Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Năm 2024 đánh dấu cột mốc lần đầu tiên LNG nhập khẩu được cung cấp cho sản xuất điện tại Việt Nam; triển khai thành công việc cung cấp LNG cho khu vực miền Bắc bằng tàu hỏa và xe bồn từ đầu tháng 09/2024, qua đó hoàn chỉnh chuỗi cung ứng năng lượng khí đầy đủ bằng đường ống, đường thủy, đường bộ và đường sắt, mở rộng bản đồ cung ứng năng lượng toàn diện, linh hoạt và rộng khắp trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam; thực hiện thành công thương vụ kinh doanh LNG quốc tế đầu tiên với khối lượng trên 70.000 tấn - đánh dấu việc PV GAS gia nhập thị trường và ghi tên lên bản đồ kinh doanh LNG quốc tế.
Đó là những kết quả, thành tích đáng ghi nhận ở các lĩnh vực tiên phong, lấy những sản phẩm mới với hình thức kinh doanh đột phá là minh chứng cho quyết tâm tạo động lực mới phục vụ SXKD của PV GAS.
Về sản lượng, PV GAS dự kiến sẽ hoàn thành vượt mức kế hoạch tất cả các chỉ tiêu, trong đó kinh doanh LPG đạt sản lượng kỷ lục; khí tiếp nhận (bao gồm LNG nhập khẩu) đạt gần 7 tỷ m3, bằng 102% kế hoạch; Khí sản xuất và cung cấp (bao gồm khí tái hóa từ LNG) đạt trên 6,4 tỷ m3, bằng 102% kế hoạch; Condensate sản xuất và tiêu thụ trên 76.000 tấn, bằng 100% kế hoạch; LPG sản xuất đạt 392.000 tấn, bằng 101% kế hoạch; LPG kinh doanh đạt gần 3,1 triệu tấn, bằng 166% kế hoạch, tăng 25% so với năm 2023, chiếm 70% thị phần LPG toàn quốc; trong đó kinh doanh LPG quốc tế đạt sản lượng gần 1,5 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay và tăng 68% so với năm 2023.
Về các chỉ tiêu tài chính, PV GAS dự kiến hoàn thành vượt mức kế hoạch từ 50-82% tất cả các chỉ tiêu, trong đó doanh thu và lợi nhuận đều thiết lập kỷ lục, tăng trưởng cao so với năm 2023.
Cụ thể là: Doanh thu toàn Tổng công ty đạt gần 130 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với năm 2023, tương ứng gần 13% doanh thu toàn Petrovietnam; doanh thu hợp nhất đạt gần 105 nghìn tỷ đồng, bằng 150% kế hoạch, tăng trưởng 14% so với năm 2023; lợi nhuận trước thuế đạt trên 13 nghìn tỷ đồng, bằng 182% kế hoạch, tương ứng gần 25% lợi nhuận toàn Petrovietnam; nộp ngân sách trên 6 nghìn tỷ đồng, bằng 161% kế hoạch.
Công tác đầu tư xây dựng cũng được triển khai quyết liệt với giá trị giải ngân dự kiến đạt gần 2 nghìn tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch.
PV GAS đã hoàn thành đầu tư dây chuyền cấp khí cho Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 - góp phần hoàn thiện chuỗi hạ tầng dự án nhập khẩu LNG tại Việt Nam; hoàn thành cơ bản công tác chuẩn bị đầu tư các dự án kho LNG quy mô tại tỉnh Bình Thuận, nâng công suất kho LNG Thị Vải lên 3 triệu tấn; chủ động triển khai nâng công suất send - out kho Thị Vải lên 7,7 triệu mét khối khí/ngày bằng việc tối ưu hóa các hạ tầng đầu tư sẵn có, các nguồn lực hiện có - qua đó khẳng định sự làm chủ công nghệ của PV GAS và hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo cung cấp khí cho các Nhà máy điện; đồng thời tích cực tìm kiếm địa điểm đầu tư kho LPG lạnh, kho cảng LNG tại miền Bắc,...
Công tác tái cơ cấu/tái cấu trúc cũng được PV GAS đẩy mạnh để phù hợp với tình hình mới và định hướng phát triển, đáng chú ý là việc hoàn thành công tác chuẩn bị để đưa vào hoạt động Công ty PV GAS International tại Singapore từ tháng 1/2025 nhằm thúc đẩy các hoạt động kinh doanh; nghiên cứu và trình Petrovietnam phê duyệt các phương án nhằm tối ưu hóa hoạt động, hỗ trợ công tác kinh doanh, phát triển thị trường như việc thành lập và giải thể các chi nhánh, công ty con và triển khai xây dựng các kế hoạch, chiến lược phát triển thị trường khí gắn với xu hướng chuyển dịch năng lượng.
Bên cạnh đó, các công tác an sinh xã hội, truyền thông thương hiệu và sản phẩm, tiết giảm chi phí, xây dựng hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp ERP phục vụ công tác quản trị cùng với việc hoàn thiện các quy chế, quy trình quản trị nội bộ theo hướng tinh gọn, hiệu quả cũng được triển khai mạnh mẽ;... đảm bảo việc làm, tiền lương/thu nhập ổn định cho người lao động trong toàn Tổng công ty.
Bước sang năm 2025, PV GAS dự kiến sẽ phải đối diện với những khó khăn thách thức chưa từng có: Nguồn cung khí nội địa tiếp tục giảm mạnh trong bối cảnh các nguồn khí mới chưa sẵn sàng; nhu cầu tiêu thụ khí phục vụ sản xuất điện và công nghiệp rất thiếu ổn định; giá dầu Brent được dự báo suy giảm so với năm 2024; các hoạt động đầu tư gặp nhiều khó khăn khi triển khai; các cơ chế, chính sách phát triển ngành công nghiệp khí chưa được hoàn thiện;... Thành công năm 2024 vừa là áp lực, vừa là động lực cho mỗi cán bộ, công nhân viên của PV GAS trong năm 2025 để tiếp tục khẳng định bản thân, đóng góp vào thành quả chung của tổ chức.
Trong bối cảnh ngành năng lượng thế giới thay đổi nhanh, PV GAS định hướng năm 2025 chính là "Năm phát triển thị trường khí". Với định hướng phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trở thành Tập đoàn công nghiệp-năng lượng quốc gia, PV GAS khẳng định quyết tâm với vai trò dẫn dắt, xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, tiếp tục góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh kinh tế quốc gia, tăng cường hoạt động tại thị trường quốc tế, tiên phong phát triển các nguồn năng lượng bền vững, góp phần đưa ngành dầu khí Việt Nam phát triển hùng mạnh trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
MT