Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Trung tướng Đỗ Căn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Ảnh: VGP/Minh Thắm |
Đó là chia sẻ của Trung tướng Đỗ Căn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ.
Thưa Trung tướng, khó khăn nhất trong việc thực hiện chính sách đối với người có công trong quân đội hiện nay là gì?
Chính sách đối với người có công luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm thực hiện và Bộ Quốc phòng là một trong những cơ quan thực hiện tốt các chính sách đó. Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, khó khăn cũng không nhỏ.
Hiện nay, việc thực hiện chính sách người có công trong quân đội có một số khó khăn nhất định. Một trong những khó khăn đó là việc xem xét, giải quyết các tồn đọng về chính sách sau các cuộc chiến tranh, nhất là chính sách đối với các trường hợp bị thương, hy sinh nhưng đến nay chưa được công nhận là thương binh, liệt sĩ do bản thân đối tượng hoặc thân nhân đối tượng không còn lưu giữ được giấy tờ và các trường hợp mất tin, mất tích trong chiến tranh; một số trường hợp thẩm tra xác minh chưa đủ cơ sở để giải quyết chế độ chính sách.
Mặt khác, hiện nay số lượng hài cốt liệt sĩ cần phải tìm kiếm, quy tập còn rất lớn (khoảng gần 200.000 trường hợp), trong khi đó, các nguồn thông tin cung cấp nơi an táng hài cốt liệt sĩ ngày càng ít; công tác quản lý, lưu trữ hồ sơ, danh sách liệt sĩ, mộ liệt sĩ của các đơn vị, địa phương còn hạn chế, chưa đầy đủ; địa bàn tìm kiếm, quy tập chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa; địa hình có nhiều thay đổi... Những điều này đã làm ảnh hưởng đến tiến độ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trong thời gian tới.
Thưa Trung tướng, ngoài những chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ thì quân đội đã có những chương trình nào để góp phần bảo đảm tốt hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng?
Quân đội, Tổng cục Chính trị đã tham mưu, đề xuất Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành và triển khai thực hiện nhiều chương trình có ý nghĩa chính trị xã hội và nhân văn sâu sắc, như: Chương trình xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đồng đội, nhà mái ấm công đoàn; chương trình ổn định đời sống thương binh, bệnh binh nặng ở khu điều dưỡng và gia đình; chương trình xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa; chương trình tặng sổ tiết kiệm; chương trình chăm sóc bố, mẹ, vợ liệt sĩ già yếu cô đơn, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng, tiếp nhận con liệt sĩ, con thương binh nặng vào công tác ở các cơ quan, đơn vị trong toàn quân.
Ngoài ra, các đơn vị còn tích cực phối hợp thực hiện tốt các chương trình xóa đói, giảm nghèo, chung tay vì sức khỏe cộng đồng, xây dựng nông thôn mới gắn với địa bàn đóng quân, vùng biên giới, hải đảo.
Thời gian tới, ngành chính sách quân đội sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình đền ơn đáp nghĩa; thực hiện tốt chính sách đối với các đối tượng hy sinh, từ trần, bị thương khi làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, phòng chống bão lũ, thiên tai... Tiếp tục phối hợp các ban, bộ, ngành và các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải quyết các chính sách tồn đọng về thương binh, liệt sĩ, người có công sau các cuộc chiến tranh.
Từ năm 2007 đến nay, thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, Bộ Quốc phòng đã tiếp nhận, xem xét đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận 1.052 liệt sĩ; giám định, cấp giấy chứng nhận thương binh cho trên 7.000 trường hợp, trên 6.400 trường hợp được công nhận bệnh binh… Toàn quân đã vận động, đóng góp quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" trên 618 tỷ đồng; xây dựng hơn 12.500 nhà tình nghĩa; tạo việc làm cho hàng trăm con thương binh, liệt sĩ; tổ chức có hiệu quả các hoạt động thăm, tặng quà, tặng sổ tiết kiệm đối tượng chính sách; phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng; tặng phương tiện, trang thiết bị y tế cho các trung tâm nuôi dưỡng thương, bệnh binh... |
Minh Thắm