Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Các đại biểu cắt băng khánh thành Trụ sở Tòa án nhân dân Tối cao. Ảnh: VGP Lê Sơn |
Tới dự có các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Đào Việt Trung, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cùng đại diện lãnh đạo các Ban ngành Trung ương và thành phố Hà Nội…
Trụ sở Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC) được xây dựng trên diện tích 6.417 m2 với quy mô gồm 6 tầng nổi, 4 tầng hầm, trong đó có: 3 Phòng xử án của Hội đồng 5 Thẩm phán TANDTC tại tầng 1 và 1 Phòng xử của Hội đồng toàn thể Thẩm phán TANDTC tại tầng 6.
Phần trần của phòng xử Hội đồng Toàn thể TANDTC chính là đỉnh mái vòm của toà nhà lấy ánh sáng tự nhiên với ý nghĩa việc xét xử của Toà án là độc lập, công khai, minh bạch.
Đồng chí Nguyễn Văn Du, Ủy viên Ban Cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC cho biết: Công trình trụ sở TANDTC tại 43 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội được khởi công xây dựng từ ngày 17/9/2019. Sau gần 400 ngày đêm thi công liên tục, với tinh thần đoàn kết, ý chí và lòng quyết tâm cùng với sự ủng hộ, giúp đỡ của các cơ quan hữu quan, tập thể Ban cán sự đảng, lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động TANDTC và các nhà thầu liên quan đã vượt qua mọi khó khăn, thi công xây dựng công trình đảm bảo tuyệt đối an toàn, hoàn thành đúng tiến độ, đạt chất lượng cao và được nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Trụ sở Tòa án nhân dân Tối cao tại số 43 đường Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội. Ảnh: VGP Lê Sơn |
Công trình trụ sở mới TANDTC tại 43 Hai Bà Trưng với phong cách kiến trúc tân cổ điển phù hợp với kiến trúc của toà nhà 48 Lý Thường Kiệt, tạo thành một quần thể thống nhất, có sự giao thoa giữa kiến trúc cũ và kiến trúc mới. Hai toà nhà đều được thiết kế đối xứng qua trục trung tâm, tạo sự cân bằng, mặt đứng các công trình mang phong cách tân cổ điển, với tổ hợp không gian kiến trúc tiện nghi đáp ứng được yêu cầu thẩm mỹ của công trình hiện đại mang tầm vóc, sự uy nghiêm, xứng tầm là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Khu vực sảnh chính của toà nhà mới được thiết kế theo lối mở, thông ra Vườn Công Lý và toà nhà 48 Lý Thường Kiệt. Khu vườn này được bao quanh bởi hai toà nhà với điểm nhấn là đài phun nước có chữ “Tâm” ở giữa tạo không gian cảnh quan xanh, thân thiện với môi trường, đồng thời 7 chuẩn mực đạo đức của người thẩm phán được khắc trên bia đá.
Lê Sơn