• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Năm 2012 là năm bản lề phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng KHCN

Nhân dịp xuân mới Nhâm Thìn 2012, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã dành cho Cổng TTĐT Chính phủ cuộc phỏng vấn, làm rõ hơn những chỉ đạo cơ bản của Chính phủ về nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ.

23/01/2012 08:24
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Năm 2012 là năm bản lề để Chính phủ triển khai giải quyết các vấn đề còn vướng mắc về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trình độ cao. - Ảnh: Chinhphu.vn
Thưa Phó Thủ tướng, tại sao chúng ta quyết định chọn phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước giai đoạn 2011-2020?
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI cũng như kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2011-2016 xác định 3 nhóm yếu tố cần phải tập trung giải quyết. Yếu tố thứ nhất là đổi mới thể chế, yếu tố thứ hai là nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao gắn với việc nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, yếu tố thứ ba là kết cấu hạ tầng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nhiều lần nhấn mạnh, nhân lực là vấn đề quyết định, có nhân lực thì mới đổi mới thể thế, triển khai phát triển hạ tầng được.
Tuy nhiên, từ thực tiễn thời gian vừa qua, việc phát triển nhân lực cần phải nhìn với 3 quan điểm mới như sau:
Thứ nhất, thời gian qua, trong phát triển kinh tế xã hội của các địa phương, các ngành, nhân lực chưa đồng bộ với các yếu tố khác, quy hoạch nhân lực cũng phải đồng bộ với quy hoạch về kinh tế -xã hội. Trong mấy chục năm vừa qua, chúng ta chưa có quy hoạch nhân lực. Cho nên, yếu tố nhân lực luôn luôn đi theo và cứ thiếu, cứ hụt hẫng. Vì vậy, Chính phủ đặt vấn đề quy hoạch nhân lực đồng bộ với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước, các ngành, các địa phương.
Thứ hai, nhân lực có trình độ cao sẽ góp phần tăng trưởng nhanh hơn cho đất nước. Theo thống kê trong 10 năm qua, yếu tố tăng vốn quyết định 52% trong tăng trưởng, yếu tố tăng về lao động quyết định 19%, còn yếu tố nâng cao chất lượng nhân lực, ứng dụng khoa học-công nghệ quyết định 29%. Tỷ lệ đóng góp từ yếu tố nhân lực, ứng dụng khoa học-công nghệ ở nước ta thấp hơn các nước trong khu vực và thấp hơn rất nhiều so với các nước phát triển (60-100%). Vì thế, nếu chúng ta nâng cao được chất lượng nhân lực gắn ứng dụng khoa học -công nghệ thì chắc chăn sẽ tăng được năng suất và hiệu quả kinh tế. Đại hội Đảng lần thứ XI đặt mục tiêu đóng góp yếu tố nhân lực và khoa học -công nghệ phải tăng từ 29-35%. Đây chính là tăng trưởng về mặt chất lượng.
Thứ ba, nhân lực là lợi thế lâu dài của Việt Nam trong khoảng 30 năm nữa. Số lượng lao động tăng, chất lượng ngày càng tăng và chi phí thấp là yếu tố thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài và cạnh tranh quốc tế.
Tóm lại, nhân lực là khâu đột phá và việc giải quyết ba vấn đề trên sẽ trở thành tiền đề quan trọng để đất nước phát triển kinh tế-xã hội với hiệu quả cao.
Xác định được vai trò ngày càng quan trọng của nguồn lực con người, coi đó là yêu cầu cốt yếu để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vậy Chính phủ đã có sự chuẩn bị như thế nào để thực hiện nhiệm vụ trên?
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Nhân lực đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước, nếu không thì không thể có mức tăng trưởng trung bình trên 7% trong suốt 20 năm qua.
Tuy nhiên, giai đoạn mới đòi hỏi những giải pháp mới và Chính phủ đã triển khai một số những giải pháp lớn. Cụ thể, từ năm 2010 đã xây dựng và hướng dẫn các ngành, địa phương xây dựng quy hoạch phát triển nhân lực 10 năm tới, đây là điều chúng ta chưa từng làm. Tháng 7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phất triển nhân lực giai đoạn 2011-2020 và trên cơ sở đó, các bộ và các tỉnh đã phê duyệt quy hoạch nhân lực của mình.
