Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Cùng đi có Bí Thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Nghĩa Dũng, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Báo cáo tại buổi làm việc với huyện Tây Sơn, Chủ tịch UBND huyện Phan Chí Hùng cho biết, tổng nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phân bổ cho huyện là gần 84 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển gần 50,8 tỷ đồng, còn vốn sự nghiệp là hơn 33,1 tỷ đồng.
Kết quả giải ngân đến nay là hơn 39,5 tỷ đồng, đạt 47,1%, trong đó, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển đạt 59,15%, trong khi tỉ lệ giải ngân vốn sự nghiệp đạt 28,68%.
Trong quá trình thực hiện, huyện nhận thấy hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn chỉ đạo thực hiện khá nhiều, gây khó khăn trong quá trình tiếp cận, nghiên cứu, tham mưu triển khai thực hiện cho cán bộ, công chức ở cấp cơ sở.
Đối với Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 3 "Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân", theo quy định tại Quyết định số 1719/2021/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Chính phủ, thì thôn đặc biệt khó khăn thuộc các xã khu vực II, III mới được thụ hưởng chính sách. Do vậy, thôn đặc biệt khó khăn, nhưng không thuộc xã khu vực II, III thì không được thụ hưởng chính sách này, dẫn đến bất cập trong quá trình thực thi chính sách ở địa phương.
Huyện Tây Sơn kiến nghị Trung ương bổ sung đối tượng thôn đặc biệt khó khăn không thuộc các xã khu vực II, III được thụ hưởng chính sách phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân.
Đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Tiểu dự án 1 Dự án 4 "Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn" quy định những người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp mới thuộc đối tượng hỗ trợ đào tạo nghề.
Tuy nhiên, hiện nay phần lớn người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo của huyện chủ yếu là những hộ ngoài độ tuổi lao động, neo đơn, ốm đau, bệnh tật, thuộc những đối tượng hưởng bảo trợ xã hội, nên người lao động tham gia học nghề rất ít, trong khi đó đối tượng người lao động có thu nhập thấp thuộc diện hỗ trợ của Chương trình đến nay chưa hướng dẫn cụ thể, nên khó khăn trong việc xác định và lựa chọn đối tượng tham gia học nghề.
Huyện Tây Sơn kiến nghị Trung ương ban hành tiêu chí, hướng dẫn xác định hộ có mức thu nhập thấp để làm cơ sở cho địa phương rà soát, đánh giá và lựa chọn đối tượng tham gia học nghề thuộc đối tượng hỗ trợ của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.
Cũng với Chương trình MTQG này, Tiểu dự án 1 Dự án 3 "Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp" hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể về thủ tục thanh quyết toán trong mua sắm vật tư, hàng hóa, trang thiết bị phục vụ sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi… và hóa đơn, biên lai chứng từ thanh toán thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng; chưa có chính sách hỗ trợ cho người đại diện tổ nhóm cộng đồng dân cư.
Huyện Tây Sơn kiến nghị Trung ương ban hành hướng dẫn thực hiện cụ thể về thủ tục thanh quyết toán và bổ sung chính sách hỗ trợ cho người đại diện tổ nhóm cộng đồng dân cư để khuyến khích phát huy vai trò của người đại diện cộng đồng dân cư và nâng cao hiệu quả thực hiện dự án.
Với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, huyện kiến nghị Chính phủ cho phép lùi thời hạn triển khai tiêu chí về tỉ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa đạt từ 40% trở lên, thuộc Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao.
Huyện Tây Sơn cho rằng, các chỉ tiêu về tỉ lệ sử dụng hình thức hỏa táng yêu cầu đạt từ 5% trở lên, tỉ lệ hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung đối với xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt từ 25%, tỉ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa đạt từ 40% trở lên khó thực hiện, do đó Trung ương xem xét, điều chỉnh quy định nội dung chỉ tiêu trên cho phù hợp.
Huyện Tây Sơn cũng phản ánh quá trình triển khai Thông tư 53/2022/TT-BTC ngày 12/8/2022 của Bộ Tài chính ban hành quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025, còn có bất cập, chồng chéo liên quan đến các "cơ sở giáo dục nghề nghiệp".
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành đã cập nhật tình hình ban hành các quy định và hướng dẫn liên quan đến việc thực hiện 3 chương trình MTQG, trong đó có Nghị định 38 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 27/2022/NĐ-CP quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG, đồng thời trực tiếp giải đáp một số ý kiến của huyện Tây Sơn.
Lãnh đạo Bộ LĐTB&XH cho biết, Bộ đang trình Chính phủ tiêu chí hộ có thu nhập thấp, dự kiến sẽ ban hành tiêu chí này trong tháng 11/2023.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, Bộ mới tổ chức cuộc họp trực tuyến với các địa phương về tính khả thi khi áp dụng tỉ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa đạt từ 40%. Tại cuộc họp này, có 47 địa phương nhất trí vẫn giữ nguyên tỷ lệ này trong Bộ tiêu chí nông thôn mới.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, chuyến khảo sát thực tiễn lần này nhằm tiếp tục thực hiện tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là bám sát cơ sở, lắng nghe hơi thở cuộc sống từ cơ sở để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy các chương trình, dự án đang triển khai.
Phó Thủ tướng cho biết, ông cảm nhận được nhiều đổi thay trên quê hương Bình Định sau nhiều năm trở lại mảnh đất anh hùng này, nhất là từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhiều chỉ số cốt lõi thể hiện sự phát triển của tỉnh đều có bước cải thiện rõ nét, thể hiện nỗ lực vươn lên của tỉnh.
Đối với 3 chương trình MTQG, Phó Thủ tướng cho rằng tổng nguồn vốn bố trí cho tỉnh Bình Định thực hiện 3 chương trình chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tế, vì thế tỉnh phải chắt chiu, huy động thêm các nguồn vốn của địa phương để thực hiện các dự án cho ra tấm, ra món, tránh manh mún, dàn trải; đẩy nhanh việc thực hiện các chương trình MTQG vì thời gian không còn nhiều.
Về định hướng trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho biết, có thể sẽ có cách tiếp cận khác hiện nay. Theo đó, địa phương nào giải ngân nhanh, hiệu quả có thể được phân bổ vốn nhiều hơn, mới tạo được động lực thi đua trong việc thực hiện các chương trình MTQG.
Các văn bản hướng dẫn ban hành trong thời gian tới sẽ chú trọng phân cấp tối đa cho các địa phương, Phó Thủ tướng khẳng định.
Cũng tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã có ý kiến về kiến nghị của tỉnh Bình Định liên quan đến việc mở rộng Cảng hàng không Phù Cát và sử dụng vốn vay ODA.
Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã đến dâng hương tại đàn Kính Thiên và dâng hương, dâng hoa tại tượng đài Hoàng đế Quang Trung và điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt để tưởng nhớ và tri ân công đức của Hoàng đế Quang Trung cùng các văn thần, võ tướng, nghĩa binh Tây Sơn đã lập nên chiến công oai hùng đánh đuổi giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước, giữ yên xã tắc và cầu cho quốc thái dân an, mọi người hạnh phúc.
Hải Minh