Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Phòng khám gia đình sẽ sàng lọc, khám bệnh, chữa bệnh và chuyển người bệnh đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác theo quy định về chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh và tiếp nhận người bệnh để tiếp tục quản lý.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong hệ thống khám bệnh, chữa bệnh để bảo đảm hoạt động chăm sóc ban đầu cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng; liên hệ để chuyển người bệnh thuộc phạm vi quản lý sức khỏe của phòng khám bác sĩ gia đình đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp để khám bệnh, chữa bệnh.
Theo Đề án xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình giai đoạn 2013-2020 của Bộ Y tế, giai đoạn 2013-2020, mô hình phòng khám bác sĩ gia đình sẽ áp dụng tại 8 địa phương gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Thái Nguyên, Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa và Tiền Giang. |
Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với phòng khám bác sĩ gia đình được Bộ Y tế đề xuất như sau:
Đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế: Áp dụng theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế. Người có thẻ bảo hiểm y tế sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo mức quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, phần chênh lệch giữa chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu và mức thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế do người bệnh tự thanh toán cho phòng khám.
Đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không có bảo hiểm y tế: Phòng khám bác sĩ gia đình của Nhà nước sẽ áp dụng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân được quyền quyết định và phải niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Bác sĩ gia đình là người được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành y học gia đình. Bác sĩ gia đình có nhiệm vụ quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục, lồng ghép và phối hợp cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng; khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng; tư vấn sức khỏe, phòng bệnh, phòng chống các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe nhằm nâng cao năng lực của cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng trong việc tự bảo vệ và nâng cao sức khoẻ và các nhiệm vụ khác phù hợp với phạm vi hành nghề được ghi trong chứng chỉ hành nghề. Phòng khám bác sĩ gia đình có thể là phòng khám tư nhân độc lập do cá nhân bác sĩ gia đình thành lập và đăng ký hoạt động; có thể thuộc phòng khám đa khoa tư nhân. Ngoài ra, cũng có mô hình phòng khám bác sĩ gia đình thuộc khoa khám bệnh của bệnh viện đa khoa; hay trạm y tế xã cũng có thể lồng ghép, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của phòng khám bác sĩ gia đình nếu đảm bảo những điều kiện nhất định. |
Bộ Y tế đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên website của Bộ.
Thanh Hoài