Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân khẳng định vai trò lịch sử của Không liên kết là ngọn cờ đầu trong việc đề cao luật pháp quốc tế, củng cố chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy giải trừ quân bị, giảm bất bình đẳng trong các thể chế kinh tế, tài chính và đóng góp quan trọng vào việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, đồng thời bày tỏ tin tưởng với 120 quốc gia thành viên, đại diện cho gần 60% dân số thế giới và chiếm khoảng 20% GDP toàn cầu, Phong trào sẽ tiếp tục là tiếng nói dẫn dắt, thúc đẩy đoàn kết trong một thế giới đang chia rẽ.
Để tiếp tục phát huy vai trò của Phong trào, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh các nước thành viên cần chung tiếng nói nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu, phản đối các hành động đi ngược với những nguyên tắc hoà bình, độc lập.
Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh Phong trào cần thể hiện tinh thần đoàn kết với nhân dân Palestine và kêu gọi dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, cấm vấn đơn phương chống lại Cuba và các nước thành viên khác. Bên cạnh đó, trên tinh thần đoàn kết trong đa dạng, Phó Chủ tịch nước đề nghị Không liên kết tôn trọng quan điểm, bảo vệ lợi ích của các quốc gia thành viên; kêu gọi Phong trào tiếp tục tôn trọng và ủng hộ các nỗ lực của ASEAN vì mục tiêu bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định tại Biển Đông và khu vực Đông Nam Á, thúc đẩy giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển (UNCLOS) năm 1982.
Đồng thời, để phát huy tối đa tiềm năng hợp tác của Phong trào, Phó Chủ tịch nước cho rằng các nước thành viên cần tận dụng tốt hơn các kênh kết nối nhằm nâng cao độc lập, tự chủ về kinh tế, tăng cường hợp tác vì phát triển.
Để hiện thực hoá các giá trị và nguyện vọng chung của Không liên kết về hội nhập, hoà bình, thịnh vượng trên phạm vi toàn cầu, Phó Chủ tịch nước chia sẻ Việt Nam đã cùng các quốc gia trong khu vực xây dựng Cộng đồng ASEAN ngày một vững mạnh, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và trong các liên kết khu vực khác.
Về phần mình, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm cùng các nước thành viên Không liên kết giải quyết các tác động của đại dịch COVID-19, các cuộc khủng hoảng nhân đạo, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực. Phó Chủ tịch nước khẳng định cam kết của Việt Nam tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp chung của Phong trào và của các quốc gia đang phát triển vì sự tiến bộ của nhân loại, vì hòa bình, ấm no, hạnh phúc.
Trong 02 ngày làm việc của Hội nghị Cấp cao Không liên kết, các Lãnh đạo cũng đã nhất trí thông qua các 03 văn kiện quan trọng, trong đó có Văn kiện Cuối cùng của Phong trào Không liên kết thể hiện toàn diện quan điểm của Phong trào đối với các vấn đề quốc tế và khu vực; Tuyên bố Kampala để khẳng định lại các nguyên tắc và giá trị của Phong trào và Tuyên bố về Palestine nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết với nhân dân Palestine.
Tại Hội nghị lần này, các nước thành viên Không liên kết cũng đã thống nhất kết nạp Nam Sudan vào Phong trào Không liên kết và là lần đầu tiên sau 30 năm Phong trào kết nạp một thành viên mới
Việt Nam được tín nhiệm bầu vào vị trí Phó Chủ tịch của Uỷ ban Điều hành Hội nghị Cấp cao lần thứ 19 của Phong trào Không liên kết
Ngày 19/1, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao lần thứ 19 Phong trào Không liên kết tại thủ đô Kampala, Uganda. Tham dự Hội nghị có hơn 100 Nguyên thủ, Lãnh đạo cấp cao và Bộ trưởng các quốc gia thành viên, cùng nhiều Lãnh đạo các nước quan sát viên và tổ chức quốc tế, khu vực.
Tại Hội nghị lần này, Việt Nam được tín nhiệm bầu vào vị trí Phó Chủ tịch của Uỷ ban Điều hành Hội nghị Cấp cao lần thứ 19 của Phong trào Không liên kết, đại diện cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Hội nghị Cấp cao Không liên kết lần thứ 19 chứng kiến sự chuyển giao vai trò Chủ tịch từ Azerbaijan sang Uganda trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp. Các cuộc khủng hoảng về khí hậu, nhân đạo, kinh tế, tài chính, cạnh tranh địa chính trị và căng thẳng giữa các cường quốc đang đe doạ đến hoà bình, an ninh và phát triển của các nước thành viên Không liên kết.
Phát biểu khai mạc, Tổng thống Uganda, Yoweri Kaguta Museveni khẳng định Hội nghị Cấp cao lần thứ 19 có chủ đề "Đưa hợp tác đi vào chiều sâu vì sự thịnh vượng toàn cầu", là cơ hội để các nước thành viên Không liên kết thống nhất hành động, vượt qua những khác biệt, củng cố đoàn kết nội khối, nhằm tái định vị và phát huy hơn nữa tiếng nói của Phong trào trong một thế giới đầy bất ổn ngày nay.
