Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Khảo sát, đánh giá trữ lượng khoáng sản thông thường làm vật liệu xây dựng phục vụ cho xây dựng các tuyến cao tốc - Ảnh VGP/Đức Tuân |
Sáng 31/12, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành tài nguyên và môi trường.
Biến đổi khí hậu, suy thoái hệ sinh thái tự nhiên, đại dịch COVID-19 đã trở thành “khủng hoảng kép”, tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống, sản xuất kinh doanh trên phạm vi toàn cầu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu khai mạc hội nghị.
Nguyên nhân của “khủng hoảng kép” nêu trên xuất phát từ mô hình phát triển thiếu bền vững kéo dài hàng thế kỷ của nhân loại, làm suy thoái các hệ sinh thái tự nhiên, làm cho khí hậu biến đổi nhanh với cường độ cao.
Chính vì vậy, chưa bao giờ môi trường, khí hậu được đặt ở vị trí ưu tiên cao nhất trong chương trình nghị sự của các cấp từ Liên Hợp Quốc cho đến nguyên thủ quốc gia các nước như trong năm 2021.
Phấn đấu đi đầu chuyển đổi số
“Giải quyết, chuyển hóa các thách thức an ninh phi truyền thống về môi trường, khí hậu đã trở thành những chủ đề được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội tham gia thảo luận tích cực cùng với nguyên thủ quốc gia tại các diễn đàn, hội nghị toàn cầu”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói. Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ đã đưa ra những cam kết hành động mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính, giảm phát thải khí methan, tham gia nhiều sáng kiến rất quan trọng về môi trường và khí hậu tại COP26. Vì vậy, hai tiếng “Việt Nam” đã được các nhà lãnh đạo thế giới nhắc đi, nhắc lại nhiều lần tại các hội nghị, diễn đàn quốc tế; cộng đồng quốc tế đánh giá cao sự tham gia chủ động, trách nhiệm của Việt Nam vào việc giải quyết những thách thức toàn cầu.
Hội nghị nghe các địa phương phát biểu từ đầu cầu trực tuyến - Ảnh VGP/Đức Tuân |
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đời sống kinh tế - xã hội thế giới đang thay đổi nhanh chóng, “luật chơi mới” về đầu tư, thương mại đã hình thành sau Hội nghị COP26. Hơn ai hết, ngành tài nguyên và môi trường phải thống nhất về nhận thức để tạo ra những thay đổi cơ bản trong tư duy và hành động, phải trở thành những người tiên phong trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường và khí hậu để tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội.
Về mục tiêu năm 2022, Bộ trưởng nêu rõ ngành tài nguyên và môi trường phấn đấu đi đầu trong chuyển đổi số, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ để tham gia giải quyết những vấn đề cấp bách toàn cầu như phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, suy thoái đất đai lưu trữ carbon, góp phần vào thực hiện mục tiêu trung hòa carbon.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2021, để giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc đặt ra từ thực tiễn về đất đai quy hoạch, giao đất, cho thuê đất, bồi thường hỗ trợ, tái định cư, giao khu vực biển, lấn biển, đấu giá khoáng sản, quản lý tài nguyên nước… Thực hiện linh hoạt trong triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra phù hợp với tác động của đại dịch COVID-19, ngành đã tập trung thanh tra đột xuất đối với những vấn đề bức xúc từ thực tiễn nhất là về đất đai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện xử lý 296 ha đất, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 37 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong thực hiện nhiệm vụ ngành vẫn còn những tồn tại. Thách thức về an ninh nguồn nước đang là vấn đề lớn trong bối cảnh lượng nước sinh ra ở phần lãnh thổ Việt Nam chỉ chiếm khoảng 37%, nhu cầu về nguồn nước cho sinh hoạt. Nguy cơ xảy ra khô hạn, thiếu nước cục bộ xảy ra thường xuyên hơn ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất ở nhiều vùng, nhiều địa phương… Tài nguyên khoáng sản còn bị khai thác trái phép, chưa được chế biến sâu để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Khiếu kiện liên quan đến bồi thường có xu hướng giảm so với trước đây nhưng vẫn chiếm tỉ lệ lớn…
Đại biểu các bộ, ban, ngành đóng góp ý kiến cho phương hướng, nhiệm vụ của ngành TNMT thời gian tới - Ảnh VGP/Đức Tuân |
Giúp các địa phương khắc phục tình trạng dự án treo
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao kết quả mà ngành tài nguyên và môi trường đạt được trong năm 2021, đồng thời nhấn mạnh “một số nội dung nổi bật nhất, có ý nghĩa nhất trong năm vừa qua”.
