Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sắp có chuyến thăm chính thức Romania, Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Quang Lợi, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Romania, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam về mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Romania cũng như những kỳ vọng tốt đẹp về chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ đến Romania sắp tới.
Đã từng gắn bó với đất nước và con người Romania trong những năm tháng học tập và sinh sống tại đất nước tươi đẹp và mến khách này, ông Hồ Quang Lợi cho biết, Romania và Việt Nam có rất nhiều điểm tương đồng tốt đẹp về lịch sử, văn hóa, con người…
Vào đầu năm 1950, Romania là một trong 10 nước thiết lập quan hệ ngoại giao sớm nhất với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. "Đây là điều rất đặc biệt vì thời điểm đó chúng ta đang ở trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp hết sức ác liệt, do đó việc khai thông ra bên ngoài, thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước là đặc biệt quan trọng", ông Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.
Tiếp nối truyền thống tốt đẹp được xây đắp và thử thách qua các thời kỳ lịch sử, những năm gần đây, quan hệ hữu nghị hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Romania đã có những bước phát triển mới.
Xác định tầm quan trọng của việc phát triển quan hệ Việt Nam-Romania, lãnh đạo hai nước đã tiến hành các chuyến thăm cấp cao, nổi bật là chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Romania Dacian Jullien Ciolos (tháng 7/2016) và chuyến thăm chính thức Romania của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (tháng 4/2019). Đặc biệt, Tổng thống Romania Klaus Iohannis và Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp nhau hai lần tại các diễn đàn quốc tế.
Nhân dịp tham dự Tuần lễ Cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 78 tại New York, Hoa Kỳ, ngày 20/9/2023, trong không khí chân thành, cởi mở, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với Tổng thống Romania Klaus Iohannis. Tại cuộc gặp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống với Romania được vun đắp qua nhiều thế hệ. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh hai bên cần tiếp tục phát triển hợp tác về lao động và giáo dục-đào tạo, vốn là những lĩnh vực hợp tác truyền thống mà cả Việt Nam và Romania đều có nhu cầu và thế mạnh. Đồng thời, hai bên tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm về quản lý bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long và Sông Danube.
Trước tình hình quốc tế biến động phức tạp, hai bên tiếp tục phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế. Việt Nam đánh giá rất cao và trân trọng cảm ơn Romania đã ủng hộ mạnh mẽ việc đưa quan hệ hợp tác giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam lên một tầm cao mới. Việc ký kết Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) tháng 6/2019 khẳng định vai trò quan trọng và hoạt động tích cực của Romania trong nhiệm kỳ làm Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU. "Đây là minh chứng sáng ngời của tình đoàn kết, hữu nghị nhất quán mà Romania dành cho Việt Nam", ông Hồ Quang Lợi nêu rõ
Trải qua 74 năm, qua rất nhiều biến động của thời cuộc, nhưng mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Romania vẫn phát triển hết sức tốt đẹp. Theo ông Hồ Quang Lợi, hợp tác toàn diện giữa hai nước đang được mở rộng và đi vào chiều sâu trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, thương mại, nông nghiệp, công nghiệp, lao động, du lịch, giáo dục và đào tạo… Điều đáng khích lệ là mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các địa phương của hai nước ngày càng được tăng cường; một số tỉnh, thành phố của hai nước đã kết nghĩa; các hoạt động giao lưu nhân dân ngày càng phong phú, thể hiện sức sống mới của tình hữu nghị thắm thiết Việt Nam-Romania.
Có thể nói, nhân dân Romania rất yêu quý đất nước, con người Việt Nam và ngược lại nhân dân Việt Nam cũng dành cho đất nước và nhân dân Romania những tình cảm quý mến chân thành. Tuy ở hai lục địa khác nhau, cách xa về khoảng cách địa lý nhưng sự hiểu biết, tình cảm, sự cảm thông, chia sẻ của hai đất nước đều rất tốt đẹp và có sự tương đồng sâu sắc, ông Hồ Quang Lợi chia sẻ.
"Tôi đã có 5 năm học tập, sinh sống tại Romania, tôi hiểu được tình cảm của người dân Romania đối với đất nước và nhân dân Việt Nam rất chân thành và nồng ấm, nhất là những năm tháng Việt Nam đang trải qua cuộc chiến tranh khốc liệt thì sự hỗ trợ, giúp đỡ của Chính phủ và nhân dân Romania đối với đất nước chúng ta là hết sức quý báu. Tình cảm đó tiếp tục được vun đắp qua từng năm tháng. Quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam-Romania có nền móng vững chắc để có thể phát triển trong thời gian tới", ông Hồ Quang Lợi chia sẻ.
Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, những nỗ lực hợp tác và tình đoàn kết giữa hai nước càng được tăng cường với các hoạt động đầy tình nghĩa. Năm 2021, Chính phủ Romania đã quyết định tặng Việt Nam 300.000 liều vaccine AstraZeneca vào thời điểm mà cuộc chiến chống COVID-19 ở nước ta đang diễn ra vô cùng quyết liệt và Việt Nam đang rất cần vaccine. Cùng hỗ trợ nhau những lúc khó khăn, Việt Nam cũng đã trao tặng khẩu trang cho Romania khi đại dịch bùng phát vào đầu năm 2020, thể hiện tình cảm thắm thiết của nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Romania.
Ông Hồ Quang Lợi cho biết, lãnh đạo hai nước đã xác định, nội dung hợp tác quan trọng giữa hai nước là kinh tế, đầu tư và thương mại. Về quan hệ kinh tế, hiện nay so với những năm trước đã có sự phát triển đáng khích lệ. Tuy nhiên, sự trao đổi thương mại năm 2022 đạt 425 triệu USD là chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của hai nước, mặc dù có sự tăng trưởng so với năm 2021.
Một sự kiện rất có ý nghĩa, ngày 1/4/2023, Chương trình hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước Romania giai đoạn 2022–2026 đã được ký kết. Theo đó, hai bên sẽ nỗ lực phát triển và đẩy mạnh quan hệ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, bao gồm các nội dung như: Trao đổi chuyên viên của mỗi bộ; hợp tác trực tiếp giữa các cơ sở giáo dục, đào tạo được công nhận của hai nước ở tất cả các trình độ đào tạo; hợp tác trong lĩnh vực giáo dục của Hội nghị Á-Âu (ASEM). Hằng năm, hai bên trao đổi theo nguyên tắc có đi có lại, tối đa 20 học bổng toàn phần đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ ở các lĩnh vực mà hai bên cùng thống nhất.
Sau thời gian gián đoạn do dịch COVID-19, trao đổi đoàn giữa hai nước đã được nối lại với nhịp độ sôi động như: Đoàn Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Romania–Việt Nam cùng nhiều doanh nghiệp Romania làm việc tại Việt Nam tháng 10/2022, Đoàn đại biểu ngành nông nghiệp Romania sang dự Triễn lãm nông nghiệp tại TPHCM, Đoàn công tác gồm đại diện 23 trường đại học danh tiếng của Romania đến Việt Nam thảo luận cơ hội hợp tác với các trường đại học tiềm năng tại Hà Nội và TPHCM, Đoàn Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam tham dự Hội nghị Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) tại Bucuresti, Đoàn UBND TP. Huế làm việc tại tỉnh Iasi và đã ký Biên bản kết nghĩa giữa TP. Huế và TP. Iasi, Đoàn lãnh đạo Đài tiếng nói Việt Nam làm việc tại Romania.
Ngày 21/10/2023, tại Hà Nội đã diễn ra Hội chợ du học nước ngoài, Romania có 8 trường đại học lớn tham gia gồm Đại học tổng hợp Bucuresti, Đại học Xây dựng Bucuresti, Đại học Dược, Đại học Nông nghiệp, Đại học Tổng hợp Cluj-Napoca, Đại học Tổng hợp Timisoara, Bách khoa Timisoara, Tổng hợp Brasov thu hút sự quan tâm của dư luận, thể hiện được tiềm năng, thế mạnh của Romania về hợp tác giáo dục, đào tạo.
Tình hữu nghị, sự giao lưu văn hóa giữa nhân dân hai nước trong năm nay đã tiếp tục được tăng cường, vun đắp thông qua các hoạt động, sự kiện ở cả Việt Nam và Romania. Tại Romania, cuốn sách "Việt Nam diệu kỳ" dày 556 trang của TS. Pavel Suian được xuất bản và giới thiệu rộng rãi, mang đến cho độc giả bức tranh toàn diện về Việt Nam, được đánh giá là tư liệu quý giá để nhân dân Romania nói riêng và nhân dân thế giới nói chung hiểu rõ về đất nước và con người Việt Nam.
Cuộc hoà nhạc đầu tiên tại Nhà hát lớn Hà Nội của Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Romania-một trong những dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng nhất châu Âu-vào đêm 15/11/2022 là một sự kiện văn hoá-nghệ thuật đặc sắc gây được tiếng vang lớn trong dư luận. Vào ngày 2/5/2023, dàn nhạc giao hưởng danh giá Bucharest Symphony Orchestra tiếp tục sang và tham gia biểu diễn ở Lễ hội Âm nhạc quốc tế "Hoa Sen SoundFest 2023" tại Quảng trường Lâm Viên, Đà Lạt. Tiếp đó, ngày 5/6/2023, Concert Harmonia đã thêu dệt tình hữu nghị Việt Nam-Romania bằng âm thanh khi người yêu âm nhạc Hà Nội được thưởng thức bữa tiệc âm nhạc đặc sắc do các nghệ sĩ Việt Nam và Romania phối hợp biễu diễn.
