Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Nhắc lại lời dặn của Bác Hồ đối với ngành Giáo dục “Dù khó khăn đến đâu cũng phải dạy tốt, học tốt”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần khơi dậy điều này thành tinh thần chủ đạo trong hệ thống giáo dục và phải thực sự vì học sinh. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Việc đổi mới chương trình, SGK đã được Bộ GD&ĐT tiến hành công phu nhằm xây dựng một chương trình theo chuẩn mực quốc tế, theo định hướng lớn của UNESCO, theo các cải cách giáo dục lớn trên thế giới có tham khảo kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục tiên tiến. Từ đó làm cơ sở để làm học liệu trong đó việc biên soạn SGK. Bên cạnh đó là những đổi mới trong kiểm ra, đánh giá học sinh theo Thông tư 30 hay tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2015.
“Dù còn điểm này, điểm khác chúng ta chưa hài lòng nhưng cũng phải nói một cách công tâm rằng trong năm học vừa qua, ngành Giáo dục đã đạt được các kết quả rất đáng mừng. Điều quan trọng là chúng ta thấy rằng việc đổi mới không chỉ cần thiết mà đã đi đúng hướng và phải tiếp tục”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng bày tỏ đồng tình với những đánh giá của Bộ GD&ĐT về 4 điểm hạn chế nổi bật từ thiếu thốn cơ sở vật chất dến những hạn chế trong giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh; từ khó khăn trong thay đổi cách kiểm tra, đánh giá học sinh đến một số hiện tượng chưa tốt trong ngành Giáo dục như dạy thêm học thêm tràn lan, việc tự quản, vệ sinh trường lớp chưa sạch sẽ…
Phân tích từng điểm hạn chế, Phó Thủ tướng cho rằng khắc phục tình trạng thiếu cơ sở vật chất trường lớp có vai trò rất quan trọng của cấp ủy, chính quyền địa phương. Trung ương đã có Đề án kiên cố hóa trường học, nhà công vụ cho giáo viên với kinh phí 36.000 tỉ đồng và thực tế ngân sách dành cho Đề án này đã vượt kế hoạch ban đầu. Nhưng nếu hoàn thành hết việc kiên cố hóa trường học và nhà công vụ cho giáo viên ở thời điểm hiện tại sẽ cần đến trên 50.000 tỉ đồng trong khi ngân sách đang rất khó khăn.
Vấn đề này, Phó Thủ tướng giao Bộ GD&ĐT làm việc sát hơn với Bộ Tài chính để tìm một phương án khả thi, ưu tiên những nơi khó khăn nhất. Đồng thời cần nắm rõ quan điểm “không có đổi mới chương trình, SGK thì chúng ta vẫn phải thực hiện kiên cố hóa trường học và cũng có những nơi không phải cứ kiên cố hóa trường học thì mới đổi mới được chương trình và SGK. Chương trình tốt, SGK tốt, thì nhà tranh mà sạch cũng sẽ vẫn dạy tốt”.
Ảnh: VGP/Đình Nam |
Chủ trương mới cần chuẩn bị kỹ lưỡng
Liên quan đến những khó khăn trong thực hiện Thông tư 30 đánh giá học sinh tiểu học theo phương pháp mới, Phó Thủ tướng cho rằng đây là xu thế giáo dục hiện đại và cũng phù hợp với truyền thống.
“Đánh giá để cho các cháu phấn đấu, vượt lên chính mình chứ không phải để so sánh, để ganh tị với những người khác. Điều cần rút kinh nghiệm là một chủ trương mới dù là đúng cũng phải có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, đặc biệt là cách tuyên truyền, giải thích, vận động, nhưng dứt khoát đúng thì mình kiên định làm”, Phó Thủ tướng nói.
Đồng tình với cách nhìn nhận thẳng thắn của Bộ GD&ĐT về tình trạng dạy thêm học thêm, tự quản, vệ sinh trường lớp còn chưa tốt, Phó Thủ tướng cho rằng đây là một phần của câu chuyện giáo dục đạo đức, kỹ năng sống.
Chia sẻ thêm cùng các đại biểu, Phó Thủ tướng lấy ví dụ học sinh không thể có ý thức gọn gàng, sạch sẽ nếu vệ sinh trong trường không sạch sẽ, dây điện loằng ngoằng, chỉ sạch những chỗ nhìn thấy được. Hay chuyện dạy thêm, học thêm Bộ đã cấm nhưng giáo viên cứ làm thì không thể giáo dục học sinh phải tôn trọng pháp luật.
