Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Quảng Bình sẽ tập trung khôi phục thị trường du lịch. Trong ảnh: Lễ hội đua thuyền buồm trên sông Nhật Lệ |
UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, năm 2021 địa phương đã tập trung những giải pháp quyết liệt, kịp thời, hiệu quả nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Cùng với sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, KT-XH của tỉnh trong năm 2021 vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận. GRDP năm 2021 tăng 4,83% so với năm 2020. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 6.493,6 tỷ đồng, bằng 147,8% so với dự toán Trung ương giao; bằng 119,6% dự toán địa phương giao, tăng 8,96% so với cùng kỳ. Trong năm 2021 cấp đăng ký thành lập mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 770 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 11.300 tỷ đồng.
Tỉnh Quảng Bình xác định việc thực hiện thắng lợi kế hoạch KT-XH năm 2022 có ý nghĩa tạo đà cho sự tăng trưởng trong những năm tiếp theo. Do đó, Quảng Bình đặt mục tiêu trong năm 2022, GRDP đạt 6,0-6,5%; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,5-4,0%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 9,0-9,5%; giá trị sản xuất dịch vụ tăng 6,0-6,5%; cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp và thủy sản 20,9%: công nghiệp-xây dựng: 30,1%; dịch vụ: 49,0%. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 6.000 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 26.000 tỷ đồng…
Thực hiện có hiệu quả chương trình cải cách hành chính, chú trọng việc cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 68 của Chính phủ; thực hiện kế hoạch trồng mới 10,1 triệu cây xanh giai đoạn 2021-2025 theo Đề án trồng một tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường khai thác thủy sản vùng khơi hiệu quả, bền vững, triển khai có hiệu quả khai thác IUU, tháo gỡ thẻ vàng của EC.
Về công nghiệp, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án công nghiệp trọng điểm đang triển khai: Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I và II, Dự án đường dây 500 KV (mạch 3); kêu gọi các dự án phát triển công nghiệp chế biến, gắn với các lợi thế về phát triển nguồn nguyên liệu nông, lâm, thủy sản; các dự án quan trọng vào các khu CN, KKT.
Khẩn trương khôi phục thị trường du lịch; cơ cấu lại thị trường khách du lịch theo hướng bền vững, hiệu quả nhằm vào thị trường khách chất lượng cao, lưu trú dài ngày; phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, liên kết đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với từng phân đoạn thị trường; chuyển đổi số trong phát triển du lịch. Năm 2022, dự kiến số lượt khách du lịch đến Quảng Bình đạt 2 triệu lượt.
Địa phương cũng sẽ tập trung hoàn thành việc xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổ chức công bố và triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận, nắm bắt các thông tin, định hướng quy hoạch, phục vụ việc nghiên cứu, tìm hiểu, đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, ưu tiên hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường tác truyền thông để huy động tối đa nguồn lực cho giảm nghèo, khơi dậy ý chí vươn lên chủ động thoát nghèo.
Lưu Hương