Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Cần nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập |
Thời gian qua, khi trẻ em mầm non nghỉ ở nhà để phòng chống dịch, do đặc thù cấp học, các trường không thể tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trực tuyến, không thu học phí. Các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trong thời gian dài không có doanh thu từ nguồn học phí, trong khi đó vẫn phải chi trả tiền thuê nhà, mặt bằng, hỗ trợ chi trả lương cho nhân viên trực tại trường, một phần thu nhập cho giáo viên để ổn định cuộc sống và giữ chân họ khi trường học mở cửa trở lại. Nhiều cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập không thể trả lương cho người lao động khiến đời sống giáo viên hết sức khó khăn, nhiều giáo viên phải chuyển sang các công việc khác.
Trước thực tế này, Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh về giải pháp gỡ khó cho giáo dục mầm non, nhất là mầm non ngoài công lập.
Giáo dục mầm non đang chịu ảnh hưởng nhiều nhất
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết, đại dịch COVID-19 đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội và nền kinh tế, ngành giáo dục là một trong những ngành chịu tác động, ảnh hưởng nhiều nhất, đặc biệt đối với cấp học giáo dục mầm non (GDMN). Trước tình hình này, Bộ GD&ĐT đã rà soát, đánh giá thực trạng và nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) ngoài công lập.
Kết quả khảo sát cho thấy 95,2% cơ sở GDMN tư thục không có doanh thu trong nhiều tháng (đa phần là 6 tháng trở lên), 81,6% cơ sở không trả được lương cho giáo viên.
Qua rà soát, đánh giá, Bộ GD&ĐT thấy đến thời điểm hiện nay, các đơn vị và người lao động hoạt động trong lĩnh vực GDMN tư thục mới chỉ được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dịch bệnh theo chính sách chung của Chính phủ.
Việc áp dụng chính sách theo quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đối với lĩnh vực GDMN còn nhiều hạn chế.
Cụ thể, mới chỉ có một tỉ lệ nhỏ (khoảng 25,8%) giáo viên mầm non làm việc trong các cơ sở GDMN tư thục được hưởng hỗ trợ khi tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do cơ sở phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch. Hầu hết giáo viên, nhân viên trong các cơ sở GDMN ngoài công lập không đủ điều kiện hưởng hỗ trợ vì lý do chưa tham gia BHXH bắt buộc, nên không thuộc đối tượng được hưởng hỗ trợ khi tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do cơ sở GDMN phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch.
Chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương cho người lao động ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất có nhiều điều kiện ràng buộc, gây khó khăn khi tiếp cận như: “Có người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia BHXH” hoặc “không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn” do nhiều doanh nghiệp, cơ sở GDMN tư thục đã phải đóng cửa trước thời điểm 1/5/2021 (giai đoạn 2020-2021) không có nguồn thu nên không có kinh phí để đóng BHXH cho người lao động, chậm trả lãi, tất toán các khoản vay.
Bên cạnh đó, một số cơ sở quy mô nhỏ không đủ điều kiện để được hưởng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Khó khăn về tài chính do phải chi trả các loại thuế, phí đang là áp lực cho các nhà đầu tư kinh doanh GDMN hiện nay. Thủ tục, quy trình, thời gian hỗ trợ không được tích hợp luôn trong các chính sách, quy định của Chính phủ nên phát sinh nhiều hồ sơ, điều kiện, thời gian để nhận được hỗ trợ, việc tiếp cận các nguồn lực tài chính còn hạn chế, gặp rất nhiều khó khăn.
Một số giải pháp cấp bách hỗ trợ giáo viên mầm non
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở GDMN, tiểu học ngoài công lập, không để gián đoạn, đứt gãy hoạt động GDMN, nhất là GDMN tư thục để ngành giáo dục có điều kiện phục hồi và phát triển sau đại dịch COVID-19 Bộ GD&ĐT đang phối hợp với các bộ, ngành đề xuất Chính phủ một số giải pháp sau.
Theo đó, thứ nhất là đề xuất Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ để duy trì công việc, tránh bỏ việc đối với cán bộ quản lý, giáo viên nhân viên mầm non, tiểu học (cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên) tại các cơ sở GDMN, tiểu học ngoài công lập đã được cấp có thẩm quyền cấp phép thành lập và cấp phép hoạt động theo đúng quy định, phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do cơ sở giáo dục tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 hoặc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ hoặc áp dụng các biện pháp không hoạt động/ngừng hoạt động/hoạt động hạn chế/hoạt động có điều kiện theo quy định tại Nghị quyết số 128 của Chính phủ.
Qua rà soát có khoảng 111.423 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thuộc đối tượng này.
Thứ hai, đưa vào Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chính sách hỗ trợ số hóa; chính sách ưu đãi tín dụng để các cơ sở giáo dục sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, trang thiết bị phòng chống dịch... nhằm phục hồi hoạt động đối với các cơ sở GDMN, tiểu học ngoài công lập đã được cấp có thẩm quyền cấp phép thành lập và cấp phép hoạt động theo đúng quy định, phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 hoặc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16 hoặc áp dụng các biện pháp không hoạt động/ngừng hoạt động/hoạt động hạn chế/hoạt động có điều kiện theo quy định tại Nghị quyết số 128.
Qua rà soát có khoảng 2.310 trường mầm non, tiểu học ngoài công lập và 11.210 cơ sở GDMN ngoài công lập thuộc đối tượng cần hỗ trợ tín dụng.
Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất Chính phủ để có chính sách đặc thù để hỗ trợ cho giáo viên mầm non nói chung, giáo viên mầm non các trường ngoài công lập nói riêng để tiếp tục hỗ trợ cho các cơ sở mầm non tư thục bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh khẳng định.
Phương Liên