Thay mặt Thường trực Ủy ban Quốc phòng-An ninh, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Kim Khoa cho biết đã đề nghị cơ quan soạn thảo hoàn thiện lại bố cục dự thảo Luật, trong đó xây dựng một Chương riêng dành cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp số định danh cá nhân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong phối hợp quản lý, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tính khả thi của việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia đã được Thường trực Ủy ban Quốc phòng-An ninh và Bộ Công an làm rõ về mặt khoa học và thực tiễn mối quan hệ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Cơ sở dữ liệu quốc gia đã và đang được xây dựng và sẽ kết nối phục vụ quản lý ngành, lĩnh vực, phục vụ nhân dân.
Bên cạnh đó, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, khắc phục tình trạng manh mún, cục bộ, bảo đảm đầu tư tiết kiệm, hiệu quả và xây dựng nguồn lực thực hiện.
Đánh giá việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Luật Căn cước công dân, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng Cơ sở này có tính quyết định thành công của việc quản lý công dân theo dự thảo Luật.
Bà Mai nêu ví dụ: Thẻ căn cước tích hợp cả số liệu về bảo hiểm y tế, khi công dân đến bệnh viện đưa thẻ ra thì bệnh viện biết được người này đã đóng bảo hiểm hay chưa. Nếu sự tích hợp này không “liền mạch” thì làm khó cho công dân.
Để xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia hiệu quả nhất, bà Trương Thị Mai đề nghị Chính phủ cần có báo cáo riêng về tính khả thi của cơ sở dữ liệu này, vấn đề cán bộ thực hiện và hiệu lực triển khai trong thực tế như thế nào?
Đề nghị này của bà Trương Thị Mai cũng được Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đồng tình và đề nghị thêm: Cần phải làm rõ hơn những nội dung nào cần cập nhật và không cần cập nhật trong Cơ sở dữ liệu quốc gia, mối quan hệ giữ các bộ ngành trong quản lý, vận hành Cơ sở này.
Theo dự án Luật căn cước công dân, tất cả các thông tin cần thiết trong quản lý dân cư, công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ được tích hợp vào một dãy số gồm 12 chữ số, còn gọi là số định danh cá nhân. Theo Thường trực Ủy ban Quốc phòng-An ninh, cơ quan này đồng tình với việc ghi số định danh cá nhân vào Thẻ căn cước công dân thay vì ghi vào giấy khai sinh.
Về thời điểm cấp Thẻ căn cước công dân, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình cấp cho công dân ngay từ khi sinh ra, chứ không để 14 tuổi mới cấp. Đồng thời Thẻ căn cước công dân sẽ thay cho Giấy chứng minh nhân dân hiện nay.
Công dân có thể căn cứ vào giấy chứng sinh để làm thẻ căn cước công dân. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng cần cân nhắc, làm rõ nội hàm thông tin trên Giấy khai sinh và Thẻ căn cước công dân, không phải thông tin nào trên giấy khai sinh cũng có thể đưa vào Thẻ căn cước công dân.
Liên quan đến việc sử dụng Thẻ căn cước công dân khiến mỗi người dân sẽ giảm được bao nhiêu giấy tờ tùy thân, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra phải tính toán và làm rõ.
Góp ý vào dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá dự thảo sẽ tạo ra “cuộc cải cách” trong công tác quản lý Nhà nước về dân cư, quan trọng hơn là tạo thuận lợi cho người dân và cắt bớt các thủ tục hành chính không cần thiết.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng đưa ra yêu cầu với cơ quan soạn thảo: “Đây là một nội dung của đổi mới thể chế, hay theo Hiến pháp là tôn trọng quyền tự do, dân chủ của người dân. Không thể mỗi cơ quan quản lý lại đặt ra yêu cầu riêng để bắt người dân phải tuân theo”.
Phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngay sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIII. Phiên họp diễn ra từ ngày 14 đến ngày 16/7, tập trung thảo luận nhiều dự án Luật quan trọng liên quan đến cải cách thể chế.
Đó là các dự án Luật: Luật Căn cước công dân, Luật Hộ tịch, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi), Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Giải thích Khoản 4 Điều 7 của Luật Quảng cáo.
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đánh giá kết quả kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII; cho ý kiến một số nội dung cơ bản định hướng việc xây dựng dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
|
Thành Chung