Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Vụ cháy tại khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội |
"Cháy kinh hoàng tại khu công nghiệp Quang Minh"; "Lửa tắt, nhà máy thành tro"; "Nhà kho cháy kinh hoàng trong đêm, nhiều người hoảng loạn"; "Lại một quán karaoke ở Hà Nội cháy dữ dội": "Hà Nội: Xe khách 45 chỗ bốc cháy ngùn ngụt ở đường trên cao"... là những tiêu đề liên tục xuất hiện trên mặt báo những ngày gần đây.
Chỉ tính trong 11 tháng qua, cả nước xảy ra 1.926 vụ cháy. Giặc lửa cướp đi sinh mạng 83 người. Cùng với đó là khoảng 992,5 tỷ đồng và 1.108 ha rừng bị thiêu rụi theo làn khói trắng. Nếu so với cùng kỳ năm 2013, cả về số vụ cháy, thiệt hại về tài sản, số người bị thương đều giảm. Tuy nhiên, số người chết lại tăng tới 38,3% (tăng 23 người) và tình hình còn có nhiều diễn biến phức tạp.
Cho tới thời điểm này là những ngày cuối cùng của năm 2014, dù chưa có thống kê cụ thể và đầy đủ toàn bộ số vụ cháy nhưng không quá khó để nhìn nhận và đánh giá rằng, năm nay là năm khủng khiếp của các vụ cháy nhà dân với thiệt hại rất nặng nề về người, thậm chí có những vụ chỉ là cháy nhỏ nhưng thiệt hại về người lại rất lớn.
Mới đây nhất, rạng sáng ngày 29/12, tại số nhà 14 ngõ 136 đường Nguyễn Đức Cảnh (phường Cát Dài, quận Lê Chân, TP Hải Phòng) xảy ra vụ cháy nghiêm trọng, làm 6 người gồm 3 thế hệ trong một gia đình thiệt mạng (gia đình làm nghề may).
Vụ việc đã khiến lãnh đạo TP Hải Phòng thốt lên: Đây là một sự việc rất đau lòng và vô cùng đáng tiếc, một tai nạn cháy nổ rất nghiêm trọng. Mặc dù thành phố triển khai nhanh chóng mọi biện pháp cứu nạn, nhưng điều đau xót nhất là không cứu được ai cả.
Nguyên nhân vụ việc đau xót này theo lực lượng Cảnh sát PCCC TP Hải Phòng xác nhận là do cháy mô tơ điện của máy may, cháy lên sàn gỗ làm sàn gỗ đổ sập xuống, kèm theo trong nhà có nhiều vải làm lửa lan nhanh chóng.
Trao đổi với PV Báo điện tử Chính phủ, Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an cho biết, nguyên nhân gây cháy chủ yếu vẫn là do sơ suất trong sử dụng lửa và sự cố hệ thống điện, thiết bị điện (chiếm tới 54,8%). Bên cạnh đó, do người dân thường sử dụng nhà ống, nhà hầm để làm nơi buôn bán, chứa nhiều hàng hóa, nguyên vật liệu dễ cháy, nhưng lại thiếu kỹ năng về PCCC và thoát nạn khi có cháy xảy ra... nên dẫn tới thiệt hại về người và tài sản.
Mặt khác, cháy lớn cũng thường xảy ra tại các địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, tại các cơ sở sản xuất hàng hóa dễ cháy, nổ như: Giấy, bao bì, sản phẩm nhựa, xốp và sản xuất bông, sợi, vải... Hầu hết các vụ cháy lớn xảy ra vào thời điểm ban đêm hoặc ngoài giờ làm việc.
Kiểm lại các vụ cháy lớn cho thấy nguyên nhân chính vẫn là do cơ sở phát hiện và báo cháy không kịp thời. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất này đều chưa quan tâm đầu tư đúng mức cho công tác PCCC. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn tự ý thay đổi công năng sử dụng của công trình mà không có giải pháp đảm bảo các quy định về an toàn PCCC phù hợp.
