Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương cho biết: Qua 25 năm xây dựng và phát triển, TTCK Việt Nam đã trở thành một kênh dân vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, từ đó đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Từ lúc ban đầu mới chỉ có 3 DN niêm yết trên TTCK, đến nay đã có gần 800 DN niêm yết, nhiều DN đã huy động vốn thành công trên TTCK.
Lãnh đạo UBCKNN khẳng định: Việc quản trị công ty tốt sẽ thúc đẩy hiệu quả hoạt động và nâng cao hiệu quả kinh doanh; nâng cao khả năng tiếp cận thị trường vốn; giảm chi phí vốn và gia tăng giá trị tài sản cho DN; đồng thời nâng cao uy tín cho công ty.
Vì vậy, khi xây dựng Luật Chứng khoán năm 2019, UBCKNN đã báo cáo đề xuất với cơ quan có thẩm quyền thông qua nhóm chính sách về quản trị công quản trị công ty...
Hàng năm, đã có cuộc thi báo cáo quản trị công ty tốt nhất thu hút được nhiều DN niêm yết tham gia.
Chủ tịch UBCKNN khẳng định: Trong thời gian tới, TTCK sẽ tiếp tục phát triên theo hướng hội nhập, tiếp cận với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế.
Việc nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên (frontier market) lên thị trường mới nổi (emerging market) thì việc cải thiện quản trị công ty trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Vì việc nâng hạng đòi hỏi các DN phải tuân thủ chuẩn mực báo cáo tài chính và quản trị nghiêm ngặt hơn, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư quốc tế. Sự minh bạch thông tin không chỉ giúp củng cố niềm tin của nhà đâu tư mà còn giảm thiểu rủi ro về thông tin sai lệch và gian lận tài chính.
Các DN sẽ phải áp dụng quản trị công ty tốt nhất, đáp ứng các yêu cầu nâng hạng, giúp tăng cường hiệu quả quản lý, đồng thời bảo vệ quyền lợi của cổ đông.
Việc nâng hạng sẽ giúp các DN niêm yết thu hút được nhiều vốn đầu tư từ các quỹ quốc tế, nâng cao tính thanh khoản của cổ phiếu và cải thiện hình ảnh của DN trên thị trường quốc tế.
Ngoài ra, lãnh đạo UBCKNN cho rằng, các yêu cầu về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) sẽ trở nên quan trọng hơn khi TTCK được nâng hạng. Các DN cần chú trọng đến các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và kỳ vọng của các nhà đầu tư toàn cầu. Tuy nhiên, quản trị công ty đại chúng hiện nay còn có một số khó khăn như việc chất lượng quản trị công ty còn chưa đồng đều giữa các DN, nhận thức của một bộ phận HĐQT DN về quản trị công ty và bảo đảm tuân thủ, thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của HĐQT theo quy định.
"Hy vọng trong thời gian tới tất cả các DN tham gia TTCK đều quan tâm và có quản trị công ty tốt và đầy đủ theo thông lệ quốc tế", bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch UBCKNNN bày tỏ.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về các biện pháp nâng cao chất lượng quản trị công ty minh bạch, gắn với các tiêu chí ESG cho các DN niêm yết, góp phần nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây là một bước khởi đầu quan trọng trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.
Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐQT Viện Thành viên HĐQT Việt Nam (VIOD) phân tích: Chính phủ rất quan tâm và yêu cầu nâng cao năng lực quản trị công ty. Quản trị công ty là một trong những yếu tố quan trọng bên cạnh trách nghiệm xã hội để kiến tạo niềm tin nhà đầu tư và thị trường. Vai trò chủ tịch công ty sẽ hỗ trợ cho thị trường chứng khoán khi thị trường được nâng hạng. Quản trị công ty còn được coi là 1 trong 7 khía cạnh của năng lực cạnh tranh, ngoài yếu tố dẫn vốn. Do đó hoạt động này cần đến từ nhu cầu nội tại để cùng nhau phát triển.
Các DN niêm yết của Việt Nam cần cải thiện nhiều yếu tố, trong đó dễ thấy nhất là việc có các báo cáo bằng tiếng Anh, số lượng quá ít so với số lượng các DN (có 80 trong khoảng gần 800 DN niêm yết).
Có cùng quan điểm, ông Phạm Hồng Sơn, nguyên phó Chủ tịch UBCKNN cho rằng: Với quy mô tăng trưởng của mình đã đạt quy mô khá lớn thì "chiếc áo" TTCK Việt Nam đang mặc đã khá chặt.
"Vì vậy, đặt ra yêu cầu phải nâng hạng, nhưng quan trọng khi nâng rồi phải giữ được hạng. Nhưng phải có thực chất thị trường, trong đó, phải có nhiều công ty bảo đảm thông lệ tốt nhất, phải cung cấp đầy đủ tin trong và ngoài nước để nhân thức hoạt động DN mình, phải có các báo cáo bằng tiếng Anh", ông Phạm Hồng Sơn nói.
Dưới góc độ là DN công nghệ uy tín đã niêm yết trên sàn chứng khoán, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT khẳng định vai trò của người chủ tịch DN là định hướng, đi tiên phong để có thể tuân thủ những yêu cầu cao nhất về quản trị, mà hiện nay đang tiến lên việc quản trị theo tiêu chí ESG. Làm sao để nhân viên thấy công việc mỗi ngày một thú vị, từ đó góp phần gia tăng năng suất lao động. FPT muốn quản trị được phải dùng CNTT quản trị, chuyển đổi 3 yếu tố là số, xanh, trí tuệ. Chúng tôi yêu cầu, các nhân viên FPT dùng trí tuệ nhân tạo nâng năng suất lao động.
"Chúng tôi dùng "chiến tranh toàn dân" trong đó, vai trò chủ tịch là truyền cảm hứng chuyển số, các bộ phận hỗ trợ (back office) sau khi tăng trưởng năng suất nhờ trí tuệ nhân tạo sẽ giải phóng nhân lực, thì những nhân lực đó có thể được chọn đi bán chính sản phẩm đã nâng năng suất lên, back office sang front office. Muốn quản trị được thì cần dùng côgn nghệ, khi đã là công ty niêm yết, dưới con mắt của các nhà đầu tư và yêu cầu cao thì không thể thiếu công nghệ", ông Trương Gia Bình chia sẻ.
Còn bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cơ điện lạnh (REE) cho rằng: HĐQT còn đóng vai trò giám sát, chọn lọc con người phù hợp với văn hóa công ty và đào tạo họ phát triển.
Chủ trưởng của Công ty là bám sát chủ trương chính sách của Nhà nước. Khi có chính sách mới được đưa ra, REE là công ty tiên phong đưa vào, thực hiện hiệu quả, trong đó, đặc biệt chú ý yếu tố phát triển bền vững.
"Khi triển khai các dự án, bên cạnh hiệu quả kinh tế, thì chúng tôi luôn chú ý các yếu tố môi trường xã hội. Trong bối cảnh môi trường đang bị ảnh hưởng, quản trị công ty chú ý đến ESG là chuẩn xác. Khi quản trị tốt, minh bạch, thị trường nâng hạng củng cố cho uy tín cho chính các công ty niêm yết", bà Nguyễn Thị Mai Thanh nhấn mạnh.
Huy Thắng