Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Sáng 18/5, đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã dự và phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai các chính sách tín dụng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các bộ ngành, địa phương, phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao việc Hội đồng quản trị NHCSXH đã chuẩn bị và tổ chức hội nghị toàn quốc để triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Phó Thủ tướng cho biết, trước tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 tới các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội cũng như ảnh hưởng tới các chuỗi cung ứng lao động, đời sống của nhân dân, Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, các cấp xây dựng một chương trình phục hồi phát triển kinh tế báo cáo và Bộ Chính trị đã thông qua.
Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đã xây dựng, trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ chương trình vào ngày 11/1/2022. Chỉ sau 19 ngày Quốc hội thông qua Nghị quyết 43, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11 để triển khai Nghị quyết của Quốc hội.
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Nghị quyết số 11 quy định rất chi tiết về mục tiêu quan điểm, các nhiệm vụ, giải pháp. Và đặc biệt là việc tổ chức thực hiện cũng được giao cụ thể cho các bộ, ngành, các địa phương và các cơ quan liên quan. Với việc giao nhiệm vụ cụ thể, có thời hạn có kiểm tra, kiểm soát chúng ta thực hiện là tương đối tốt nhiều chính sách, nhiều gói hỗ trợ đã đi vào thực tế.
Lý giải cụ thể hơn, Phó Thủ tướng cho biết, Nghị quyết đưa ra 5 nhóm giải pháp, với tổng kinh phí khoảng chừng 347.000 tỷ (chúng ta hay nói số tròn là 350.000 tỷ).
Trong số này, chúng ta dành khoảng 46.000 tỷ cho việc chi mua vaccine và trang thiết bị phòng chống dịch COVID-19.
Hiện nay dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, độ phủ vaccine tương đối tốt, chúng ta đã chuyển trang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt và phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, nhưng nếu dịch bệnh có diễn biến phức tạp, thì chúng ta đã chuẩn bị sẵn sàng các giải pháp và kể cả nguồn lực để ứng phó.
Như vậy nếu trừ đi khoản kinh phí dành cho việc phục vụ chống dịch, thì gói hỗ trợ còn khoảng 300.000 tỷ đồng.
Khoản thứ hai trong gói hỗ trợ là giảm thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với những hàng hóa dịch vụ,… mà doanh nghiệp hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch thì được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và phí, lệ phí.
Đối với khoản chi này, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 43 vào ngày 11/1/2022 thì đến 29/1/2012 (chỉ sau 18 ngày) Bộ Tài chính đã trình Chính phủ Nghị định 15 về giảm thuế. Việc sớm ban hành Nghị định 15 để triển khai thực hiện ngay Nghị quyết của Quốc hội là do chúng ta đã chủ động chuẩn bị từ trước. Hiện nay tuy còn một số điểm vướng mắc liên quan đến ngành hàng, Bộ Tài chính cũng đã trình để sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn.
Phó Thủ tướng cho rằng, chúng ta đã triển khai khoản hỗ trợ này rất nhanh và có tác dụng rất lớn để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã. Đặc biệt, trong bối cảnh lạm phát, giá cả tăng cao thì việc giảm thuế VAT (thuế gián thu) có tác động rất lớn đến giá cả hàng hóa, qua đó giúp chúng ta kiểm soát được chỉ số lạm phát bình quân của 4 tháng đầu năm 2022.
Như vậy, "Chính phủ đã triển khai rất nhanh, rất chủ động và hiệu quả", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Thứ ba, trong gói hỗ trợ chung, chúng ta dành 38,4 nghìn tỷ cho tín dụng chính sách với 5 chương trình giao cho Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện.
Hiện nay, cả 5 chính sách này Chính phủ đã xây dựng xong các quy định, không còn vướng gì cả.
Riêng đối với việc triển khai Nghị định 28 của Chính phủ quy định về chính sách tín dụng, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi (1 trong 5 chương trình tín dụng chính sách) thì đang chờ Thông tư của Ủy ban Dân tộc và hướng dẫn của Bộ Y tế. Khi Ủy ban Dân tộc và Bộ Y tế ban hành văn bản, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng ngay đề án để huy động vốn trái phiếu của Ngân hàng Chính sách mà Chính phủ bảo lãnh.
Phó Thủ tướng cho biết, đối với việc huy động vốn trái phiếu của Ngân hàng chính sách xã hội để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, vừa qua chúng ta cũng làm rất nhanh. Chỉ trong vòng 1 tháng (tháng 4/2022) chúng ta đã huy động được 2600 tỷ để triển khai thực hiện 4 chương trình (còn 1 chương trình đang chờ hoàn thiện văn bản như nêu ở phần trên).
Thứ tư là đầu tư công, có tổng số 176.000 tỷ. Trong khoản này có 40.000 tỷ hỗ trợ lãi suất đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã thông qua ngân hàng thương mại.
Phó Thủ tướng cho biết, việc tổ chức thực hiện khoản 40.000 tỷ đồng này rất khó do thiếu các quy định cụ thể. Chính vì vậy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất sát sao. Sau 6 lần họp với các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện dự thảo Nghị định để trình Chính phủ xem xét sớm thông qua.
Nhân đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Ngân hàng Nhà nước chủ động phối hợp cùng các bộ, ngành triển khai ngay gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng. Việc triển khai phải đảm bảo chặt chẽ, đúng đối tượng thụ hưởng, đúng quy định của pháp luật.