“Ai cũng biết xã hội có nhiều vấn đề bức xúc như bạo lực học đường, hay từ những chuyện nhỏ là không tôn trọng luật giao thông, vệ sinh công cộng bừa bãi, chen lấn, không xếp hàng nơi công cộng, tất cả những thứ đó là trách nhiệm của xã hội, nhưng cũng có một phần trách nhiệm rất quan trọng của ngành Giáo dục. Nếu thầy cô giáo không gương mẫu thì dù tuyên truyền thế nào thì ảnh hưởng đến các cháu cũng sẽ bớt tác dụng”.
Phân tích sâu về hạn chế trong giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh hiện nay, Phó Thủ tướng cho rằng cần khắc phục, có thể làm ngay trong nhà trường và “phải thực sự vì học sinh”. Cụ thể là từ chuyện nhỏ như khôi phục lại nếp tập thể dục đầu giờ, giữa giờ trong trường phổ thông để tạo ý thức rèn luyện sức khỏe đến việc tổ chức lại các sinh hoạt tập thể giúp hình thành tinh thần trách nhiệm đối với bản thân và những người xung quanh trong mỗi học sinh.
“Những vấn đề này phải làm từ mẫu giáo, dạy các cháu những thứ rất cơ bản, dạy kỹ năng sống một cách phù hợp, giản dị từ truyền thống cha ông, Năm điều Bác Hồ dạy. Dần dần nâng lên ở những lứa tuổi lớn hơn, dạy các cháu để làm người tốt, có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và bây giờ là công dân toàn cầu”.
Nhắc lại lời dặn của Bác Hồ đối với ngành Giáo dục: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải dạy tốt, học tốt”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Bây giờ các đồng chí phát động phong trào gì, khẩu hiệu gì thì suy cho cùng vẫn là dạy tốt, học tốt, phải khơi dậy điều này thành tinh thần chủ đạo trong hệ thống giáo dục và phải thực sự vì học sinh”.
Lễ Khai giảng theo tinh thần "Tất cả vì học sinh"
Quán triệt tinh thần "Tất cả vì học sinh" trong năm học mới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét phương án tổ chức khai giảng đồng loạt tại các trường phổ thông trên cả nước trong cùng 1 ngày.
“Khai giảng là ngày hội của các cháu đến trường, nhưng từ nhiều năm nay, ngày, giờ khai giảng phải phụ thuộc lãnh đạo đến khi nào, thời tiết nắng hay mưa các cháu phải xếp hàng đợi. Năm nay tôi đề nghị chọn một ngày khai giảng đồng loạt cả nước. Mình làm đúng nghi lễ chào cờ, hát quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước, hiệu trưởng phát biểu ngắn gọn, đến phần sau là phần hội cho các cháu và các thầy cô giáo. Chúng ta hãy làm thực sự vì các cháu”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Vấn đề cuối cùng được Phó Thủ tướng Đam đề cập tới là kỳ thi THPT quốc gia đã đạt được những tiến bộ đáng ghi nhận. Tuy nhiên, với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của học sinh ở các trung tâm giáo dục thường xuyên ở mức rất thấp, cùng với một tỉ lệ lớn bị điểm liệt chứng tỏ chất lượng giáo dục thực sự có vấn đề, thậm chí nhiều học sinh đáng ra phải lưu ban từ những năm học trước. Đây là việc chúng ta phải có lộ trình nghiêm túc.
“Dư luận cũng quan tâm và bức xúc về việc xét tuyển đại học. Thực ra vấn đề này đã được đề cập, Bộ GD&ĐT khẳng định đã lường được và yên tâm. Nhưng thực tế cho thấy Bộ chưa lường được hết, và chưa thể yên tâm. Điều này có thể hiểu được vì là việc mới. Tôi đề nghị Bộ tiếp tục lắng nghe, trên tinh thần cầu thị, sẵn sàng chịu vất vả, điều chỉnh thật nhanh, thật kịp thời trên tinh thần tất cả vì thí sinh. Mục tiêu lớn nhất là không có thí sinh điểm cao trượt ĐH”, Phó Thủ tướng nói.
Đình Nam