Sắp tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt chiến lược phát triển giáo dục, phát triển dạy nghề trong 10 năm tới. Trên cơ sở hai chiến lược nói trên, quý IV/2012, Ban Cán sự Đảng Chính phủ sẽ trình Ban Chấp hành Trung ương đề án đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục Việt Nam. Một vấn đề có vai trò quan trọng đã được chúng ta triển khai từ đầu năm 2010 là đề án dạy nghề cho lao động nông thôn, thể hiện tầm nhìn của Chính phủ với mục tiêu nâng ngày càng cao tỷ lệ lao động nông thôn đã qua đào tạo và lao động nông thôn chuyển sang làm công nghiệp và dịch vụ.
Vừa qua, Chính phủ đã tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện, qua đó khẳng định được những tiền đề cơ bản về cơ chế, chính sách và mô hình để sắp tới tăng tốc thực hiện đề án.
Một nhiệm vụ khác mà Chính phủ đang tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành là đẩy mạnh thực hiện đề án nâng cao tầm vóc và thể lực người Việt Nam 10 năm tới đã được Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành. Đồng thời, xây dựng gia đình Việt Nam bền vững hạnh phúc, để gia đình là cái nôi giáo dục con người Việt Nam.
Vấn đề cuối cùng, chúng ta phát huy lợi thế hội nhập quốc tế về nhân lực, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế về nhân lực và khoa học công nghệ.
Với Ban Chỉ đạo này, có thể nói chưa bao giờ sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ lại tập trung cho phát triển nhân lực như thời gian vừa qua. Vì thế, trong năm 2012 và các năm tiếp theo, chúng ta sẽ triển khai quyết liệt những nhiệm vụ lớn này.
Theo các nhiệm vụ và giải pháp mà Chính phủ đề ra, cũng như theo bài viết gần đây về ba khâu đột phá của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, có một yếu tố là coi trọng việc đổi mới và phát triển khoa học công nghệ để ứng dụng phát triển kinh tế xã hội. Xin Phó Thủ tướng cho biết rõ hơn nội dung này?
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Đảng và Nhà nước đã coi phát triển giáo dục-đào tạo, nhân lực và khoa học-công nghệ là quốc sách. Khoa học -công nghệ chỉ có thể phát huy được nếu có nền tảng nhân lực phù hợp, giữa khoa học công nghệ và nhân lực nhất là nhân lực chất lượng cao có sự gắn bó rất mật thiết.
Tuy nhiên, khoa học công nghệ có tính độc lập nhất định để đóng góp vào sự phát triển và trong 8 năm qua, chúng ta đã thực hiện được đề án đổi mới về cơ chế hoạt động khoa học công nghệ. Ví dụ, chúng ta đã thực hiện thay đổi và chuyển biến căn bản hơn một nửa đơn vị hoạt động khoa học - công nghệ sang hình thức tự chủ về tài chính, nâng cao trách nhiệm và hiệu quả của các đơn vị này.
Chúng ta đã triển khai các chương trình, đề án cấp quốc gia như: Chương trình ứng dụng công nghệ cao, chương trình về phát triển đổi mới công nghệ, chương trình khoa học- công nghệ phục vụ nông nghiệp. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình phát triển sản phẩm quốc gia nhằm huy động lực lượng khoa học-công nghệ ở mức cao nhất vào những vấn đề và sản phẩm quan trọng nhất của đất nước. Vừa qua, Chính phủ đã tổng kết 8 năm đổi mới hoạt động khoa học -công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đang chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ một đề án tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ cơ chế quản lý, hoạt động và tổ chức khoa học -công nghệ.