Cùng với đó, Việt Nam có nhu cầu về giáo dục và đào tạo, Romania có thế mạnh về lĩnh vực này; chúng ta lại có lực lượng lao động dồi dào, Romania lại có nhu cầu về tiếp nhận lao động. "Một bên có nhu cầu, một bên có thế mạnh, hai bên sẽ trao đổi với nhau để tăng cường hợp tác về lao động, giáo dục và đào tạo. Tôi nghĩ đó là lĩnh vực mà hai bên có tiềm năng có thể cùng nhau hợp tác phát triển trong thời gian tới", ông Hồ Quang Lợi nói.
Là thành viên được tham gia chuyến thăm chính thức Romania của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới đây, ông Hồ Quang Lợi cho biết, đây là sự kiện rất quan trọng, sẽ tạo dấu mốc lịch sử mới trong quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước. Trước chuyến thăm này, Romania đã cử một đoàn sang nghiên cứu, khảo sát, kết nối với đối tác của Việt Nam, chuẩn bị các nội dung cho lãnh đạo cấp cao giữa hai nước có những thỏa thuận quan trọng. Phía Việt Nam cũng tích cực tiến hành tìm hiểu nhu cầu và khả năng hợp tác giữa hai nước vì giữa Việt Nam và Romania đều có những thế mạnh riêng cần được khai thác phát huy.
Ông Hồ Quang Lợi đưa ra ví dụ, Romania có thế mạnh về cơ khí, máy móc, kỹ thuật, đặc biệt là kỹ thuật về dầu khí, hóa dầu, xây dựng; về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, công nghệ truyền thông, chống biến đổi khí hậu… Trong khi đó chúng ta có thế mạnh về nông nghiệp và hoàn toàn có cơ hội để đưa hàng của Việt Nam sang Romania như nông sản, thủy sản, cà phê, hoa quả…
Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký kết được với EU sẽ tạo điều kiện thuận lợi để việt Nam trở thành đầu cầu đưa hàng hóa của Romania và châu Âu vào Việt Nam và Romania trở thành đầu cầu để hàng hóa của Việt Nam có thể xâm nhập nhiều hơn vào thị trường châu Âu.
Chia sẻ về những nỗ lực của Hội Hữu nghị Việt Nam-Romania trong việc tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước, ông Hồ Quang Lợi cho biết, qua 32 năm thành lập đến nay, Hội Hữu nghị Việt Nam-Romania đã có những đóng góp rất ý nghĩa vào xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị Việt Nam-Romania. Hội trở thành kênh liên lạc hữu ích để các đối tác của Romania và Việt Nam gặp nhau, xúc tiến hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Theo ông Hồ Quang Lợi, đóng góp quý giá nhất, sự giúp đỡ cảm động nhất là Nhà nước và nhân dân Romania đã đào tạo cho Việt Nam trên 4.000 kỹ sư, cử nhân, tiến sĩ, thực tập sinh thuộc nhiều ngành khoa học kỹ thuật, kinh tế, văn hóa, ngoại giao, giáo dục…Đây là những lĩnh vực Việt Nam rất cần nhân lực chất lượng cao để góp phần xây dựng đất nước sau nhiều năm bị chiến tranh tàn phá.
Nhiều người được đào tạo tại Romania đã trở thành các nhà khoa học, các chuyên gia uy tín, nhiều người giữ các trọng trách trong bộ máy lãnh đạo các cấp của Việt Nam, trong đó, đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã từng được đào tạo tại Trường Đại học Xây dựng Bucarest. Hội hữu nghị Việt Nam-Romania đã và đang tập hợp hàng nghìn hội viên tích cực hoạt động trong 14 tổ chức chi hội trên phạm vi toàn quốc.
Ông Hồ Quang Lợi cho biết, hiện nay ở Romania có 2.500 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc và luôn được Chính phủ cùng nhân dân Romania hỗ trợ, hội nhập rất tốt vào cộng đồng sở tại. Cùng với đó, chúng ta có khoảng hơn 2.000 lao động Việt Nam sang Romania theo con đường hợp tác lao động giữa hai nước. Đây cũng là lực lượng nòng cốt tham gia vào công tác đối ngoại nhân dân, góp phần làm cho mối quan hệ Việt Nam-Romania ngày càng phát triển.
Hằng năm, Hội vẫn cử các đoàn của Hội Hữu nghị Việt Nam-Romania sang thăm và làm việc với các đối tác. Những cuộc gặp gỡ như vậy đã mang lại những tình cảm quý mến, cảm động giữa thầy và trò sau bao nhiêu năm vẫn nồng ấm. Hội tiếp tục tổ chức những chuyến đi như vậy để làm cho mối quan hệ Việt Nam-Romania tiếp tục bền chặt, bước vào giai đoạn mới tốt đẹp hơn, nhất là sau chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ tới Romania tới đây./.
Kiều Liên (thực hiện)