Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Chính phủ phải bảo đảm chất lượng, súc tích, trọng tâm - Ảnh: VGP/Thu Sa
Theo Quyết định số 89-QĐ/TBVK của Tiểu ban Văn kiện Đảng ủy Chính phủ, Tổ biên tập Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Chính phủ lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 – 2030 có 16 thành viên, do Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng làm Tổ trưởng, phụ trách chỉ đạo chung công tác xây dựng dự thảo văn kiện, gồm các nội dung về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và công tác xây dựng Đảng.
Phó Bí thư, Chánh Văn phòng Đảng ủy Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn làm Tổ phó, có nhiệm vụ chỉ đạo các thành viên trong công tác biên tập văn kiện.
Phó Bí thư chuyên trách Đảng ủy Chính phủ Lê Thị Thủy làm Tổ phó, chỉ đạo và chịu trách nhiệm xây dựng nội dung văn kiện về công tác xây dựng Đảng.
Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng làm Tổ phó, chỉ đạo và chịu trách nhiệm xây dựng nội dung văn kiện về phát triển kinh tế-xã hội.
Tổ biên tập thực hiện các nhiệm vụ do Tiểu ban Văn kiện và Thường trực Tiểu ban Văn kiện giao về xây dựng dự thảo các văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Chính phủ lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030; phân công nhiệm vụ các thành viên và chủ động tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao.
Tại cuộc họp, các thành viên Tổ biên tập đóng góp ý kiến về phân công nhiệm vụ đối với các thành viên, thiết kế nội dung đề cương Báo cáo chính trị, chuẩn bị báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành, thời gian trình dự thảo Báo cáo chính trị… - Ảnh: VGP/Thu Sa
Tại cuộc họp, các thành viên Tổ biên tập đã đóng góp ý kiến về phân công nhiệm vụ đối với các thành viên, thiết kế nội dung đề cương Báo cáo chính trị, chuẩn bị báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành, thời gian trình dự thảo Báo cáo chính trị…
Theo Phó Bí thư chuyên trách Đảng ủy Chính phủ Lê Thị Thủy, đề cương Báo cáo chính trị phần đánh giá chung cần đánh giá rõ phần về kinh tế - xã hội và phần về công tác xây dựng đảng. Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành sẽ có ba phần: Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, lãnh đạo công tác xây dựng đảng và đổi mới phương thức lãnh đạo.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, trên cơ sở báo cáo KTXH trình Đại hội XIV của Đảng, đề cương Báo cáo Chính trị của Đảng ủy Chính phủ được xây dựng và gửi lấy ý kiến cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ủy Chính phủ, các vụ, cục, các thành viên Tổ biên tập Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng bộ Chính phủ. Đề cương cũng đã cập nhật những vấn đề mới từ sau Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII.
Đánh giá cao công tác chuẩn bị của Văn phòng Đảng ủy Chính phủ, các ý kiến góp ý tại cuộc họp sát yêu cầu đặt ra, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, để bảo đảm chất lượng xây dựng văn kiện đại hội, cần bám sát Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị, các văn bản hướng dẫn của Trung ương, các ban xây dựng đảng; kế hoạch của Đảng ủy Chính phủ, chương trình, kế hoạch công tác, phân công nhiệm vụ của Tiểu ban và Văn kiện Đại hội XIV của Đảng, nhất là những chủ trương, đường lối, chỉ đạo, quyết sách mang tính chiến lược gần đây.
"Các quyết sách gần đây mang tính chiến lược, cách mạng nên cách hành văn và tư duy, tư tưởng phải bám sát vào tinh thần này. Đổi mới rồi mà mình vẫn tư duy theo cách cũ, viết theo cách cũ là không được, phải chuyển hóa cùng với tinh thần đổi mới của Đảng, Bộ Chính trị, Trung ương, của Tổng Bí thư, Thủ tướng", Phó Thủ tướng nêu rõ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Thu Sa
Theo Phó Thủ tướng, phải tập trung cập nhật số liệu, tình hình mới, bối cảnh mới trong nước, quốc tế, phản ánh thực chất kết quả đạt được, đặc biệt là chất lượng, hiệu quả của việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng của Đảng ủy Chính phủ.
Báo cáo chính trị cần đánh giá được các kết quả nổi bật trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại những năm qua; nhận diện được các mặt tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân; rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành như bám sát tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả….
Trước bối cảnh tình hình mới giai đoạn tới, Đảng bộ Chính phủ cần nêu được giải pháp đột phá, đổi mới mạnh mẽ theo tinh thần đổi mới chung của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng lưu ý xây dựng văn kiện vừa bảo đảm chất lượng, vừa súc tích, có trọng tâm, trọng điểm, đi thẳng vào vấn đề, ban hành ra là có thể thực hiện được ngay với nhiệm vụ, chương trình cụ thể, kế hoạch triển khai đi vào cuộc sống ngay.
Ngoài ra, Tổ trưởng Tổ biên tập gợi ý viết rõ trong từng bối cảnh. Trước dịch COVID-19, đặt ra mục tiêu rất cao do đang "thuận buồm, xuôi gió". Khi dịch xảy ra, với các quyết sách chính xác, kịp thời, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, chúng ta nhanh chóng vượt ra khỏi thách thức, chống đứt gãy, dần phục hồi và phát triển. "Đó là kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ rất đáng rút ra bài học cho sau này", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Hay trước các biến động bên trong và bên ngoài như ảnh hưởng của bão Yagi, chính sách áp thuế đối ứng của Hoa Kỳ…, nhưng dưới sự lãnh đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Đảng ủy Chính phủ đã có nhiều quyết sách, tư duy, quan điểm đúng và trúng, kịp thời, quyết liệt, đã giúp nước ta mau chóng vượt qua các khó khăn, thách thức để đạt được kết quả như hôm nay.
Ngoài ra, cần làm rõ các phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ giải pháp trong Báo cáo chính trị, phù hợp với chức năng của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ, đặc biệt là những nhiệm vụ mang tính trọng tâm, đột phá, với cách thể hiện ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ triển khai, dễ kiểm tra, dễ giám sát./.
Thu Sa