Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hải quan phối hợp với các lực lượng chức năng triệt phá nhiều đường dây vận chuyển ma túy |
Ngày 4/12, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 105/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy; áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác phối hợp phòng, chống tội phạm về ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.
Nghị định gồm 6 chương 59 điều, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy về công tác phối hợp của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy và quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy được quy định tại khoản 5 Điều 11, khoản 2 Điều 13, khoản 2 Điều 14, Điều 16, khoản 3 Điều 17, Điều 18, Điều 19, khoản 6 Điều 23 của Luật Phòng, chống ma túy số 73/2021/QH14 ngày 30 tháng 3 năm 2021.
Nghị định quy định cụ thể về hệ thống các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc các lực lượng Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quan.
Cụ thể, cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân bao gồm: Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an; Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (hoặc Đội có chức năng điều tra tội phạm về ma túy) Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng bao gồm: Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm; Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng; Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm (Ban Phòng, chống ma túy và tội phạm), Đội Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh, thành phố; Đội Phòng, chống ma túy và tội phạm thuộc các Đồn Biên phòng (Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng); Hải đoàn Biên phòng.
Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Cảnh sát biển bao gồm: Cục Nghiệp vụ và pháp luật, các Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ Quốc phòng; Phòng Phòng, chống tội phạm ma túy thuộc các Vùng Cảnh sát biển.
Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy thuộc Hải quan bao gồm: Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính; Đội Kiểm soát phòng, chống ma túy (hoặc Đội Kiểm soát Hải quan) trực thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố; Tổ Kiểm soát ma túy thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu.
Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan có trách nhiệm thông báo, chia sẻ kịp thời các thông tin, tài liệu về hoạt động của tội phạm ma túy có liên quan đến khu vực, địa bàn do lực lượng khác chủ trì để phối hợp giải quyết.
Bên cạnh đó, Nghị định quy định các lĩnh vực phối hợp giữa các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, bao gồm: tham mưu, chỉ đạo; tuyên truyền, vận động nhân dân; trao đổi thông tin; thực hiện các biện pháp nghiệp vụ; đấu tranh chuyên án và điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc cụ thể...
Trong đó, hình thức phối hợp của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy là trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu, tình hình liên quan đến nội dung phối hợp thông qua hình thức như: làm việc trực tiếp, các phương tiện thông tin và trao đổi văn bản...; triển khai các kế hoạch tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống ma túy; tuần tra kiểm soát liên ngành; xây dựng và triển khai các kế hoạch nghiệp vụ, xác lập chuyên án chung phối hợp đấu tranh với tội phạm về ma túy trên các tuyến, địa bàn trọng điểm...
Nghị định cũng quy định về trường hợp phối hợp xác lập, đấu tranh chuyên án giữa các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, cụ thể là: Đối với các chuyên án ma túy do cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan xác lập đấu tranh có đối tượng liên quan đến địa bàn nội địa thì cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân chủ động phối hợp, thực hiện theo yêu cầu và tiếp nhận kịp thời hồ sơ, vật chứng liên quan để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với các chuyên án ma túy do cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân xác lập đấu tranh, nếu có đối tượng liên quan đến khu vực biên giới, cửa khẩu và trên biển thì cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quan phối hợp, thực hiện theo yêu cầu.
Đối với những chuyên án ma túy phức tạp, đối tượng có liên quan đến nhiều địa phương, hoạt động xuyên quốc gia, có tính quốc tế thì các cơ quan phối hợp thành lập Ban chuyên án chung để đấu tranh, khám phá. Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc lực lượng nào phát hiện thì đồng chủ trì với cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân, các cơ quan còn lại phối hợp tham gia. Thẩm quyền phê duyệt thành lập Ban chuyên án chung là cấp trên một cấp của đơn vị xác lập chuyên án. Thành phần Ban Chỉ đạo chuyên án gồm: lực lượng Công an là Trưởng ban chỉ đạo; lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan là thành viên. Ban Chỉ đạo chuyên án là cấp trên một cấp của Ban chuyên án.
Trường hợp cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan tại địa bàn, khu vực quản lý của mình, nếu phát hiện thông tin, tài liệu có căn cứ xác lập chuyên án thì chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy khác xác lập chuyên án để đấu tranh.
Hoàng Giang