Việc tổng kết này sẽ tạo đột phá trong công tác huy động khả năng về con người, tài chính để khoa học-công nghệ đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế -xã hội của đất nước. Lâu nay, những đóng góp của khoa học và công nghệ còn có sự hạn chế vì thiếu hẳn những “đơn đặt hàng” của những người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương.
Có thể khẳng định, sắp tới nếu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội các địa phương, các Bộ, ngành được bổ sung kế hoạch nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ, quy hoạch phát triển nhân lực, sẽ tạo nên sự đồng bộ để thực hiện mô hình tăng trưởng mới dựa trên chiều sâu, dựa trên khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Như Phó Thủ tướng vừa nói, năm 2011 là năm chuẩn bị khá kỹ lưỡng để thực hiện khâu đột phá trên. Vậy mục tiêu trọng tâm trong năm 2012 mà Chính phủ sẽ ưu tiên triển khai?
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Thực ra, khi chúng ta chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ phát triển kinh tế xã hội 2006-2010, Chính phủ đã chỉ đạo và khởi động nhiều chương trình, đề án như đã nêu ở trên, nhưng hiện vẫn có một số chương trình chưa được thực hiện một cách triệt để.
Ví dụ, khoảng 1/3 số Bộ và khoảng 30 tỉnh, thành phố chưa phê duyệt xong quy hoạch phát triển nhân lực. Việc này phải hoàn thành dứt điểm trong nửa đầu năm 2012.
Đối với những dự án đã khởi động, phải triển khai quyết liệt. Ví dụ, với chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với các Bộ, các địa phương đã chọn ra danh sách 25 sản phẩm có điều kiện để xây dựng thành sản phẩm quốc gia. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo ít nhất trong năm 2012 phải có từ 5 đến 6 sản phẩm phải khởi động nhanh, sớm tổng kết để làm tiền đề xây dựng các mô hình sản phẩm tiếp theo.
Trong năm 2012, Chính phủ sẽ có cách chỉ đạo phù hợp hơn đối với các Bộ, ngành và địa phương trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Khi xác định phát triển nhân lực chất lượng cao gắn với ứng dụng khoa học và công nghệ là khâu đột phá, Chính phủ sẽ tổ chức giao ban định kỳ 3 tháng/lần. Thường trực Chính phủ chủ trì giao ban với 20 Bộ, ngành và 63 tỉnh thành về khâu đột phá này để cùng kiểm điểm việc thực hiện kế hoạch.
Song song với đó, Chính phủ cũng tập trung triển khai đề án hội nhập quốc tế về nhân lực và khoa học công nghệ. Mười năm qua, chúng ta đã tập trung hội nhập về kinh tế, có đề án hội nhập quốc tế về kinh tế nhưng chưa có đề án hội nhập quốc tế về nhân lực. Trong quý I/2012, Chính phủ sẽ chỉ đạo các Bộ, ngành xây dựng, hoàn thiện để trình Thủ tướng phê duyệt đề án này và triển khai quyết liệt ngay từ quý II/2012.
Có thể khẳng định rằng, với 3 khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã chỉ rõ, cùng với sự tập trung chuẩn bị từ năm 2011, năm 2012 chính là năm bản lề để Chính phủ triển khai giải quyết các vấn đề còn vướng mắc về phát triển nhân lực, nhất là nhân lực trình độ cao.
Với tinh thần đó, nhân dịp bước sang năm con Rồng 2012, tôi xin gửi lời cảm ơn và kêu gọi tất cả những người đã và đang hoạt động trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo và khoa học -công nghệ tiếp tục có nhiều đóng góp quý báu vào sự nghiệp phát triển đất nước.
Qua đây, tôi cũng gửi những lời chúc Tết tốt đẹp nhất tới lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, đồng thời tin tưởng sâu sắc rằng trong năm mới 2012, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương sẽ cùng bắt tay thực hiện yêu cầu phát triển nhân lực, khoa học-công nghệ để trong 5 năm tới, trình độ phát triển nguồn nhân lực và khoa học-công nghệ sẽ chuyển sang một giai đoạn mới với những đóng góp xứng đáng hơn vào sự đi lên bền vững của đất nước.
Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!