Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cùng các đại biểu cắt băng khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4. Ảnh: VGP/Thế Phong |
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 là dự án cấp bách, nằm trong Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Tổng sơ đồ quy hoạch điện 7) của Chính phủ.
Dự án do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư; Tổng Công ty Phát điện 3/Ban QLDA Nhiệt điện Vĩnh Tân là tư vấn quản lý dự án. Tổ hợp nhà thầu DOOSAN (Hàn Quốc)-Mitsubishi Corporation (Nhật Bản)-Công ty Tư vấn xây dựng điện 2 (PECC2)-PACIFIC thực hiện dự án.
Với tổng mức đầu tư hơn 36.000 tỷ đồng, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 có tổng công suất 1.200 MW, gồm 2 tổ máy (2 x 600 MW), là nhà máy nhiệt điện than sử dụng công nghệ ngưng hơi truyền thống với thông số hơi siêu tới hạn, đốt than nhập khẩu. Đây là loại công nghệ hiện đại có công suất, hiệu suất cao, chi phí hợp lý và bảo đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường đã được áp dụng nhiều trên thế giới.
Nhà máy sẽ được đấu nối với hệ thống điện quốc gia thông qua lưới điện đồng bộ 500 kV, với sản lượng điện sản xuất bình quân hằng năm khoảng 7,2 tỷ kWh, phục vụ cung cấp điện chủ yếu cho phụ tải khu vực phía nam, góp phần quan trọng cho việc vận hành kinh tế hệ thống điện quốc gia, nhất là vào mùa khô hàng năm.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: VGP/Thế Phong |
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, coi trọng phát triển các ngành năng lượng, đặc biệt là ngành điện với mục tiêu phát triển điện luôn phải đi trước một bước để đáp ứng yêu càu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triến kinh tế -xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Những năm qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách khuyến khích, thu hút vốn đầu tư ngoài Nhà nước cho ngành điện. Cùng với sự nỗ lực của các ngành, các cấp, nhất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam với vai trò trụ cột, đến nay hệ thống điện quốc gia bảo đảm cung cấp đủ điện đáp ứng nhu cầu phát triển với chất lượng và độ tin cậy ngày càng cao. Tổng công suất nguồn điện của Việt Nam hiện nay đã đạt trên 53.000 MW (đứng thứ 2 Đông Nam Á, sau Indonesia và xếp hạng 31 thế giới). Trong 15 năm qua, chúng ta đã đưa vào vận hành trên 40 nhà máy điện với tống công suất trên 20.000 MW. Nhiều dự án đã đáp ứng tiến độ, chất lượng, đem lại lợi ích kinh tế to lớn, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, trong đó có đóng góp quan trọng của các dự án điện tại tỉnh Bình Thuận với sản lượng thiết kế khoảng 30,6 tỷ kWh/năm.
“Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 là dự án trọng điểm, cấp bách có quy mô công suất 1.200 MW, nhằm bổ sung nguồn cung ứng điện cho đất nước trước năm 2020. Tôi rất vui mừng khi nghe báo cáo Nhà máy gồm 2 tổ máy, sử dụng công nghệ hiện đại, có tỷ lệ nội địa hóa cao (26%) và được đánh giá là một trong các nhà máy nhiệt điện có chất lượng hàng đầu tại Việt Nam, đáp ứng tốt các yêu cầu về bảo vệ môi trường”, Phó Thủ tướng phát biểu.
Dự án đưa vào vận hành có thể cung ứng sản lượng điện rất lớn cho hệ thống điện quốc gia (trên 7 tỷ kWh), góp phần quan trọng bảo đảm cung ứng điện, nhất là trong bối cảnh khó khăn khi nhiều dự án nguồn điện lớn khác bị chậm tiến độ, thậm chí có những dự án rất khó khăn, vướng mắc, chưa có giải pháp hữu hiệu tháo gỡ.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là một trong những công trình tạo tiền đề xây dựng Bình Thuận thành trung tâm năng lượng mang tầm quốc gia, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Bình Thuận nói riêng, khu vực phía nam và cả nước nói chung và đây cũng là sự kiện thêm một mốc son lịch sử về hợp tác giữa Chính phủ, nhân dân các nước Hàn Quốc, Nhật Bản với Việt Nam. Dự án hoàn thành và Nhà máy được đưa vào vận hành là kết quả nỗ lực vượt bậc của chủ đầu tư, tổng thầu, tư vấn giám sát, tư vấn quản lý dự án và các đơn vị liên quan.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng biểu dương Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Phát điện 3, Ban Quản lý dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân, Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 3 và Tổng thầu EPC đã tích cực triển khai dự án bảo đảm tiến độ, đưa công trình vào hoạt động sớm hơn tiến độ gần 3 tháng.
Phó Thủ tướng biểu dương Đảng bộ, các cấp chính quyền tỉnh Bình Thuận và đồng bào trong khu vực dự án đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai xây dựng và đưa dự án về đích sớm hơn kế hoạch.
Phó Thủ tướng gửi lời cảm ơn Chính phủ Hàn Quốc, Chính phủ Nhật Bản và các tổ chức tín dụng quốc tế đã cung cấp nguồn tín dụng ưu đãi cho các dự án điện ở Việt Nam.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại, quản lý, vận hành an toàn, tin cậy để góp phần bảo đảm cung ứng điện cho đất nước, tuyệt đối không được để xảy ra ra các vấn đề ô nhiễm môi truờng trong quá trình vận hành nhà máy. Đề nghị chính quyền địa phương và người dân quanh vùng Dự án tăng cường giám sát về an toàn lao động, vệ sinh môi trường.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đến khảo sát thực tế Cảng quốc tế Vĩnh Tân. Ảnh: VGP/Thế Phong |
*Cũng trong sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đến khảo sát thực tế Cảng quốc tế Vĩnh Tân thuộc địa bàn xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Đây là cảng thuộc nhóm cảng biển số 4 Nam Trung Bộ do Công ty cổ phần Cảng quốc tế Vĩnh Tân làm chủ đầu tư.
Cảng quốc tế Vĩnh Tân là cửa ngõ quan trọng tiếp chuyển hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu hàng hóa từ khu vực Tây Nguyên, duyên Hải Nam Trung Bộ và các nước Campuchia, Lào đến Cảng quốc tế Vĩnh Tân đi các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Mỹ,.. và ngược lại.
Cảng được đầu tư xây dựng trên phạm vi diện tích hơn 140 ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 2.300 tỷ đồng có hạ tầng hiện đại, đồng bộ với hệ thống các bãi chứa hàng rời, bãi hàng tổng hợp, bãi hàng container, kho silo… . Công suất khai thác của Cảng quốc tế Vĩnh Tân lên tới 8 triệu tấn/năm.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đến thăm một số gia đình chính sách tại huyện Bắc Bình, Bình Thuận. Ảnh: VGP/Thế Phong |
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Ỏn, mẹ liệt sĩ Ngô Văn Thành (thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình) và gia đình ông Đinh Hữu Nghề (xã Hồng Thái, huyện Bắc Bình).
Thế Phong