Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh: VGP/Minh Anh |
Khiếm thị có một số nguyên nhân: cận thị cao, sẹo giác mạc, đục thể thuỷ tinh, bệnh võng mạc sắc tố, bệnh võng mạc, bệnh đái tháo đường, bệnh thoái hoá hoàng điểm, bệnh glôcôm, bệnh bạch tạng… Tuỳ theo mức độ của bệnh có thể gây khiếm thị nhẹ, vừa, nặng và rất nặng. Tuy nhiên, hiện nay, những người khiếm thị chưa thực sự được quan tâm chăm sóc để phục hồi chức năng.
Theo ước tính, số người khiếm thị trên cả nước ước trên 2 triệu người. Theo kết quả khảo sát mới đây tại 16 đơn vị trong khu vực Hội người mù Hà Nội, trong 276 người khiếm thị, số người khiếm thị rất nặng chiếm tới 61,2%. Hiện Việt Nam chưa có trung tâm điều trị dành riêng cho người khiếm thị trong khi nếu được điều trị tốt, người khiếm thị có thể phục hồi thị lực.
PGS.TS Đỗ Như Hơn, Giám đốc Bệnh viện Mắt TW kiêm Phó Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống mù lòa (Bộ Y tế), cho biết, công tác phục hồi chức năng cho người khiếm thị được triển khai từ năm 1999 do CBM tài trợ.
Bệnh viện Mắt TW thành lập được phòng phục hồi chức năng cho người khiếm thị với một số trang thiết bị thiết yếu giúp khám, đánh giá chức năng thị giác và chỉ định kính trợ thị cho người khiếm thị.
Bên cạnh đó, Bệnh viện Mắt TW hỗ trợ trường Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) khám khiếm thị tại một số địa phương, mở lớp đào tạo cơ bản về khiếm thị. Tuy nhiên, những nỗ lực này khó đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Gần đây, Bệnh viện Mắt TW thông qua hỗ trợ của Tổ chức CBM (Đức) đã xây dựng Dự án “Chăm sóc và phục hồi chức năng cho người khiếm thị” cho giai đoạn 2012 - 2015. Đây là mô hình phục hồi chức năng đầu tiên dành cho người khiếm thị.
Dự án trên đã có một số hoạt động cụ thể như: khám và tư vấn phục hồi chức năng, triển khai các hoạt động tại cộng đồng ở 2 tỉnh Hải Dương và Ninh Bình, truyền thông đại chúng...
Minh Anh