Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Ảnh: VGP/Thành Chung |
Sáng 6/11 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam năm 2017 với sự tham dự của hàng trăm doanh nghiệp ở trong nước và trên thế giới. Sự kiện này do Báo Điện tử Vnexpress và Napas tổ chức dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Xu hướng của thế giới
Với Chủ đề “Thanh toán di động- Nhân tố thúc đẩy nền kinh tế không tiền mặt”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhìn nhận đây là vấn đề có tính thời sự, là xu hướng đang diễn ra mạnh mẽ không chỉ làm thay đổi phương thức thanh toán, mà còn tạo ra và thúc đẩy những mô hình kinh doanh mới, thay đổi hành vi của người tiêu dùng đồng thời giúp cộng đồng thu nhập thấp tham gia và có cơ hội hưởng lợi trực tiếp từ những thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Sau 10 năm phát triển từ con số 0, tới tháng 12/2016, trên toàn thế giới đã có 556 triệu lượt người đăng ký tài khoản dịch vụ thanh toán di động, trong đó 79,4% đến từ những khu vực đang phát triển, như khu vực châu Phi cận Sahara (277,4 triệu), Nam Á (164,2 triệu)... Ở một khía cạnh nhất định, những khu vực này đã vượt qua các khu vực phát triển như Bắc Mỹ (44,1 triệu tài khoản), châu Âu (10,4 triệu tài khoản). Riêng tháng 12/2016, hơn 22 tỷ USD đã được giao dịch qua hệ thống này với 43 triệu giao dịch mỗi ngày.
Tại một số nước châu Phi, phần lớn trong số người sử dụng thanh toán di động là những người thu nhập thấp theo chuẩn của Ngân hàng Thế giới. Ở châu Á, tại Trung Quốc và Ấn Độ, thanh toán di động cũng đang bùng nổ cả ở thành thị lẫn nông thôn, làm thay đổi cách thức kinh doanh, thúc đẩy thương mại điện tử và phát sinh ra những mô hình kinh doanh mới.
“Thanh toán qua mobile (điện thoại di động-PV) thực sự là công cụ thúc đẩy Tài chính toàn diện (Financial Inclusion), được hiểu như một nền tài chính mang lại lợi ích cho mỗi người dân, dù họ ở bất cứ đâu. Và đây cũng là mục tiêu quan trọng của Chính phủ Việt Nam, mong muốn làm bùng nổ và phổ cập thanh toán di động, góp phần đưa tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương diện thanh toán ở mức thấp hơn 10% vào năm 2020”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Việt Nam cũng không ngoài xu hướng chung khi vài năm qua, dịch vụ Bankplus của một nhà mạng ở Việt Nam đã có 3,5 triệu người dùng và các điểm giao dịch ở 63 tỉnh thành trên phạm vi toàn quốc.
Hiện nay Việt Nam có 140 thuê bao di động/100 dân, gần 60 triệu thuê bao 3G, 4G với 99% số quận huyện trên toàn quốc đã được phủ sóng 4G. Số thuê bao di động băng rộng SmartPhone dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên 80 triệu vào năm 2020. Phó Thủ tướng cho rằng đây là điều kiện lý tưởng để thúc đẩy thanh toán di động cũng như các dịch vụ tài chính và thương mại điện tử khác đến tất cả các vùng miền, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và tất cả các nhóm dân cư ở Việt nam, thay đổi triệt để thói quen dùng tiền mặt như hiện tại.
Việt Nam phải đi trước và đi nhanh hơn
Bên cạnh thuận lợi, tiện ích thì Phó Thủ tướng cho rằng thanh toán điện tử sẽ tạo ra những thách thức nhất định liên quan đến khuôn khổ pháp lý, tính an toàn trong giao dịch, bảo mật thông tin, giao dịch xuyên biên giới, tội phạm công nghệ cao và chủ quyền số quốc gia.
“Những thách thức cần được giải quyết bằng các giải pháp sáng tạo, thông qua học hỏi kinh nghiệm quốc tế, và cần có sự chung tay, hợp tác giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng nhìn nhận.
Tuy nhiên, nhìn vào những lợi ích to lớn mà các dịch vụ mới có thể mang lại cho đại bộ phận người dân, Đảng và Chính phủ đã có nhiều quyết sách, đề án để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán di động nói riêng. Việt Nam đang xây dựng Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia, mà thanh toán di động sẽ là một phần để thực hiện chiến lược này.
Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tạo thuận lợi và thúc đẩy xu hướng thanh toán di động tại Việt Nam thông qua việc thường xuyên đối thoại, làm việc chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước để tìm hiểu các rào cản và cùng đề ra giải pháp; thúc đẩy việc cập nhật, thông qua khuôn khổ pháp lý, tạo cơ chế và xây dựng các chương trình hành động cần thiết để tạo thuận lợi, quảng bá cho thanh toán di động nói riêng và các dịch vụ công nghệ tài chính, thương mại điện tử nói chung; phát hiện và giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trên thực tế để bảo đảm lợi ích có thể đến được với đại đa số người dân và doanh nghiệp.
“Thế giới ngày nay là của công nghệ và sáng tạo, thì một nước đi sau có thể có lợi thế hơn, nhưng với điều kiện là đi sau thì phải đi trước. Chỉ có đi trước thì những nước đi sau mới thay đổi được thứ hạng. Đi trước đầu tiên phải là tạo môi trường cho cái mới. Chính phủ kiến tạo của chúng ta cam kết điều đó”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Đồng thời Phó Thủ tướng cũng nêu rõ với Việt Nam thì yêu cầu nhanh và phổ cập là vô cùng quan trọng trong bối cảnh Inernet và điện thoại di động đã trở nên phổ cập. “Nhanh để đất nước không bị tụt hậu, phổ cập để không ai bị bỏ lại phía sau. Một cộng đồng doanh nghiệp khát vọng và sáng tạo sẽ làm được điều này”, Phó Thủ tướng nói.
“Chính phủ muốn truyền đi một thông điệp tới các nhà quản lý, tới cộng đồng doanh nghiệp và tới người dân rằng: Chúng ta phải đi trước, phải đi nhanh hơn và với nền tảng Internet và điện thoại di động rộng khắp, chúng ta hãy làm cho thanh toán di động nói riêng và thanh toán điện tử nói chung trở nên phổ cập đến mọi người dân Việt Nam trong thời gian ngắn nhất có thể”.
Tại Diễn đàn này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ hơn nữa để giải quyết những khó khăn, vướng mắc đang và sẽ phát sinh; kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp hợp tác với nhau và với Chính phủ để cùng giải quyết các thách thức.
Phó Thủ tướng tin tưởng rằng, thanh toán di động sẽ nhanh chóng bùng nổ và phổ cập ở Việt Nam như chúng ta đã làm được với điện thoại di động hơn 10 năm trước trên nền tảng về cạnh tranh với sự tham gia của các doanh nghiệp mới có năng lực, tháo dỡ các rào cản pháp lý, hạ tầng và hệ sinh thái rộng khắp, giá rẻ và dịch vụ thuận tiện, đi từ nông thôn tới thành thị.
Thành Chung