Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Để hiểu rõ hơn về sự tăng trưởng vượt bậc này, phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Tạ Anh Tuấn.
Trong 9 tháng năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP trên địa bàn tỉnh Phú Yên đạt 8,87% so với cùng kỳ năm trước, xếp vị trí thứ 8/63 tỉnh, thành phố trên cả nước; thứ 2/14 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung. Ông có thể cho biết, Phú Yên đã có những chỉ đạo, điều hành hay những chính sách, giải pháp đột phá nào để đạt được những kết quả khả quan như trên?
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Tạ Anh Tuấn: Trong 9 tháng năm 2023, bên cạnh một số thuận lợi cơ bản, cùng với cả nước, tỉnh Phú Yên vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, được sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quan tâm hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành Trung ương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ giải pháp nên tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh ổn định và có mặt phát triển.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh-GRDP tăng theo từng quý (quý I tăng 6,94%, quý II tăng 7,95%, quý III tăng 11,42%) và 9 tháng năm 2023 tăng 8,87% (đứng vị trí thứ 8/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; vị trí thứ 2/14 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung).
Trong đó, khu vực nông-lâm-thủy sản tăng 3,56%; khu vực công nghiệp-xây dựng tăng 19,76%; khu vực dịch vụ tăng 5,52% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,49%.
Để có được những kết quả trên, ngay từ đầu năm 2023, UBND tỉnh đã xây dựng kịch bản chỉ đạo, điều hành nền kinh tế theo từng quý, nhất là quyết tâm điều hành thực hiện thắng lợi chỉ tiêu GRDP (kế hoạch đề ra tăng 8%); gắn với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của từng sở, ban, ngành và địa phương như tháo gỡ các điểm nghẽn trong đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường, tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương. Hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, cũng như tạo điều kiện cho nhà đầu tư chiến lược tiếp cận nghiên cứu đề xuất đầu tư tại các khu vực tiềm năng của tỉnh; kích cầu tiêu dùng…
Có thể thấy, những kết quả đạt được trong 9 tháng năm 2023 có ý nghĩa rất quan trọng, tạo nền tảng để tỉnh hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 và trong thời gian tới.
Phú Yên có vị trí địa lý quan trọng, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển. Ông có thể cho biết, tỉnh Phú Yên đang từng bước cụ thể hóa định hướng tại Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như thế nào, thưa ông?
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Tạ Anh Tuấn: Tỉnh Phú Yên có điều kiện vị trí địa lý thuận lợi với gần 190 km bờ biển, có cảng biển nước sâu Bãi Gốc, vị trí gần đường hàng hải quốc tế; là nơi hội tụ đầy đủ các điều kiện để phát triển các ngành công nghiệp động lực (luyện kim; lọc, hóa dầu; năng lượng sạch;...) gắn với cảng biển nước sâu; có điều kiện thuận lợi để phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, chuyên biệt ven biển.
Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 10-CTr/TU về phát triển kinh tế biển, gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là Khu kinh tế Nam Phú Yên và UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch để triển khai thực hiện, từng bước cụ thể hóa định hướng trong Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vào trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2045; tạo cơ sở mời gọi, thu hút đầu tư vào các khu vực tỉnh có tiềm năng, thế mạnh như cảng Bãi Gốc, khu công nghiệp Hòa Tâm và khu vực ven biển.
Hiện, tỉnh đang xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư chiến lược để đầu tư hạ tầng cảng biển tại cảng Bãi Gốc, Khu công nghiệp Hòa Tâm (dự kiến sẽ kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực luyện kim, lọc hóa dầu, năng lượng sạch); mời gọi các đối tác thực hiện đầu tư các dự án dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp chuyên biệt, nghỉ dưỡng chữa bệnh cho người già ở khu vực phía bắc; phát triển các đô thị ven biển.
Ngoài ra, Phú Yên đang ưu tiên nguồn lực để đầu tư xây dựng một số tuyến hạ tầng giao thông quan trọng như: Tuyến đường bộ ven biển (dự kiến khởi công vào cuối năm 2023) nhằm kết nối phát triển dịch vụ du lịch, đô thị ven biển và khai thác quỹ đất để phát triển; tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ kết nối với tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam nhằm mở rộng không gian, kết nối phát triển...
Thưa ông, với các chia sẻ như ông vừa nêu, phải chăng tỉnh Phú Yên đã tạo được cơ chế pháp lý, tạo nền tảng cho sự phát triển trước mắt cũng như lâu dài?
