Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chia sẻ trên báo Sức khỏe và Đời sống, TS.BS Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, việc tiêm vaccine COVID-19 là vô cùng cần thiết để phòng bệnh cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Đặc biệt, những trẻ đã khỏi COVID-19, trẻ có tiền sử bệnh tật, dị ứng, bệnh mạn tính... cũng nên được tiêm phòng như người lớn và trẻ lớn, tuy nhiên cần chú ý thận trọng.
- Những trẻ có bệnh lý mạn tính nên được tiêm, song một số trẻ đang có bệnh cấp tính hoặc đợt cấp của bệnh mạn tính đang phải điều trị thì nên trì hoãn tiêm sau và cần tư vấn của nhân viên y tế để được tiến hành tiêm ngay khi có thể.
Những trẻ này khi tiến hành tiêm và sau tiêm nên được theo dõi sát sao tại cơ sở y tế. Phụ huynh cũng cần theo dõi sát sao trẻ trong những ngày đầu sau tiêm, khi có bất kỳ dấu hiệu gì bất thường hoặc biểu hiện bệnh cũ nặng lên cần đến bệnh viện khám và đánh giá ngay.
- Ở những trẻ có tiền sử dị ứng thì cần được tư vấn, đánh giá của nhân viên y tế, đặc biệt là các bác sĩ Nhi khoa để có hướng dẫn cụ thể, đảm bảo quyền lợi được tiêm phòng cho các cháu.
- Những trẻ đã khỏi COVID-19 vẫn nên được tiến hành tiêm chủng, tuy nhiên thời điểm phụ thuộc vào từng cháu cụ thể. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, sau 03 tháng nhiễm COVID-19, trẻ nên được tiêm phòng. Tuy nhiên tùy tình trạng sức khỏe, yếu tố nguy cơ của trẻ có thể tiến hành sớm hơn, cần phải được tư vấn cụ thể của các nhân viên y tế trong những trường hợp cụ thể.
Theo Bác sĩ Nguyễn Thành Nam, trước khi thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, phụ huynh nên theo dõi, phát hiện các dấu hiệu không bình thường của trẻ như: Sốt, các triệu chứng hô hấp (ho, thở nhanh...), đau đầu, nôn... để thông báo cho cán bộ y tế khi thăm khám, đánh giá cho trẻ em trước khi tiêm.
Đặc biệt, những cháu bé có yếu tố nguy cơ tiếp xúc với người nhiễm SARS-CoV-2 và/hoặc kèm theo các triệu chứng hô hấp thì nên theo dõi tiếp tại nhà đề phòng trẻ có nhiễm virus SARS-CoV-2 chưa phát hiện ra, khi đi tiêm phòng có thể lây nhiễm cho trẻ khác.
Trong quá trình tiêm và sau khi tiêm cần theo dõi trẻ tại nơi tiêm. Phụ huynh nên phối hợp với nhân viên y tế, các thầy cô giáo theo dõi tình trạng trẻ, đồng thời động viên trẻ, tránh để trẻ lo lắng, mất bình tĩnh.
Theo dõi toàn trạng trẻ sau tiêm như:
- Thay đổi về tinh thần (kích thích, vật vã, lo lắng...);
- Triệu chứng hô hấp (thở nhanh, khó thở, thở rít...);
- Nổi vân tím;
- Nổi ban ngoài da;
- Vã mồ hôi;
- Chân tay ẩm lạnh,
- Nôn, đau bụng...
Cũng như khi tiến hành tiêm phòng các vaccine khác, việc tiêm vaccine COVID-19 cũng có một số phản ứng được ghi nhận như:
- Tại chỗ: Sưng đau nơi tiêm, ngứa
- Ban ngoài da, phù nề một số cơ quan (môi, mắt...), nổi vân tím
- Khó thở, khò khè
- Đau ngực, đánh trống ngực, ngất...
- Đau đầu, li bì
- Đau bụng, nôn, tiêu chảy
Nặng là các dấu hiệu phản ứng nặng như: suy hô hấp, ngất, co giật, các dấu hiệu suy tuần hoàn (vã mồ hôi, nổi vân tím, tay chân ẩm lạnh, tụt huyết áp...).
Theo Bác sĩ Nguyễn Thành Nam, nhìn chung, khi có các dấu hiệu bất thường ở trẻ sau tiêm vaccine COVID-19 mà phụ huynh nhận ra được thì nên cho trẻ đến kiểm tra ngay tại cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
Tại Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ cho biết đã từng tiếp nhận một số trẻ phản ứng sau tiêm với các loại vaccine khác từ nhẹ (biểu hiện ngoài da), đến nặng (như co giật, suy tuần hoàn, suy hô hấp...) nhưng đều được xử trí kịp thời và chưa có biến chứng nặng nề nào gặp phải.
Ngay trong giai đoạn tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ trên 12 tuổi, các bác sĩ cũng gặp những trường hợp có triệu chứng nổi ban, đau ngực, rối loạn nhịp tim nhưng đều được theo dõi và xử trí ổn định.
Bác sĩ Nguyễn Thành Nam cho biết, thông thường, sau khi tiêm được theo dõi ổn định tại cơ sở tiêm chủng trẻ có thể sinh hoạt, học tập như những ngày thường.
Tuy nhiên các phụ huynh cũng nên hạn chế cho trẻ hoạt động thể lực nhiều trong vòng 3 ngày sau tiêm và theo dõi sát các dấu hiệu bất thường của trẻ khi sinh hoạt.