Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thời gian qua, phụ nữ trên địa bàn TP. Hà Nội đã có nhiều cống hiến, đóng góp cũng như những sáng kiến, sáng tạo để xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, giàu đẹp. Mỗi chị em đều là những bông hoa thơm ngát, tỏa hương và mang một màu sắc riêng, người góp phần bảo đảm an ninh trật tự, trấn áp tội phạm, người không ngừng phát triển, đổi mới tạo bước ngoặt trong lao động, sản xuất…
Là một trong những tấm gương tiêu biểu được Hội LHPN Thành phố Hà Nội tặng Bằng khen "Phụ nữ Thủ đô làm theo lời Bác" giai đoạn 2018 - 2023, Thiếu tá Trần Thị Minh, cán bộ Đội Tham mưu Cảnh sát, Phòng Tham mưu, Công an TP. Hà Nội trong 10 năm qua đã có nhiều đóng góp và đạt thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, đóng góp hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy.
Với niềm yêu nghề, đam mê và cả yêu thích màu áo của ngành nên mặc dù học luật (chị Minh tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội năm 2005, Thạc sĩ Luật năm 2015), chị đã chọn ngành công an để cống hiến, bảo vệ sự bình yên cho nhân dân.
Thiếu tá Trần Thị Minh chia sẻ, với vai trò thực hiện công tác tham mưu nên trong 10 năm qua, chị đã luôn nỗ lực trau dồi, không ngừng học tập, rèn luyện và nghiên cứu để chủ động phân tích, dự báo, phối hợp với các phòng, ban, đơn vị, đồng nghiệp hay địa phương tham mưu với các cấp lãnh đạo các phương án hay các văn bản chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy.
Điển hình như vào năm 2022, chị Minh đã xây dựng Sơ đồ "Quy trình quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy". Đây được xem là một bước ngoặt bởi đối với cấp cơ sở, việc triển khai các quy định mới của pháp luật về công tác lập hồ sơ cai nghiện bắt buộc, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, quản lý người sau cai tại nơi cư trú vẫn còn nhiều lúng túng, hạn chế. Chính vì vậy, việc sơ đồ hóa các quy trình quản lý này đã giúp Công an cấp cơ sở dễ hiểu, nắm bắt một cách khoa học, từ đó thực thi được thuận lợi, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy.
Qua nghiên cứu và triển khai thực tế cho thấy, Sơ đồ này được xây dựng khoa học, tương đối hoàn chỉnh để hướng dẫn Công an xã, phường, thị trấn thực hiện các bước trong việc lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, lập hồ sơ quản lý Người sử dụng trái phép chất ma túy và lập hồ sơ quản lý người bị quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú - những nội dung thực hiện mới theo Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và được hướng dẫn chi tiết thi hành bởi 03 Nghị định của Chính phủ. Từ những hiệu quả này, Sơ đồ đã được Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an biểu dương, khen ngợi và đề nghị nhân rộng toàn quốc.
Ngoài những đóng góp chuyên môn, trong công tác của Hội Phụ nữ và công tác xã hội, Thiếu tá Trần Thị Minh cũng luôn là người hăng hái, năng nổ và tích cực tham gia, hưởng ứng các hoạt động Hội Phụ nữ phòng Tham mưu Công an thành phố Hà Nội trong rất nhiều chương trình thiện nguyện xã hội như: Trực tiếp tham gia hiến máu tại Chương trình "Giọt máu nghĩa tình" do Công an Thành phố tổ chức; tham mưu Ban Chấp hành phụ nữ Phòng Tham mưu Công an Thành phố tổ chức các chương trình: "Uống nước nhớ nguồn" thăm tặng quà thương binh và gia đình liệt sĩ tại Trung tâm nuôi dưỡng người có công, Đồng Mai, Hà Đông, Hà Nội nhân Kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh liệt sĩ; là báo cáo viên trực tiếp tham gia tuyên truyền phòng, chống ma túy trong học trường tại các trường THCS trên địa bàn Thành phố…
Theo chị Minh, được phụng sự, cống hiến, góp phần nhỏ bé vào bảo vệ bình yên cho người dân là một niềm hạnh phúc đối với mỗi người chiến sĩ. Làm tốt công tác chuyên môn đã là một lẽ rất thường tình của mỗi anh, chị em lực lượng vũ trang nhưng đi sâu đi sát, thâm nhập thực sự vào đời sống người dân mới là điều quan trọng hơn cả. Bởi chỉ có đi từ thực tế, sống trong thực tế… mới thấu hiểu, cảm thông và từ đó sẻ chia, gắn bó với họ. Vì vậy, khi có dịp làm công tác thiện nguyện hay các phong trào, hoạt động của Hội Phụ nữ Phòng Tham mưu Công an Thành phố hay các đơn vị, chị Minh đều mong muốn tham gia, đóng góp. Với chị như vậy mới là lẽ sống "vì nước quên thân vì dân phục vụ" của lực lượng vũ trang nhân dân.