Trước hết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai nghiêm túc, bài bản Nghị Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết 45/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp đột phá về thể chế chính sách.
“Một trong những nhiệm vụ rất quan trọng là chúng ta phải triển khai quy hoạch ngành quốc gia, thường là khó thực hiện trong năm đầu. Nhưng nếu triển khai được ngay từ năm đầu thì rất hiệu quả, giúp cho các ngành, địa phương, doanh nghiệp phát triển cao hơn”, Phó Thủ tướng nói. Năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021). Đây là quy hoạch có ý nghĩa rất quan trọng, làm cơ sở để triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 trên tất cả các lĩnh vực.
Công tác thu hồi đất, giao đất được thực hiện kịp thời đã góp phần quan trọng đẩy nhanh tiến độ dự án của các doanh nghiệp, các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông,... Đây cũng là một điểm nhấn trong năm 2021. Tổng thu ngân sách từ đất đai năm 2021 đạt trên 172.000 tỷ đồng, chiếm trên 15% tổng thu ngân sách. Trên cơ sở kết quả thanh tra, kiểm tra các dự án, thanh tra kiểm tra việc quản lý sử dụng đất đã tiến hành thu hồi 7.700 ha đất, giúp các địa phương khắc phục tình trạng dự án treo, một số dự án sử dụng sai mục đích.
Công tác khảo sát địa chất, điều tra khoáng sản được quan tâm: Đã lập bản đồ khoáng sản đạt 73,19% tổng diện tích đất liền và 244.000 km2 vùng biển. Trên cơ sở đó, đã phát hiện ra một số loại khoáng sản như kim loại quý, đất hiếm tại một số địa phương ở vùng Tây Bắc, Trung Bộ…
Phó Thủ tướng đánh giá cao việc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ ban hành 2 nghị quyết chuyên đề trong vòng 3 tháng, tạo cơ chế đặc thù để xử lý tình trạng thiếu vật liệu xây dựng cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, từ chỗ thiếu 65 triệu m3 vật liệu xây dựng, tới nay cơ bản đã đủ.
Bộ Tài nguyên Môi trường đã rất quan tâm tới việc quản lý và khai thác không gian biển, vùng bờ để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Bộ đã trình, được Quốc hội thông qua Luật Tài nguyên Môi trường biển và hải đảo năm 2015, Chiến lược phát triển kinh tế biển năm 2018, trình Chính phủ ban hành nhiều nghị định quy định về quản lý biển, vùng bờ, quản lý môi trường biển. Trên cơ sở đó đã tạo điều kiện thuận lợi các ngành, các địa phương phát triển kinh tế biển. 28 tỉnh, thành phố ven biển trong giai đoạn vừa qua đều khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế của biển, một số địa phương đã trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
“Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động nắm bắt xu thế toàn cầu để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các sáng kiến, cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị COP26”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nói.
Công tác khí tượng thủy văn được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Công tác dự báo, cảnh báo thiên tai năm 2021 bảo đảm kịp thời, chính xác, sát với diễn biến tình hình thiên tai đã giúp cho công tác phòng chống thiên tai được thực hiện có hiệu quả. Nhờ đó, năm 2021, số người chết giảm hơn 200 người và thiệt hại kinh tế giảm gần 40.000 tỷ đồng so với năm 2020.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành tài nguyên và môi trường cũng còn một số tồn tại, hạn chế như báo cáo tổng kết đã nêu, Phó Thủ tướng đề nghị ngành tài nguyên và môi trường cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để khắc phục có hiệu quả trong thời gian tới, nhất là một số tồn tại hạn chế liên quan tới quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, thủ tục hành chính.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trao Cờ thi đua của Chính phủ tặng các tập thể có thành tích xuất sắc - Ảnh VGP/Đức Tuân |
Tháo gỡ điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực từ đất đai
Phó Thủ tướng nêu rõ, năm 2022 là năm phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ đã đưa ra mục tiêu năm 2022, đã được Quốc hội thông qua với nhiều chỉ tiêu ở mức cao, như tốc độ tăng trưởng GDP từ 6-6,5%.
Cơ bản đồng tình với các mục tiêu và các nhóm nhiệm vụ giải pháp mà ngành tài nguyên và môi trường đề ra, Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục quan tâm chỉ đạo chuẩn bị bảo đảm chất lượng Đề án tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW về đổi mới chính sách pháp luật về đất đai để trình Bộ Chính trị và Trung ương theo đúng tiến độ.
