Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Ảnh minh họa |
Trưởng phòng Lao động tiền lương - Bảo hiểm xã hội (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Quảng Ninh) Ðỗ Thị Xanh cho biết, một trong những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý người lao động nước ngoài là, về phía các nhà thầu, các chủ đầu tư thường rất chậm trong việc hoàn thiện thủ tục pháp lý về hồ sơ đăng ký dự tuyển lao động của người nước ngoài để làm thủ tục đăng ký cấp giấy phép lao động cho họ tại địa phương.
Trưởng phòng Chính sách lao động Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Quảng Bình Cao Xuân Dục cho rằng, để được cấp phép lao động, cần có các thủ tục như hộ chiếu xuất khẩu, bằng cấp chuyên môn, hợp đồng lao động, giấy chứng nhận sức khỏe và lý lịch tư pháp; riêng lý lịch tư pháp phải qua một số thủ tục chứng thực và mất nhiều thời gian, vì vậy đã ảnh hưởng tiến độ cấp giấy phép lao động.
Trong khi đó, lao động nước ngoài làm việc tại một số đơn vị thường xuyên thay đổi theo công việc, nhất là số lao động do nhà thầu nước ngoài đưa vào địa bàn, vì vậy đối tác Việt Nam không theo dõi kịp thời và gặp khó khăn trong việc điều chỉnh thủ tục hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động.
Mới đây, đoàn kiểm tra của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thanh Hóa kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng LÐNN tại bảy doanh nghiệp phát hiện ngoài số lao động chưa được cấp phép, các doanh nghiệp khi tuyển dụng người nước ngoài vào làm việc đều không thực hiện thông báo nhu cầu tuyển lao động công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Doanh nghiệp tuyển dụng lao động vào làm việc trước, sau đó mới làm thủ tục xin cấp phép lao động. Doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm túc chế độ báo cáo theo quy định, yêu cầu của cơ quan thẩm quyền, thậm chí không báo cáo về tình hình sử dụng lao động. Những vụ việc liên quan số lao động nước ngoài không giấy phép lao động chủ yếu là do ý thức tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp, nhà thầu chưa cao.
Luôn tạo thuận lợi trong việc cấp giấy phép
Hậu quả của việc lao động nước ngoài làm việc không phép tại các doanh nghiệp trong nước là cơ quan quản lý nhà nước không thể kiểm soát được chất lượng lao động và khó khăn trong việc đảm bảo an ninh trật tự xã hội ở địa phương.
Ông Nguyễn Thành Tâm, Phó Giám đốc Lao động-Thương binh và Xã hội Quảng Ninh cho biết, Sở luôn tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, nhà thầu nước ngoài đến đăng ký, làm thủ tục cấp phép lao động cho người lao động nước ngoài. Ông Nguyễn Thành Tâm khẳng định, không một trường hợp lao động hay nhà thầu nước ngoài nào gặp trở ngại về việc đăng ký cấp phép lao động.
Thượng tá Nguyễn Xuân Lãm, Trưởng phòng quản lý xuất nhập cảnh – Công an Quảng Ninh, cho biết: công an tỉnh đã mở một trang web riêng với tên miền www.quangninh.xnc.vn để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và người lao động nước ngoài tự tìm hiểu thủ tục, tự khai đăng ký tạm trú và khai báo lao động.
Mới đây nhất, Nghị định 46/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều trong việc tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam đã đơn giản hóa việc làm thủ tục đăng ký cấp phép lao động theo đó, từ ngày 1/8, người lao động nước ngoài chỉ cần mang theo lý lịch tư pháp, bằng chứng chỉ chuyên môn sang đăng ký với các cơ quan chức năng Việt Nam là có thể được cấp phép lao động.
Tăng cường kiểm tra trên các công trường
Ông Lê Quang Trung- Phó Cục trưởng Cục việc làm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng, quy định đã có, vấn đề còn lại là ở khâu thực thi pháp luật.
Ðể tăng cường công tác quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam trong thời gian tới, các địa phương cần tập trung vào công tác tuyên truyền phổ biến các quy định liên quan lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, các cơ quan chức năng liên quan cần phối hợp chặt chẽ để quản lý lao động nước ngoài.
Theo quy định của Bộ luật Lao động, lao động nước ngoài làm việc dưới ba tháng không cần phải cấp giấy phép lao động. Tuy nhiên, Nghị định 34, khoản 6, Ðiều 9 quy định rõ: đối với đối tượng làm việc dưới ba tháng thì phải thông báo với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội địa phương trước bảy ngày tính từ ngày làm việc. Cùng đó, phải nộp kèm theo đầy đủ các giấy tờ: giấy chứng nhận, trình độ chuyên môn, như là cấp giấy phép lao động. Bộ đã kiên quyết nhắc nhở các địa phương bằng nhiều văn bản, đối với những lao động làm việc dưới ba tháng dứt khoát phải thực hiện theo Nghị định 34; đồng thời, yêu cầu các địa phương kiểm tra kỹ các đối tượng này.
Ông Lê Quang Trung cho biết, Bộ cũng sẽ chỉ đạo các sở ban ngành và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra giám sát việc sử dụng lao động trên các công trường.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng sẽ sớm ban hành thông tư hướng dẫn Nghị định về công tác quản lý lao động nước ngoài và tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra tại các địa phương có nhiều lao động nước ngoài, để nắm chắc tình hình và chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện cho chủ sử dụng lao động và lao động nước ngoài thực hiện tốt theo quy định pháp luật Việt Nam.
Hồng Phong