Với những kết quả và thành tích đã đạt được, Thiếu tá Trần Thị Minh được tuyên dương tại Lễ kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân; Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội tặng Giấy khen tháng 2 năm 2023 vì thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, giai đoạn 2018 - 2023. Chị được Chủ tịch UBND Thành phố tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống ma túy năm 2022. Ngày 8/6 vừa qua, chị Minh vinh dự là một trong những tấm gương tiêu biểu được Hội LHPN Thành phố Hà Nội tặng Bằng khen "Phụ nữ Thủ đô làm theo lời Bác" giai đoạn 2018 - 2023.
Sáng tạo, đổi mới trong lao động sản xuất
Để có thể trở thành những tấm gương sáng trong phong trào, không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực trong công tác mà còn cần có cái tâm, khát vọng cống hiến, đổi mới sáng tạo của chị em phụ nữ cho xã hội, cộng đồng, cho Thủ đô, cho đất nước. Từng khát vọng, từng nỗ lực ấy chính là nền móng để dựng xây Thủ đô văn minh, hiện đại và ngày càng phát triển.
Chị Cao Thị Thuỷ, Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc HTX sản xuất kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết, huyện Ứng Hoà là tấm gương điển hình cho phụ nữ thời đại mới dám nghĩ dám làm trong lao động, sản xuất khi đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.
Chị Thủy chia sẻ, xuất thân từ một gia đình làm nông nghiệp, bản thân chị là xã viên HTX dịch vụ nông nghiệp thôn Ngọc Động - xã Phương Tú, từ nhỏ chị đã "chân lấm, tay bùn" cùng đồng hành với bà con nông dân. Khi học xong phổ thông chị lập nghiệp tại địa phương, "hàng xay hàng sáo", chuyên thu mua nhỏ lẻ thóc gạo của các hộ dân sau thu hoạch để giúp các hộ dân bao tiêu sản phẩm, cải thiện kinh tế gia đình.
Đứng trước nỗi thực trang bà con bỏ ruộng do mất nhiều công lao động, chi phí quá cao, sâu bệnh, chuột phá hoại dẫn đến thu hoạch lúa năng suất thấp nên người nông dân chán nản bỏ ruộng hoang, lãng phí, chị đã mạnh dạn liên hệ từng địa phương của các huyện, xã, họp các hộ dân để liên kết bằng cách thuê lại các diện tích bỏ hoang hóa trên địa bàn của 5 huyện và 12 thôn để làm sản xuất lớn. Với quyết tâm phải làm nông nghiệp thật sự thông minh, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chị đã tìm hiểu có dòng máy bay nông nghiệp thông minh không người lái của Công ty Agrione và quyết định chuyển đổi từ các loại máy cấy sang máy bay nông nghiệp thông minh, đặt mua 2 chiếc trị giá trên một tỷ đồng.
