Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Song ông cho rằng, phải có tiêu chí và phải tránh không để số lượng tướng tăng lên so với Luật cũ, cũng như phải khống chế trong tổng số cấp tướng mà lực lượng Công an được phong cho chặt chẽ, phù hợp với Luật hiện hành.
“Còn tại sao phải là Thiếu tướng? Tôi tán thành với dự thảo luật và giải trình của Ban soạn thảo” – Trưởng ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh và lý giải: Đối với Quân đội ở dưới có cấp trung gian là Quân khu, Quân đoàn. Còn Công an thì không. Giám đốc Công an ở một tỉnh, một địa phương phải quản lý quân số đông, tính chất công việc rất phức tạp, đặc biệt là các địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa. Sự khác nhau như vậy nên phong Thiếu tướng với Giám đốc Công an tỉnh mà không phong tướng với Chỉ huy trưởng Quân sự cũng là có lý, hoàn toàn có thể giải thích được”.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng, quy định phong quân hàm trong ngành công an hiện có nhiều bất cập. Ông lấy ví dụ, cùng một chức danh nhưng Giám đốc Công an Hà Nội và TPHCM có quân hàm đến Trung tướng, Phó Giám đốc có quân hàm đến thiếu tướng, trong khi các tỉnh khác chỉ Đại tá.
“Về bộ máy tổ chức, Giám đốc Công an tỉnh tương đương với nhau, tương đương với Cục trưởng, vậy sao có chuyện Giám đốc lại thấp hơn Phó Giám đốc ở nơi khác. Trong khi Phó Giám đốc Công an TPHCM hay Hà Nội có thể được bổ nhiệm làm giám đốc nơi khác”, đại biểu nêu vấn đề.
Ngoài ra, công an tỉnh có đơn vị quản 5000 - 6000 quân, giải quyết 2500 - 3000 án hình sự mỗi năm, công việc rất nặng nề nhưng chỉ cấp tá, nhưng có cục nghiệp vụ chỉ có 80 - 200 quân lại cấp tướng, như vậy là bất hợp lý.
Đại biểu Lê Tấn Tới, Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu cho rằng, nếu Giám đốc công an tỉnh chỉ dừng ở cấp Đại tá, sẽ xảy ra bất cập khi luân chuyển. “Chẳng hạn các Cục trưởng đang hàm tướng, khi luân chuyển thì chỉ có thể về 11 tỉnh đơn vị hành chính cấp 1, được cấp Thiếu tướng. Còn luân chuyển về các địa phương chỉ có hàm Đại tá lại không được, chẳng lẽ lại… “lột cầu vai xuống”.
Để đảm bảo tương xứng giữa công an với quân đội, đại biểu đề nghị sửa Luật Sĩ quan quân đội cho phù hợp.
Không thống nhất sẽ rất khó cho chỉ đạo điều hành
Về việc bố trí cấp bậc hàm Thiếu tướng với Giám đốc Công an một số tỉnh, thành phố, một số đại biểu Quốc hội đề nghị bố trí làm sao để tương quan, tương thích với quân đội, Thượng tướng Lê Quý Vương bày tỏ “Quan điểm của tôi là rất khó. Công an và Quân đội cùng là lực lượng vũ trang nhưng mô hình tổ chức khác nhau”.
Theo Thứ trưởng Lê Quý Vương, lực lượng Công an tới đây chỉ còn có cấp Cục, nhưng Quân đội có Bộ tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, các tổng cục khác nữa… Nếu so sánh về tính chất, bố trí lực lượng thì lực lượng Công an bố trí theo cấp hành chính là chủ yếu và bố trí theo lĩnh vực. Còn Quân đội bố trí lực lượng theo hình thức tác chiến khu vực, nên hình thành các quân khu, quân đoàn.
Cũng về vấn đề này Đại tá Lê Ngọc Hải, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự (BCHQS) tỉnh Quảng Nam cho biết, trước đây, khi thông qua Luật Sĩ quan QĐND thì các tỉnh, đơn vị loại 1 và Bộ Quốc phòng cũng có văn bản là những đơn vị cấp tỉnh loại 1 thì Chỉ huy trưởng BCHQS là Thiếu tướng, nhưng cuối cùng không thực hiện được vì rất khó.
Ông bày tỏ quan điểm, trần quân hàm Đại tá với Giám đốc Công an tỉnh cũng như Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự là vừa, trừ Hà Nội và TPHCM, để đảm bảo nguyên tắc chức năng nhiệm vụ. Còn đồng chí nào hướng phấn đấu tốt, có trình độ năng lực thì lên Cục, lên Thứ trưởng, Bộ trưởng Công an. “Nếu đưa công an tỉnh lên Thiếu tướng thì chắc chắn tôi cũng đề nghị bên Quân đội sửa Luật Sĩ quan QĐND cho ngang bằng với nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ”, ông Hải nêu ý kiến.
Đại tá Hứa Văn Nghĩa, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Trà Vinh cũng đề nghị ban soạn thảo cân nhắc kỹ lưỡng hơn cho hợp với chủ trương của Đảng, nhất là Thông báo 147 của Bộ Chính trị. Bởi Thông báo 147, không quy định địa bàn trọng yếu về lĩnh vực để phong quân hàm cấp tướng và thống nhất cấp hàm giữa công an, quân đội ở cấp tỉnh, huyện là tương đương nhau.
Đại tá Hứa Văn Nghĩa dẫn thêm Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị về xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh trong tình hình mới, quy định trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện có quyền thống nhất chỉ huy điều hành lực lượng vũ trang trên địa bàn. Do đó để quân hàm như trong dự thảo là không phù hợp, gây khó khăn, bất cập trong chỉ đạo điều hành.
Chủ nhiệm Ủy Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho hay, qua nhiều cuộc tiếp xúc thì cử tri có phản ánh việc cân nhắc số lượng tướng, nhất là vị trí phong tướng và người dân quan niệm tướng thì phải cầm quân. “Giờ một số vị trí làm công tác tham mưu, công tác khám chữa bệnh, công tác khoa học, nghệ thuật, kinh tế thì quy định cấp tướng có phù hợp không? Người dân phản ánh thì chúng ta cũng nên có lý giải”, đại biểu nói./.
* Khoản 1, Điều 26 dự thảo Luật CAND (sửa đổi) về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sỹ quan CAND quy định các chức vụ có cấp bậc hàm cấp tướng như sau: a) Đại tướng: Bộ trưởng Bộ Công an; b) Thượng tướng: Thứ trưởng Bộ Công an; c) Trung tướng: Cục trưởng cục đặc biệt và tương đương; Giám đốc Công an TP. Hà Nội, Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh; d) Thiếu tướng: Trợ lý Bộ trưởng Bộ Công an; Cục trưởng và tương đương, trừ quy định tại điểm c khoản này; Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I; chức vụ cấp phó của cấp trưởng quy định tại điểm c khoản này; |