Tổng thống Uganda cũng nhắc lại lịch sử đấu tranh kiêu hùng của Phong trào, không chịu khuất phục của các dân tộc vì độc lập, tự do, không liên kết với bất cứ cường quốc hay không tham gia bất kỳ khối, nhóm chính trị, quân sự nào. Để tiếp tục bảo vệ lợi ích và tăng cường tiếng nói của Không liên kết trong việc giải quyết các thách thức đa chiều toàn cầu, các nước thành viên cần cùng nhau bảo vệ những giá trị, nguyên tắc mang tính nền tảng của Phong trào, đó là hoà bình, độc lập, phát triển; tôn trọng bình đẳng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ, không đe doạ hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình.
Tham dự phiên khai mạc, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Dennis Francis đề cao vai trò lịch sử của Phong trào trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa. Ông Dennis Francis cho rằng Phong trào ngày nay cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn trong một một thế giới đầy chia rẽ, đối đầu gay gắt nhất kể từ Chiến tranh Lạnh giữa các nước lớn.
Tuy nhiên Chủ tịch Đại hội đồng khẳng định Không liên kết luôn là một tập hợp lực lượng có tiếng nói mạnh mẽ, không thể thiếu trong việc ủng hộ các nỗ lực nhằm củng cố chủ nghĩa đa phương, đề cao Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, tăng cường hợp tác vì một thế giới hoà bình, ổn định, công bằng và thịnh vượng hơn, lấy người dân làm trung tâm của mọi chính sách.
Hội nghị Cấp cao lần thứ 19 Phong trào Không liên kết sẽ diễn ra trong hai ngày 19 và 20/01/2024 và dự kiến các nhà Lãnh đạo Cấp cao sẽ thảo luận để thông qua nhiều văn kiện quan trọng của Hội nghị.
* Nhân dịp tham dự Hội nghị, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã có một số cuộc tiếp xúc quan trọng với Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Cuba, Phó Chủ tịch nước Cộng hoà Cuba Salvador Valdés Mesa; Phó Tổng thống Cộng hoà Benin Mariam Chabi Talata và Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Dennis Francis.
Tại cuộc gặp với Phó Chủ tịch nước Cuba, trong bầu không khí thắm tình hữu nghị, hai bên vui mừng trước việc quan hệ truyền thống đặc biệt và hợp tác toàn diện anh em Việt Nam-Cuba không ngừng được quan tâm củng cố, thúc đẩy và phát triển sâu rộng, vì lợi ích thiết thực của nhân dân hai nước.
Phó Chủ tịch nước nhiệt liệt chúc mừng Cuba chủ trì thành công Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G77 và Trung Quốc tại Cuba (tháng 9/2023) và tại COP28 ở UAE (tháng 12/2023) vừa qua, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh Cuba trên trường quốc tế, đồng thời trân trọng chuyển lời thăm hỏi tốt đẹp nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đồng chí Lãnh đạo cấp cao tới các đồng chí Lãnh đạo Cuba.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân khẳng định, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Việt Nam không bao giờ quên sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Cuba đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và đổi mới đất nước của Việt Nam, và cho dù thế giới có biến động đến đâu, vẫn luôn coi trọng, gìn giữ và quyết tâm làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ truyền thống đoàn kết và hợp tác toàn diện Việt Nam-Cuba, sát cánh ủng hộ sự nghiệp cách mạng của nhân dân Cuba. Phó Chủ tịch nước khẳng định lại lập trường nhất quán của Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ Cuba, không ủng hộ các biện pháp cấm vận đơn phương của Mỹ đối với với Cuba.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh hai bên cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ để tăng cường quan hệ thương mại, đầu tư, nông nghiệp, đưa quan hệ kinh tế tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước, đúng theo tinh thần chỉ đạo và mong muốn của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước hai bên.
Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Salvador Valdés Mesa chân thành cảm ơn sự hỗ trợ quý báu của Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã luôn là người bạn hết sức tin cậy, luôn ủng hộ và hỗ trợ Cuba vượt qua những khó khăn trong phát triển kinh tế-xã hội do ảnh hưởng của bao vây, cấm vận.
Đồng chí Salvador Valdés Mesa đánh giá quan hệ Cuba-Việt Nam là biểu tượng đoàn kết mẫu mực, được Chủ tịch Fidel Castro, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ Lãnh đạo hai nước dày công vun đắp qua nhiều giai đoạn. Đồng chí bày tỏ vui mừng trong thời gian qua, hai bên tiếp tục triển khai các hoạt động trao đổi đoàn cấp cao, trong đó có chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo (tháng 9/2023), nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Fidel lần đầu thăm Việt Nam và vùng mới giải phóng ở Quảng Trị, Việt Nam (1973-2023).
Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Salvador Valdés Mesa khẳng định sẽ chỉ đạo cho các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Việt Nam để thúc đẩy quan hệ đầu tư, thương mại giữa hai nước và hợp tác nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực.
Nhân dịp này, hai bên khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương lớn như Liên Hợp Quốc, Phong trào Không Liên kết, Nhóm G77 về các vấn đề cùng quan tâm.
Tại cuộc tiếp Phó Tổng thống Benin Mariam Chabi Talata, Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh Việt Nam luôn trân trọng ghi nhớ tình cảm, sự ủng hộ quý báu và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với các nước châu Phi, trong đó có Benin.
Phó Chủ tịch nước đánh giá cao kết quả chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Nông nghiệp, Nghề cá và Gia súc Benin (tháng 12/2023) nhân kỉ niệm 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023), góp phần tạo xung lực tăng cường quan hệ song phương Việt Nam-Benin trong thời gian tới, đáp ứng thiết thực lợi ích của nhân dân hai nước.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đề xuất trên cơ sở nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp, hai bên cần tăng cường các hoạt động trao đổi đoàn, rà soát và triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác, tăng cường trao đổi thương mại, đầu tư, hợp tác nông nghiệp, giao lưu nhân dân. Đồng thời, với vị thế địa chiến lược quan trọng của mình, hai bên cần phấn đấu làm cầu nối hợp tác với ASEAN, Liên minh châu Phi (AU) và Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS).
Phó Tổng thống Benin Mariam Chabi Talata khẳng định những tình cảm tốt đẹp và ấn tượng sâu đậm về đất nước và con người Việt Nam, coi Việt Nam là hình mẫu về đổi mới và phát triển bền vững, nhấn mạnh Lãnh đạo và nhân dân Benin mong muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam, đối tác ưu tiên của Benin tại khu vực Đông Nam Á.
Bà Mariam Chabi Talata cho rằng quan hệ Việt Nam-Benin thời gian qua có những tiến triển tích cực trên một số lĩnh vực quan trọng, song hai bên còn nhiều dư địa để tăng cường hợp tác, nhất là trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, máy móc thiết bị nông nghiệp, đào tạo nghề. Đồng thời, hai bên đã trao đổi về một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Tại cuộc gặp với Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Dennis Francis, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân khẳng định Việt Nam luôn coi trọng chủ nghĩa đa phương và ủng hộ vai trò trung tâm của Liên Hợp Quốc trong hệ thống quản trị toàn cầu, ứng phó với các thách thức chung.
Việt Nam hết sức coi trọng vai trò của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và với tinh thần là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, sẽ đóng góp tích cực vào các ưu tiên lớn của Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, trong đó có củng cố hòa bình thông qua thúc đẩy hợp tác và đoàn kết quốc tế, cải tổ Liên Hợp Quốc, hiện thực hóa các Mục tiêu Phát triển Bền vững, bảo đảm an ninh con người.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho rằng Đại hội đồng cần phát huy vai trò thúc đẩy đối thoại và hợp tác, xây dựng lòng tin, đề cao tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế nhằm giải quyết hoà bình các tranh chấp, xung đột trên thế giới.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh là những ưu tiên quan trọng của Việt Nam nhằm hiện thực hoá mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2045. Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch nước đề nghị các quốc gia và Liên Hợp Quốc tích cực hỗ trợ Việt Nam hoàn thành mục tiêu chiến lược này.
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trân trọng mời ông Dennis Francis (nguyên là Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Trinidad và Tobago tại Liên Hợp Quốc) thăm Việt Nam trong thời gian tới. Phó Chủ tịch nước cũng bày tỏ tin tưởng quan hệ giữa Việt Nam và và Trinidad và Tobago sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa sau khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (tháng 2/2023).
Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Dennis Francis bày tỏ cảm nghĩ tốt đẹp và mong muốn sớm thăm Việt Nam, nhất trí cao với những nhận định, đề xuất của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và cho rằng trong bối cảnh thế giới có nhiều xung đột, khủng hoảng như hiện nay, chủ nghĩa đa phương là phương cách hiệu quả nhất để giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Chủ tịch Đại hội đồng đánh giá cao kết quả hợp tác Việt Nam-Liên Hợp Quốc hơn 45 năm qua và khẳng định từ những trải nghiệm lịch sử và vai trò, vị thế quốc tế quan trọng của mình, Việt Nam hoàn toàn có thể đóng góp tiếng nói thực chất, tiên phong để tham gia xử lý các quan tâm chung của cộng đồng quốc tế.
Chủ tịch Đại hội đồng chia sẻ quan điểm chung của Việt Nam và ASEAN về giải quyết hoà bình các tranh chấp trên Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển 1982 (UNCLOS), đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác tích cực cùng Việt Nam để thúc đẩy tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế và chủ nghĩa đa phương.
BNG