Từ đó, chị thực hiện gieo trồng cây lúa nước bằng máy bay nông nghiệp thông minh không người lái, thực hiện 3 tác/vụ bằng 1 máy: Sạ giống, rải phân, phun thuốc bảo vệ thực vật. Khi ứng dụng công nghệ máy bay không người lái đã thu được rất nhiều lợi ích khi thời gian lao động cho các khâu sạ giống, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật giảm được tới 80%. Lượng thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng giảm 20-30%. Sản lượng gạo và thóc J02 của HTX được đưa ra thị trường (dù trong hai năm đại dịch) vừa qua vẫn có sự tăng trưởng. Về gạo, năm 2021 và 2022 là 500 tấn và 800 tấn; về thóc, năm 2021 và 2022 là 2.500 tấn và 2.600 tấn. Dự kiến trong các năm tiếp theo, HTX đặt mục tiêu tăng trưởng về sản lượng gạo và thóc là 15%/ năm, mở rộng thêm các dịch vụ như drone cho nông dân trong và ngoài HTX, thu mua và bán rơm rạ.
Đặc biệt, được sự quan tâm của lãnh đạo huyện đã kết nối cho HTX Đoàn Kết được phối hợp với Viện nghiên cứu và phát triển giống cây trồng, xây dựng thành công nhãn hiệu gạo mang tên "Gạo chất lượng Khu Cháy" được công nhận OCOP 4 sao. Hiện nay đã tuyên truyền lan tỏa các mô hình tới 6 huyện như: Ứng Hòa – Thanh Oai – Mỹ Đức – Hà Nam – Quốc Oai – Chương Mỹ. Chị Thủy đã liên kết với nhiều hộ dân của 6 huyện làm Hợp đồng thuê lại số diện tích ruộng bỏ hoang hóa để cải tạo lại thành cánh đồng mẫu lớn. Diện tích chị đang quản lý vụ chiêm xuân năm 2023 lên tới trên 300 ha, đem lại thu nhập cho 2.000 hộ dân. Hàng năm chị trả các hộ số tiền trên 3 tỷ đồng, gieo trồng các cánh đồng mẫu lớn của 6 huyện những giống lúa chất lượng cao sản xuất theo hướng an toàn ViệtGap đủ tiêu chuẩn xuất khẩu và đưa vào các siêu thị. Đặc biệt là giống gạo Nhật (J02), với số lượng trên 5.000 tấn/năm; liên kết bao tiêu với số lượng lớn.
Hiện nay HTX Đoàn Kết đã áp dụng toàn bộ những máy móc tiên tiến như: Máy bay nông nghiệp thông minh, máy sấy thóc khô, máy gặt liên hợp, hệ thống đóng gói tự động, máy cuộn rơm. Nhờ đó không phải đốt rơm dạ, làm ô nhiễm môi trường, tận dụng rơm rạ nuôi trồng nấm rơm, làm thức ăn cho trâu bò, ủ làm phân hữu cơ. Hàng năm chị Thủy tạo việc làm thường xuyên cho 50 chị em phụ nữ trong và ngoài huyện với thu nhập bình quân từ 5- 8 triệu/tháng.
Trong 5 năm qua, hưởng ứng phong trào "Tương thân, tương ái" chị cùng chung tay góp sức hỗ trợ 9 tấn gạo cho phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tới các vùng sâu, vùng xa trong cụ thể như : Miền Trung, Nghệ An, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu. "Tại huyện tôi đã tặng 100 phần quà tới các bà, các chị trên địa bàn huyện Ứng Hòa trị giá 500.000 đồng/1 xuất , trị giá 50 triệu đồng và hỗ trợ tới Hội khuyết tật huyện Ứng Hòa với số tiền 5 triệu đồng.
Với những đóng góp hiệu quả trong lao động sản xuất và nhân dân, năm 2018, chị Thủy được UBND huyện Ứng Hòa tặng danh hiệu Người tốt việc tốt; năm 2020, UBND huyện Ứng Hòa tặng Giấy khen trong công tác vận động ủng hồ đồng bào Miền Trung lũ lụt, UBND xã Phương Tú tặng giấy khen trong phong trào nông dân năm 2020; năm 2022, UBND huyện Ứng Hòa tặng giấy khen đã có thành tích trong sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra Hợp tác xã nhận nhiều Giấy khen UBND huyện Ứng Hòa trong phát triển nông nghiệp, hợp tác xã điển hình tiên tiến.
Đặc biệt, vừa qua, chị Thủy vinh dự là một trong những cá nhân đạt thành tích trong phong trào thi đua yêu nước "Phụ nữ Thủ đô thi đua làm theo lời Bác", nhân kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2023).
Thiện Tâm