áp dụng đối với dự án ODA còn chậm; vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư; công tác tổ chức thực hiện đầu tư các dự án, công trình còn nhiều hạn chế…
“Thành phố đã thành lập 6 tổ công tác, kiểm tra thực tế, nghe các ban quản lý dự án, các quận, huyện để xem vướng mắc gì và có giải pháp”, Phó Thủ tướng đánh giá. Điều này thể hiện kết quả giải ngân trong tháng 8 có chuyển biến tích cực.
Thời gian còn lại của năm 2022 không còn nhiều, Phó Thủ tướng nêu rõ, phải quyết tâm thật cao để phấn đấu đến 31/12, giải ngân đạt trên 90%.
Giải ngân phải bảo đảm hiệu quả dự án, chất lượng công trình. Hồ sơ thanh toán phải được lập ngay khi có khối lượng, đáp ứng đầy đủ các trình tự, thủ tục, hồ sơ quy định. Bên cạnh đó, cần cân đối, khẩn trương phân bổ hết số vốn được giao. “Tránh tình trạng giải ngân rồi nhưng không có khối lượng, không có công trình”. “Làm sao từ nay đến cuối năm phải hoàn thành được một số công trình, tạo ra động lực mới cho địa phương phát triển”, Phó Thủ tướng nói. Cần hạn chế dàn trải vốn đầu tư, kiên quyết tập trung nguồn lực cho các công trình trọng điểm có khả năng sớm hoàn thành.
“Các đồng chí cần gạch đầu dòng những công trình trọng điểm nào để tập trung thúc đẩy khối lượng hoàn thành. Nếu mặt bằng đã giải phóng xong mà có vốn thì nhà thầu sẽ tăng số lượng thiết bị, làm thêm ca”, Phó Thủ tướng gợi mở. “Trong tổng số khoảng 40.000 tỷ đồng cần giải ngân thì số vốn cần tập trung cho các công trình trọng điểm này hoàn thành là bao nhiêu, nếu không đủ thì rút từ các dự án đã ghi vốn nhưng chưa triển khai”.
Thành phố cần rà soát lại những công trình đã ghi vốn nhưng chưa phê duyệt dự án, chưa đấu thầu để điều chuyển, phân bổ vốn cho những dự án có khả năng hoàn thành từ nay đến 31/12 hoặc cho những dự án có khả năng đẩy nhanh tốc độ giải ngân.
Rà soát những dự án mà nhà thầu gặp vướng mắc (như mặt bằng, giá vật liệu…) để tập trung tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ chủ động hướng dẫn, chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ thành phố trong việc giải quyết các thủ tục, tháo gỡ vướng mắc phát sinh.
Đức Tuân