Theo Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh nhiều người dân, doanh nghiệp còn lơ là, chủ quan, không coi trọng việc PCCC. Ảnh VGP/Quang Hiếu |
Lẽ đời không ai thương mình bằng tự mình thương lấy mình, có của phải tự biết giữ… Nhưng dường như nguyên lý này chưa được người dân, doanh nghiệp áp dụng vào công tác PCCC để bảo vệ tính mạng và tài sản của chính mình. Thực tế cho thấy nhiều người dân còn lơ là, chủ quan, không coi trọng việc PCCC. Đáng buồn hơn, một bộ phận không nhỏ người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa thực hiện đúng trách nhiệm PCCC theo quy định của pháp luật. Đa số doanh nghiệp chỉ lo sản xuất kinh doanh để tăng lợi nhuận mà không có những biện pháp cần thiết để bảo vệ tài sản, tính mạng, mặc nhiên coi việc PCCC là của lực lượng Công an, lực lượng Cảnh sát PCCC…
Chính vì thế, ở nhiều cơ sở, địa phương... việc xây dựng, duy trì lực lượng PCCC tại chỗ và trang bị phương tiện cho lực lượng này còn mang tính chiếu lệ, đối phó. Cùng với việc không có cơ chế hoạt động rõ ràng nên chất lượng hoạt động của lực lượng PCCC tại chỗ rất yếu kém. Thực tế, nhiều vụ cháy xảy ra là do không được lực lượng PCCC tại chỗ phát hiện và tổ chức cứu chữa kịp thời đã phát triển thành cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng.
Về phía lực lượng Cảnh sát PCCC, Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh cho biết, mạng lưới đội Cảnh sát PCCC trên cả nước còn quá mỏng, bán kính hoạt động rộng. Hiện cả nước mới có khoảng 200 đội Cảnh sát chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; 42/63 địa phương (66,7%) chỉ có từ 1-2 đội Cảnh sát chữa cháy. Trong khi đó, theo quy định, một đội Cảnh sát PCCC chuyên nghiệp hoạt động hiệu quả trong phạm vi bán kính 5km. Thực tế, nhiều đám cháy xảy ra cách đội Cảnh sát chữa cháy hàng chục, thậm chí hàng trăm km. Nước xa khó dập được lửa gần, khi lực lượng Cảnh sát chữa cháy tới nơi, đám cháy đã phát triển lớn, gây rất nhiều khó khăn cho công tác cứu chữa, làm thiệt hại lớn đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Theo quy luật, KTXH phát triển thì tình hình cháy, nổ còn có những diễn biến phức tạp, nhiệm vụ PCCC và CNCH của lực lượng Cảnh sát PCCC càng nặng nề. Trong khi đó, lực lượng, phương tiện chữa cháy còn nhiều khó khăn, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đề ra. Để thực hiện tốt công tác PCCC trong thời gian tới, Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh cho rằng, phải có sự quan tâm phối hợp, hỗ trợ thường xuyên hơn nữa của các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, tăng cường kiểm tra an toàn về PCCC. |
Về phía Cục PCCC&CNCH, song song với việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, Cục sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm PCCC của người dân, cũng như nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị, cơ sở đối với công tác PCCC…
Bên cạnh việc tăng cường công tác nắm tình hình, điều tra cơ bản; chủ động dự báo tình hình cháy, nổ và xây dựng nhiệm vụ, giải pháp chiến lược về PCCC cho các ngành, các lĩnh vực kinh tế… Cục sẽ tiếp tục tập trung tổ chức triển khai có hiệu quả Quyết định số 1110/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030" và Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg quy định về công tác CNCH của lực lượng PCCC nhằm sớm bổ sung cơ bản quân số, trang thiết bị phương tiện, từng bước hoàn thiện mô hình tổ chức của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH.
Về phía các địa phương, Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh yêu cầu lực lượng Cảnh sát PCCC phải tích cực tham mưu đề xuất UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cấp, các ngành củng cố kiện toàn Ban chỉ đạo PCCC các cấp. Đồng thời, xây dựng và triển khai kế hoạch giải quyết dứt điểm những thiếu sót, tồn tại có nguy cơ gây cháy, cháy lớn tại các cơ sở trọng điểm về cháy nổ.
Đặc biệt là thời gian từ nay đến cuối năm 2014 (mùa hanh khô) và dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi, dịp Lễ hội Xuân, lực lượng PCCC địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra an toàn về PCCC đối với chợ, trung tâm thương mại; khu dân cư tập trung nhiều nhà dễ cháy, khu chung cư cao tầng; cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng dễ cháy, nổ; các cơ sản xuất nằm xen trong các khu dân cư, trong các trong khu công nghiệp… kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định an toàn PCCC; phấn đấu không để xảy ra cháy, nổ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Bình Minh