Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bức thư của các giáo viên có đoạn viết:
"Chúng tôi là giáo viên giảng dạy tại xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, là đơn vị giáo dục duy nhất của huyện Lục Nam có lớp ghép. Mặc dù các giáo viên đã có văn bản gửi đến Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Tài chính UBND huyện đề nghị được hưởng chế độ dạy lớp ghép nhưng đến nay đã 2 năm chúng tôi chưa được giải quyết. Vậy chúng tôi có được hưởng chế độ này không?
Xã Trường Sơn đã hoàn thành Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 135), tuy nhiên một số giáo viên chưa công tác đủ thời gian 5 năm. Vậy những giáo viên này còn được hưởng chế độ ưu đãi đủ 5 năm không? Giáo viên tại những thôn bản đặc biệt khó khăn có được hưởng chế độ ưu đãi thu hút không?
Những giáo viên đang trực tiếp giảng dạy tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn có được hưởng chế độ của Nghị định 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ không?".
Giải đáp các thắc mắc này, Bộ Giáo dục và Đào tạo có ý kiến như sau:
Chế độ phụ cấp dạy lớp ghép
Ngày 3/3/2010 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 15/2010/QĐ-TTg về về phụ cấp dạy lớp ghép đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy học sinh tiểu học trong các cơ sở giáo dục công lập
Theo đo, giáo viên trực tiếp giảng dạy học sinh tiểu học trong các cơ sở giáo dục công lập (công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn kể cả vùng không thuộc điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn), thuộc đối tượng quy định tại Điều 1 và Khoản 1, Điều 3 Quyết định số 15/2010/QĐ-TTg thì được hưởng chế độ phụ cấp dạy lớp ghép.
Thời gian tính hưởng phụ cấp dạy lớp ghép kể từ ngày 1/1/2010.
Chế độ phụ cấp thu hút
Theo quy định tại Điều 8 Chương II Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, thì thời gian hưởng phụ cấp thu hút của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục là 5 năm.
Nếu xã Trường Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang đã hoàn thành Chương trình 135 thì giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục không còn được hưởng chế độ phụ cấp thu hút và các loại phụ cấp khác quy định tại Nghị định số 61/2006/NĐ-CP.
Giáo viên đang trực tiếp giảng dạy ở những thôn, bản đang trong danh mục thôn, bản đặc biệt khó khăn (Danh mục vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được quy định tại điểm d Khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2007/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 27/3/2007 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính), đến thời điểm hiện nay, nếu đã được hưởng phụ cấp thu hút đủ 5 năm thì không tiếp tục được hưởng phụ cấp thu hút (vẫn được hưởng phụ cấp ưu đãi). Ngược lại, nếu chưa hưởng đủ phụ cấp thu hút 5 năm thì tiếp tục được hưởng đến đủ 5 năm.
Chỉ được hưởng một mức cao nhất của chính sách cùng loại
Về thực hiện Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ, theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, ngoài việc được hưởng các chính sách quy định tại Nghị định 61/2006/NĐ-CP, còn được hưởng các chính sách quy định tại Nghị định 116/2010/NĐ-CP.
Tuy nhiên, Điều 3 Nghị định 116/2010/NĐ-CP quy định: “Cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang thuộc đối tượng áp dụng chính sách cùng loại quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác thì chỉ được hưởng một mức cao nhất của chính sách đó”.
Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng cảm ơn Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có thông tin phản hồi công dân qua Cổng TTĐT Chính phủ.
Phòng Thông tin phản ánh của tổ chức, công dân
Tin, bài liên quan:
Danh mục vùng đặc biệt khó khăn được hưởng ưu đãi
Chính sách cho viên chức vùng đặc biệt khó khăn
Giáo viên vùng đặc biệt khó khăn chỉ được hưởng một mức ưu đãi cao nhất
Giải đáp về phụ cấp thu hút nhà giáo
Giải đáp về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo
Đối tượng hưởng chính sách vùng đặc biệt khó khăn
Mức phụ cấp ưu đãi với giáo viên vùng sâu, vùng xa