Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Chúng ta không thể tự hài lòng với những kết quả đã đạt được. Để xóa bỏ đại dịch AIDS, chúng ta phải tiếp tục nỗ lực và phải cùng nhau nỗ lực hơn nữa”. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Một trong những mục tiêu quan trọng của hội nghị lần này là thông qua tuyên bố chính trị mới của Liên Hợp Quốc nhằm dồn tổng lực cho phòng, chống AIDS trong 5 năm tới để đạt được “Mục tiêu 90-90-90” vào năm 2020 (có nghĩa là 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân; 90% số người nhiễm HIV được điều trị ARV và 90% số người được điều trị ARV duy trì tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế). Từ đó, tiến tới thanh toán đại dịch này vào năm 2030.
Thế giới cần gấp rút hành động
Trong bài phát biểu của mình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại không khí quyết tâm của Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ nhất về HIV/AIDS tại Paris (Pháp) năm 1994 mà ông từng tham dự và cả “những ánh mắt lo lắng, có nét hoang mang của không ít đại biểu trước thực trạng lây nhiễm nhanh của HIV/AIDS mà không có phương thuốc hữu hiệu, nhiều người chết, có quá ít hy vọng”.
Tình trạng kỳ thị, xa lánh, không chăm sóc giúp đỡ người nhiễm HIV cùng quan niệm gán họ với những tệ nạn xã hội trong thời kỳ đầu của đại dịch HIV/AIDS đã gây hoảng loạn và làm phân hóa sâu sắc trong xã hội ở không ít quốc gia.
Sau hơn 20 năm, tình hình phòng, chống HIV/AIDS đã có nhiều khả quan khi ngày càng nhiều người bị nhiễm HIV được điều trị để có thể chung sống với virus. Đặc biệt là sự phân biệt, kỳ thị người bị nhiễm HIV giảm rất nhiều.
Tuy nhiên, những con số thống kê tại hội nghị cho thấy vẫn còn rất nhiều việc phải làm trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS khi năm vừa qua vẫn có thêm hơn 2 triệu người bị nhiễm HIV, hơn 70% số đó là phụ nữ và vẫn còn 22 triệu người bị nhiễm HIV mà chưa được điều trị ARV.
Trong bản báo cáo “Dồn tổng lực để kết thúc dịch AIDS”, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cảnh báo dịch AIDS có thể kéo dài vô thời hạn nếu thế giới không gấp rút hành động trong 5 năm tới.
Điểm lại những bước tiến đã đạt được, đặc biệt là từ khi có Tuyên bố chính trị năm 2011 của Liên Hợp Quốc về HIV và AIDS, ông Ban Ki-moon cho rằng việc nhanh chóng mở rộng điều trị là yếu tố chính đóng góp vào việc giảm tới 42% số người tử vong do AIDS kể từ đỉnh cao của dịch vào năm 2004. Đến năm 2015 đã có hơn 17 triệu người điều trị ARV, tăng gấp đôi so với năm 2010. Việc mở rộng điều trị cũng đã giúp tăng mạnh tuổi thọ trung bình ở các nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi HIV trong những năm gần đây.
Sự tham gia tích cực của cộng đồng người nhiễm HIV vào các hoạt động phòng, chống AIDS đã thúc đẩy việc xóa bỏ nhiều rào cản trong việc mở rộng đáp ứng với AIDS, đưa dịch vụ vươn tới những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV, giúp người nhiễm HIV tuân thủ điều trị và củng cố các dịch vụ y tế thiết yếu khác.
Ước tính trong năm 2014 đã có 19,2 tỷ USD được huy động cho phòng, chống AIDS ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Đến năm 2020, nguồn lực cần cho hoạt động này có thể tăng lên mức 26,2 tỷ USD để có thể thực hiện mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc kêu gọi các quốc gia cần đẩy nhanh áp dụng cách tiếp cận dồn tổng lực mà UNAIDS đề xuất, để có thể kết thúc dịch AIDS, đồng nghĩa với việc cần phải đạt được một loạt các kết quả to lớn vào năm 2020, bao gồm giảm số người nhiễm HIV mới và số người tử vong do AIDS xuống dưới 500.000 người/năm và xóa bỏ phân biệt đối xử liên quan đến HIV thông qua việc thực hiện mục tiêu 90-90-90. Nhờ đó, trong giai đoạn 2016-2030, thế giới có thể ngăn chặn được 17,6 triệu ca nhiễm HIV mới và 11 triệu ca tử vong do AIDS.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và chị Lù Thị Thanh (một phụ nữ người Điện Biên bị nhiễm HIV) tại diễn đàn Liên Hợp Quốc. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Không ai bị bỏ phía sau cuộc chiến chống dịch HIV/AIDS
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định phòng, chống AIDS là nhiệm vụ ưu tiên của Chính phủ Việt Nam. Với sự hợp tác của các tổ chức quốc tế và cộng đồng các nhà tài trợ, đại dịch ở Việt Nam đã cơ bản được khống chế. Người nhiễm HIV không bị kỳ thị, xa lánh và được coi là người bệnh cần được chữa trị, chăm sóc, giúp đỡ.