Đồng thời chuẩn bị xây dựng Đề án sửa đổi Luật Đất đai dự kiến trình Quốc hội trong năm 2022. Theo Phó Thủ tướng, đây là nhiệm vụ rất quan trọng. Nội dung Luật Đất đai được sửa đổi liên quan đến quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, giá đất và vấn đề giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, hạn mức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất,... hiện nay đang gặp nhiều vướng mắc. Các quy định pháp luật mới về đất đai sẽ tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt này, tạo ra nguồn lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Cần tổ chức thực hiện hiệu quả Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025. Trên cơ sở phê duyệt kế hoạch sử dụng đất 2021-2025 của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần hướng dẫn, giải thích cho các bộ, ngành, địa phương về tiêu chí, tiêu chuẩn, các quy định sử dụng đất bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng quy định pháp luật và tạo điều kiện tối đa cho các địa phương.
Đề cập các tới dự án sử dụng đất hiện nay, Phó Thủ tướng cho rằng, hiện nay số lượng dự án tồn đọng cần xử lý ở các địa phương rất lớn. Các dự án treo, dự án sử dụng đất sai mục đích còn nhiều, trong đó nhiều dự án chiếm vị trí đất lợi thế, đắc địa nhưng hiện nay chưa tháo gỡ được. Phó Thủ tướng đề nghị năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát kỹ, phân nhóm dự án, “dự án vi phạm pháp luật thì xử lý nghiêm minh đúng quy định, tránh tình trạng vụ việc kéo dài, khắc phục không được, khiến hàng ngàn ha đất ở các khu đô thị để chờ hàng chục năm, lãng phí rất lớn. Tôi cho rằng đây là nhiệm vụ mà ngành tài nguyên và môi trường cần tham mưu xử lý để sớm đưa nguồn lực lớn này vào phục vụ phát triển”.
Phó Thủ tướng đề nghị cần đẩy mạnh công tác điều tra đánh giá trữ lượng khoáng sản, nhất là khoáng sản chiến lược, quan trọng trên biển và đất liền; trước mắt trong năm 2022 phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải khảo sát, đánh giá trữ lượng khoáng sản thông thường làm vật liệu xây dựng phục vụ cho xây dựng các tuyến cao tốc.
Phó Thủ tướng cho biết, đến 2030 chúng ta phải đầu tư xây dựng để đạt 5.000 km cao tốc trong khi đến nay, chúng ta mới hoàn thành 1.200 km cao tốc. Như vậy, để có được gần 4.000 km cao tốc nữa thì việc quy hoạch vật liệu xây dựng phục các dự án này có trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường với vai trò trực tiếp quản lý tài nguyên khoáng sản.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tập trung triển khai sớm hoàn thành Quy hoạch không gian biển và vùng bờ giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Để bảo đảm phát triển bền vững, cùng với việc định hướng, lựa chọn công nghệ hiện đại trong phát triển các ngành kinh tế trong giai đoạn tới, ngành tài nguyên và môi trường phải thực hiện thật tốt việc kiểm soát xả thải và xử lý nghiêm minh, đúng quy định pháp luật các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm.
Để thực hiện nhiệm vụ này cần tăng cường thanh tra, kiểm tra và phải có biện pháp để kiểm soát xả thải. Trên thực tế, nhiều nhà máy có công nghệ hoàn toàn kiểm soát được khí thải, chất thải, xả thải, nhưng nếu không có sự kiểm tra, giám sát, thì các nhà máy này rất dễ vi phạm nhằm tiết kiệm chi phí. Bộ Tài nguyên và Môi trường phải có giải pháp phù hợp, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để quan trắc, giám sát, kiểm soát hiệu quả xả thải ra môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường với trách nhiệm là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, cần chủ động tham mưu, xây dựng kế hoạch, chương trình, hiện thực hóa mục tiêu này.
Quan tâm hơn nữa, nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo, đặc biệt là đầu tư trang thiết bị, mạng lưới khí tượng thủy văn, đào tạo nguồn nhân lực. Tiếp tục tập trung cho công tác xây dựng thể chế chính sách, thực hiện rà soát các quy định pháp luật (các luật, nghị định, thông tư) để điều chỉnh, bổ sung kịp thời, phân cấp phân quyền mạnh hơn, cải cách thủ tục hành chính nhằm khơi thông mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội./.
Đức Tuân