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Tạ Anh Tuấn: Với các chia sẻ nêu trên cũng như sau khi Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo nền tảng định hướng phát triển tỉnh theo 3 trụ cột chính gồm:
Trụ cột công nghiệp-xây dựng đô thị: Tập trung phát triển các lĩnh vực công nghiệp tỉnh có lợi thế; thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp quan trọng như luyện kim; lọc, hóa dầu; năng lượng... vào Khu công nghiệp Hòa Tâm và cảng Bãi Gốc. Đây chính là động lực, điểm bứt phá chính để thúc đẩy kinh tế Phú Yên phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và góp phần tăng nguồn thu ngân sách bền vững, hướng đến tự cân đối ngân sách.
Trụ cột công nghiệp-xây dựng đô thị: Phát triển thương mại dịch vụ, gắn với hiện đại hóa hạ tầng thương mại; tập trung phát triển dịch vụ logistics gắn với cảng sân bay Tuy Hòa, cảng biển Vũng Rô và cảng Bãi Gốc; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, từng bước hình thành các trung tâm du lịch lớn, đáp ứng tiêu chuẩn du lịch quốc gia và quốc tế.
Trụ cột nông - lâm - thủy sản: Phát triển nền nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, bền vững. Theo đó sẽ hình thành và phát triển các vùng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản và nguyên liệu sản xuất với quy mô lớn, tập trung, có giá trị gia tăng cao.
Cùng với đó là 3 đột phá phát triển của tỉnh: (1) Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; (2) tập trung huy động, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm mọi nguồn lực, nhất là đất đai, tạo đột phá xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại; (3) phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; cùng với phương án tổ chức không gian, nguồn lực hợp lý để thúc đẩy các ngành phát triển có trọng tâm, trọng điểm, khai thác phát huy được tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Đây chính là cơ sở để tạo nền tảng phát triển của tỉnh Phú Yên trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh còn những hạn chế gì cần khắc phục, thưa ông?
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Tạ Anh Tuấn: Bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế của tỉnh vẫn còn có khó khăn, hạn chế như quy mô nền kinh tế nhỏ, sức cạnh tranh còn thấp; nguồn thu ngân sách chưa bền vững, thu ngân sách chưa đáp ứng nhu cầu chi của địa phương; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp khó khăn; số doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đa số, chưa có doanh nghiệp lớn dẫn dắt nền kinh tế…
Cùng với đó, tiến độ thi công các công trình còn chậm, chưa thu hút được các dự án động lực vào Khu kinh tế Nam Phú Yên để thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng định hướng.
Ngoài ra, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng còn nhiều vướng mắc; tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số còn hạn chế... Đây là những điểm nghẽn, cần phải tập trung khắc phục, thúc đẩy phát triển nền kinh tế tỉnh trong thời gian tới.
Nhiệm vụ những tháng còn lại của năm 2023 là hết sức nặng nề. Vậy tỉnh Phú Yên đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm nào để tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu tăng trưởng, thưa ông?
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Tạ Anh Tuấn: Bên cạnh những thuận lợi, khó khăn thách thức đan xen, những điểm sáng về phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua sẽ là nền tảng, tạo động lực lan tỏa để Phú Yên phấn đấu đạt được mục tiêu cao nhất của kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2023.
Ngoài việc tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp thường xuyên, dài hạn, tỉnh sẽ tập trung hoàn thành hồ sơ và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt 3 quy hoạch của tỉnh: Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2040; Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP. Tuy Hòa và khu vực phụ cận đến năm 2040…
Đồng thời, chỉ đạo quyết liệt công tác thu ngân sách; có giải pháp cụ thể, quyết liệt tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án trên địa bàn, giải ngân hết nguồn vốn đã bố trí, góp phần vào tăng trưởng kinh tế.
Hoàn thiện các thủ tục để tổ chức khởi công tuyến đường bộ ven biển; phối hợp với các bộ, ngành, Trung ương để đẩy nhanh tiến độ các dự án Trung ương đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Kịp thời hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh. Tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty, tập đoàn lớn đang nghiên cứu, tiếp cận đầu tư các dự án động lực vào các khu vực tiềm năng của tỉnh, thực hiện hoàn tất các thủ tục đầu tư theo quy định cho các dự án luyện kim; lọc, hóa dầu; hạ tầng cảng biển; hạ tầng khu công nghiệp…
Ngoài ra, tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính, nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước; xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số.
Trân trọng cảm ơn ông!
Kim Liên (thực hiện)