Mặc dù đại dịch đã cơ bản được kiểm soát nhưng Việt Nam vẫn không ngừng tăng nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương cam kết hưởng ứng mục tiêu 90-90-90 của Liên Hợp Quốc.
Theo Phó Thủ tướng, thế giới đang đứng trước nhiều mối quan tâm từ biến đổi khí hậu tới di dân, xung đột… nhưng HIV/AIDS vẫn còn hiện hữu. Nếu nguồn tài trợ quốc tế bị cắt giảm, nhiều quốc gia đang phát triển sẽ bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống lại đại dịch này và HIV/AIDS rất có thể tái bùng phát, trở lại thành mối đe dọa toàn cầu.
“Chúng ta không thể tự hài lòng với những kết quả đã đạt được. Để xóa bỏ đại dịch, chúng ta phải tiếp tục nỗ lực và phải cùng nhau nỗ lực hơn nữa”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng đây không chỉ là tiếng nói của Chính phủ Việt Nam mà còn là tiếng nói của những người vốn không có điều kiện lên tiếng ở những diễn đàn quan trọng như hội nghị này.
Đó là câu chuyện của chị Lù Thị Thanh, một phụ nữ bị nhiễm HIV ở Điện Biên, có mặt trong đoàn đại biểu Việt Nam dự hội nghị.
Sống trong một bản nghèo ở vùng núi, chị và chồng đang được điều trị ARV và có thể đi làm. Ngay sau khi biết tin mình bị nhiễm HIV/AIDS, chị đã thủ động tìm hiểu về căn bệnh để vượt qua được sự kỳ thị của xã hội, của gia đình, cộng đồng và của chính bản thân mình. Cùng với đó, sự hỗ trợ động viên, chia sẻ của chính quyền địa phương, cộng đồng, các tổ chức quốc tế đã giúp chị nhận thức đúng về căn bệnh của mình từ đó vươn lên sống có ích cho những người cùng hoàn cảnh và giúp ích cho xã hội. Điều kỳ diệu là vợ chồng Thanh đã sinh được một bé gái kháu khỉnh và khỏe mạnh, không bị nhiễm HIV.
Trong giây phút được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mời phát biểu tại hội nghị, chị Thanh xúc động: "Xin cảm ơn. Xin cảm ơn rất nhiều vì đã mang lại cho tôi cuộc sống, hy vọng và cả tương lai. Xin đừng quên chúng tôi. Xin cảm ơn!".
Lời chia sẻ của chị Lù Thị thanh cho thấy nếu không có sự trợ giúp, rất có thể chị đã không thể có mặt và cất tiếng nói tại hội nghị của Liên Hợp Quốc. Và không chỉ riêng chị Thanh, nhiều người khác, nhiều phụ nữ và trẻ em có thể bị lây nhiễm HIV, không thể đi học, không thể làm việc, không thể có một mái ấm, thậm chí không thể sống.
Tiếp nối tràng vỗ tay dài của các đại biểu tham dự hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định không thể cắt giảm sự trợ giúp dành cho những người nhiễm HIV/AIDS.
Phó Thủ tướng kêu gọi các quốc gia, tổ chức quốc tế, những nhà tài trợ: “Bằng cả tấm lòng, hãy đáp lại lời kêu cầu của những người vốn yếu thế, dễ bị ảnh hưởng bằng cam kết hành động để chấm dứt đại dịch AIDS. Hãy chung tay thực hiện Mục tiêu 90-90-90 bằng sự cam kết 100-100-100 và hơn thế nữa!
Đoàn Việt Nam dự hội nghị. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Tại hội nghị, đoàn đại biểu Việt Nam đã tham dự nhiều phiên thảo luận xoay quanh các giải pháp huy động các nguồn lực nhằm kết thúc dịch AIDS vào năm 2030 như: Nguồn tài chính, chống kỳ thị, mở rộng các phương thức điều trị, can thiệp dự phòng… Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao những nỗ lực, kinh nghiệm của Việt Nam đối với hoạt động phòng chống AIDS, không chỉ phát hiện, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS mà còn giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm từ mẹ sang con (hiện ở mức 3%), hay có số người nghiện ma túy sử dụng thuốc thay thế bằng Methadone cao thứ hai trong khu vực. Theo ông Long, để kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030, vấn đề quan trọng là không một người dân nào bị bỏ lại phía sau. Mỗi con người, mỗi quốc gia đều phải được chú trọng, quan tâm, sát cánh bên nhau, cùng đưa ra những cam kết chính trị mạnh mẽ và nêu cao tinh thần đoàn kết quốc tế sẽ là những minh chứng về thành công của công cuộc phòng, chống HIV/AIDS. |
Đình Nam