Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tạo sinh kế cho người dân vùng cao
Anh Phạm Thanh Hoàng, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm vườn rừng Tây Giang (TP. Đà Nẵng) cho biết, anh bén duyên với vùng đất Tây Giang, một huyện miền núi tỉnh Quảng Nam qua những chuyến từ thiện.
Với nhiệt huyết tuổi trẻ, anh Hoàng cùng nhóm bạn đã đến huyện miền núi Tây Giang và tận thấy những khó khăn, vất vả của người dân vùng cao, từ đó đã vận động, kêu gọi chung tay quyên góp cứu trợ hàng hóa, nhu yếu phẩm; tặng đồng phục, tổ chức các chương trình trung thu; tết thiếu nhi cho các em nhỏ. Xây dựng hệ thống điện thủy luân kết hợp dẫn nước sinh hoạt về cho các thôn bản, trường học…
"Trong những chuyến từ thiện ở các huyện miền núi, chúng tôi thường được đồng bào Cơtu mời các món ngon truyền thống, đặc biệt là đãi món rượu mang hương vị của núi rừng bản địa có tên là Tr’đin (rượu Trời). Đây cũng là một loại dược liệu quý và đang dần khan hiếm do việc khai thác", anh Hoàng cho biết.
Với mong muốn tạo sinh kế cho bà con Cơtu, anh đã lên ý tưởng liên kết với người dân để ươm trồng cây Tr’Đin và mở rộng vùng nguyên liệu với mục đích ban đầu là sản xuất nước đóng lon.
Qua nhiều năm tìm tòi, anh Hoàng cùng cộng sự đã thực hiện dự án "Forest Foods - Đường tự nhiên hữu cơ" để nghiên cứu loại đường tốt cho sức khỏe có chứa hoạt chất polyphenol trị bệnh tiểu đường. Khi sử dụng, siro Tr’Đin không làm tăng lượng đường huyết (có chỉ số GI thấp), có các chất chống ô-xy hóa, vitamin và khoáng chất tăng cường sức đề kháng tương tự giống mật ong tự nhiên.
Ngoài Tây Giang, Quảng Nam, anh Hoàng còn kết nối với bà con đồng bào Cơtu tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng để nghiên cứu, tạo sản phẩm "Mật đường Tà Vạt" từ cây Tà Vạt (dừa núi, cây đoát), loại cây bản địa mọc nhiều tại các cánh rừng trên địa bàn.
Dự án "Forest Foods - Đường tự nhiên hữu cơ" có nhiều tác động về môi trường. Việc ươm, trồng cây Tr’Đin tại Tây Giang và Tà Vạt tại xã Hòa Bắc không chỉ phát triển vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất mà còn góp phần tăng độ che phủ rừng, tái tạo và giữ nguồn nước; từ đó, giảm tác động của biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính, tái tạo hệ sinh thái, môi trường sống cho động, thực vật và trung hòa carbon, hướng đến thực hiện mục tiêu Net Zero tại COP26.
"Khi bắt đầu thực hiện dự án này, tôi hướng đến 3 mục tiêu rất rõ ràng, đó là tạo công ăn việc làm cho đồng bào dân tộc Cơtu, từ đó phát triển sinh kế bền vững cho người dân; phủ xanh rừng, tái tạo nguồn nước để giảm thiểu thiên tai và chia sẻ sản phẩm hoàn toàn thiên nhiên cho người tiêu dùng", anh Hoàng khẳng định.
Ngoài Tr’Đin và Tà Vạt, anh còn thành lập các HTX kết nối thu hoạch và tiêu thụ nông sản hữu cơ cho bà con Cơtu, tạo thêm sinh kế bền vững cho hàng trăm hộ gia đình ở miền núi Quảng Nam.
Anh ALăng Nia, Bí thư chi bộ thôn Kinonh, xã AXan, huyện Tây Giang cho biết, trước đây, bà con trong thôn chỉ trồng sản phẩm để dùng trong sinh hoạt hằng ngày, không đến việc phát triển kinh tế từ rừng, từ ngày tham gia HTX nông sản, bà con đã biết cách tận dụng đặc sản núi rừng của mình để phát triển kinh tế, làm giàu ngay trên chính quê hương mình.
Hướng đến thị trường tín chỉ carbon
Không chỉ dừng lại ở việc tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc Cơtu ở Tây Giang, Hòa Vang từ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, anh Phạm Thanh Hoàng còn tham vọng đưa thêm một sản phẩm đặc biệt nữa ra bán, đó là tín chỉ khí thải carbon từ chính những vùng nguyên liệu được hình thành.
Tháng 10 vừa qua, Công ty CP Thực phẩm vườn rừng Tây Giang và Công ty CP GEEZ NET-ZERO đã ký kết hợp tác chiến lược về thúc đẩy, phát triển các hoạt động liên quan đến giao dịch tín chỉ carbon, chuyển nhượng quyền phát thải, bao gồm tín chỉ carbon.
Theo biên bản ghi nhớ hợp tác, Công ty CP ExCarbon sẽ tư vấn, hỗ trợ trong việc xây dựng hồ sơ, quy trình thủ tục để xin cấp tín chỉ carbon, cũng như hỗ trợ tìm kiếm đối tác giao dịch tín chỉ carbon; sau đó sẽ thực hiện các giao dịch mua bán tín chỉ carbon trên nền tảng giao dịch tín chỉ carbon tự nguyện ExCarbon.
Thông qua việc hợp tác, hai bên cùng đóng góp vào sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, phát triển thị trường carbon rừng, góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050; đồng thời, giúp người dân dần từ bỏ thói quen xâm hại rừng, ngày càng tham gia tích cực hơn vào công tác giữ gìn, bảo vệ hệ sinh thái rừng, đảm bảo sự phát triển kinh tế bền vững.
"Mong muốn của chúng tôi khi tham gia vào thị trường bán tín chỉ các bon sẽ góp phần thúc đẩy các giải pháp xanh và giảm phát thải khí nhà kính, giảm biến đổi khí hậu toàn cầu và bảo vệ hệ sinh thái, môi trường", anh Phạm Thanh Hoàng khẳng định.
Lưu Hương