Ngoài khoản 40.000 tỷ đồng này, phần còn lại của đầu tư công là 136.000 tỷ. Trong số này, trừ đi khoản 2000 tỷ để cấp bù lãi suất và phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách thì còn 134.000 tỷ.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc triển khai các dự án đầu tư công phải theo quy định rất chặt chẽ của Luật đầu tư công. Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo cơ quan đầu mối là Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cơ bản đến nay đã có danh mục đầu tư.
Khoản thứ năm là khoản hỗ trợ người lao động thuê nhà trọ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã tham mưu trình, nguồn tiền đã có, sau khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép sử dụng nguồn đầu tư công từ nguồn tăng thu tiết kiệm chi (không phải là huy động trái phiếu Chính phủ) chúng ta sẽ triển khai thực hiện ngay,…
Còn lại khoảng 16.000 tỷ, gồm việc huy động quỹ dịch vụ viễn thông công ích và quỹ phát triển khoa học công nghệ (mỗi quỹ 5.000 tỷ) tham gia vào chương trình phục hồi kinh tế xã hội.
Cuối cùng là khoản giảm, kéo dài, gia hạn thời gian nộp thuế, tổng số các doanh nghiệp thực sự được thụ hưởng khoảng 6.000 tỷ.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong thời gian qua, được sự hỗ trợ của Quốc hội của Trung ương, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã triển khai chương trình rất quyết liệt, hiệu quả. Còn việc triển khai các dự án đầu tư công cụ thể phải thực hiện theo đúng trình tự của Luật Đầu tư công "việc này muốn nhanh cũng được".
Đối với Ngân hàng Chính sách, tổng số tiền triển khai khoảng 38.400 tỷ với 5 chương trình. Hiện nay, chúng ta đã quy định cơ chế chính sách đối với 4 chương trình. Còn lại là chương trình cho vay ưu đãi để phát triển chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Ủy ban Dân tộc và Bộ Y tế sớm ban hành văn bản hướng dẫn, qua đó tiếp tục phát hành trái phiếu Chính phủ, nhanh chóng triển khai thực hiện. Phó Thủ tướng lưu ý trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các bộ ngành, địa phương phản ánh kịp thời để có biện pháp tháo gỡ để chính sách đi vào cuộc sống.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, kết quả này có được là do có sự nỗ lực của cả hệ thống, từ sự chỉ đạo của Trung ương, tới Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả của các bộ ngành, địa phương.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng cũng biểu dương Ngân hàng Chính sách xã hội đã vào cuộc rất chủ động phối hợp với các bộ ngành để triển khai Nghị quyết 11 hiệu quả. "Ngay khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 11, cùng ngày Ngân hàng Chính sách xã hội đã ban hành kế hoạch 933 và tổ chức hội nghị triển khai thực hiện. Tôi đánh giá rất cao, rất ấn tượng với sự chủ động của các đồng chí".
Chính nhờ sự vào cuộc quyết liệt, tới nay sau 3 tháng, vừa làm vừa giải ngân, vừa làm vừa bố trí vốn, dù rất áp lực về mặt thời gian nhưng đến hôm nay Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân 4 chương trình tổng số 2319 tỷ đồng cho vay ưu đãi hỗ trợ việc làm, học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn mua máy tính và thiết bị học trực tuyến, cho vay mua nhà ở xã hội, hỗ trợ cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập…
"Đây là con số rất mừng, rất có nghĩa. Các đồng chí đã rất cố gắng, linh hoạt, sáng tạo mới có kết quả như vậy", Phó Thủ tướng bày tỏ.
Về các giải pháp giải ngân trong thời gian tới, bày tỏ đồng tình với báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, ý kiến của các bộ ngành, địa phương, Phó Thủ tướng nhấn mạnh 2 việc.
Thứ nhất, Ủy ban Dân tộc và Bộ Y tế sớm có hướng dẫn ưu đãi đối với cái chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Bộ Tài chính là phải nhanh chóng tiếp thu sau khi xin ý kiến thành viên Chính phủ về Nghị định hướng dẫn hỗ trợ lãi suất đối với những khoản vay trên 6%.
Thứ hai, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng chính sách triển khai chương trình phát hành trái phiếu Chính phủ hiệu quả. Các địa phương quan tâm ủy thác vốn cho Ngân hàng Chính sách để triển khai các chương trình hỗ trợ người dân.
Phó Thủ tướng lưu ý Ngân hàng Chính sách xã hội phải triển khai cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi kịp thời đúng đối tượng, đảm bảo công khai, minh bạch, tránh sơ suất, trục lợi chính sách.
Đồng thời, Phó Thủ tướng đề nghị là cấp ủy và chính quyền địa phương đã phối hợp chặt chẽ rồi thì tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng chính sách xã hội trong triển khai các chính sách an sinh.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Đoàn đại biểu quốc hội các tỉnh, thành phố, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội đảm bảo việc thực thi chính sách đi vào cuộc sống, đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Các cơ quan truyền thông, chính quyền các địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng đặc biệt là các chính sách cho vay ưu đãi đến các cấp, các ngành và nhân dân biết và thực hiện, giám sát.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là chương trình hết sức quan trọng, có ý nghĩa, với sự quan tâm và trách nhiệm cao của các bộ ngành, địa phương và kinh nghiệm của Ngân hàng Chính sách xã hội, chắc chắn chúng ta sẽ thực hiện tốt mục tiêu như kỳ vọng của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã đề ra.
Trần Mạnh