Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Cụ thể, Quản lý thị trường có thể kiểm tra đột xuất hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh trên thị trường thông qua việc tiếp nhận thông tin từ phương tiện thông tin đại chúng; đơn thư khiếu nại, tố cáo hoặc tin báo của tổ chức, cá nhân; đơn yêu cầu xử lý vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân; phát hiện của công chức quản lý địa bàn, công chức được giao nhiệm vụ trinh sát, theo dõi, phát hiện vi phạm hành chính hoặc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính; văn bản chỉ đạo của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cấp trên có thẩm quyền.
Hoạt động kiểm tra của Quản lý thị trường do Tổ kiểm tra trực tiếp thực hiện. Tổ kiểm tra phải có ít nhất 2 công chức Quản lý thị trường, do một công chức làm Tổ trưởng. Thời hạn mỗi cuộc kiểm tra trực tiếp không quá 5 ngày làm việc và được tính từ thời điểm công bố quyết định kiểm tra đến ngày kết thúc việc kiểm tra trực tiếp tại nơi kiểm tra. Trường hợp vụ việc phức tạp thì thời hạn kiểm tra trực tiếp có thể kéo dài nhưng không quá 10 ngày làm việc.
4 trường hợp kiểm tra ngay hành vi vi phạm
Theo Thông tư, trường hợp thông tin về hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật là có căn cứ cần phải tiến hành kiểm tra ngay để ngăn chặn thì ban hành quyết định kiểm tra theo thẩm quyền hoặc báo cáo ngay bằng văn bản với Thủ trưởng cơ quan Quản lý thị trường cấp trên trực tiếp có thẩm quyền để tổ chức chỉ đạo việc kiểm tra theo quy định.
Trừ trường hợp pháp luật sở hữu công nghiệp có quy định khác, việc kiểm tra ngay này được Quản lý thị trường thực hiện trong 4 trường hợp sau đây:
Một là, đối tượng đang thực hiện hành vi vi phạm hành chính hoặc vừa thực hiện xong thì bị phát hiện, đang chạy trốn hoặc đang tẩu tán, tang vật, phương tiện vi phạm mà nhiều người cùng nhìn thấy (hành vi vi phạm pháp luật quả tang)
Hai là, nếu không tiến hành kiểm tra ngay thì đối tượng vi phạm sẽ bỏ trốn, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có thể bị tẩu tán, tiêu huỷ hoặc để ngăn chặn, hạn chế kịp thời hậu quả do hành vi vi phạm pháp luật gây ra (trường hợp khẩn cấp).
Ba là, văn bản đề xuất của công chức Quản lý thị trường về hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật là có đủ căn cứ để kiểm tra.
Bốn là, theo văn bản chỉ đạo kiểm tra của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cấp trên có thẩm quyền.
Nếu thông tin về hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật chưa đủ căn cứ để kiểm tra thì Quản lý thị trường tổ chức ngay việc thẩm tra, xác minh thông tin theo quy định.
Trường hợp kết quả thẩm tra, xác minh là có hành vi vi phạm pháp luật hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì quyết định việc kiểm tra theo thẩm quyền hoặc báo cáo ngay với Thủ trưởng cơ quan Quản lý thị trường cấp trên trực tiếp có thẩm quyền để tổ chức chỉ đạo việc kiểm tra theo quy định.
Trường hợp kết quả thẩm tra, xác minh không có hành vi vi phạm pháp luật hoặc không có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì thông báo bằng văn bản cho cá nhân, tổ chức đã gửi đơn khiếu nại, tố cáo hoặc đơn yêu cầu xử lý vi phạm hành chính.
Hoạt động kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính của Quản lý thị trường nhằm đảm bảo sự tuân thủ pháp luật về thương mại, công nghiệp của các tổ chức và cá nhân hoạt động kinh doanh trên thị trường; phát hiện, ngăn chặn, xử ký kịp thời các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh trên thị trường; góp phần phát triển sản xuất, bình ổn thị trường, mở rộng lưu thông hàng hóa; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng. |
Thanh Hoài