Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án TP. Đồng Hới là một dự án môi trường trọng điểm của tỉnh Quảng Bình, có tổng mức đầu tư 58 triệu USD, trong đó, vốn vay WB là 50,2 triệu USD và vốn đối ứng trong nước 7,9 triệu USD. Dự án có tổng cộng 18 gói thầu, với 11 gói thầu xây lắp, 1 gói thầu thiết bị và 6 gói thầu tư vấn.
Hiệp định vay vốn dự án môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án TP. Đồng Hới có hiệu lực từ ngày 18/01/2018, kết thúc ngày 31/12/2022 và đã được gia hạn đến ngày 30/6/2024.
Báo cáo với đoàn công tác, Ban quản lý Dự án môi trường và biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới (Ban QLDA) cho hay: Dự án bao gồm 18 gói thầu sử dụng nguồn vốn ODA. Ban QLDA đã hoàn thành đấu thầu và ký hợp đồng 17 gói thầu với tổng trị giá 814,831 tỷ đồng, tương đương 35,11 triệu USD.
Các gói thầu được ký kết đã thi công đồng loạt từ tháng 5/2020 đến nay. Riêng gói thầu tư vấn đánh giá dự án hoàn thành (DH-1.25) sẽ được thực hiện sau khi dự án hoàn thành. Hiện gói thầu này đã được Ban QLDA phê duyệt điều khoản tham chiếu và dự toán gói thầu, đang chuẩn bị công tác lựa chọn nhà thầu.
Các gói thầu của dự án này gồm: Xây dựng hệ thống thoát nước mưa, nước thải và cống cấp ba; kè nạo vét hạ lưu sông; xây dựng nhà vệ sinh trường học; xây dựng một số tuyến đường giao thông...
Tính đến ngày 15/11, giá trị các gói thầu sử dụng vốn ODA đã thực hiện trên hiện trường là 592,204 tỷ đồng, đạt gần 82% tổng giá trị hợp đồng, đã giải ngân 534,712 tỷ đồng, đạt 64% tổng giá trị hợp đồng đã ký kết.
Hiện nay các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án cơ bản đã được tháo gỡ, giải quyết. Ban QLDA đã tổ chức rà soát đánh giá tình hình thi công, cập nhật tiến độ chi tiết, thường xuyên đôn đốc nhà thầu huy động nguồn lực và đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành các gói thầu.
Theo Ban QLDA, một số thách thức và khó khăn trong quá trình thực hiện dự án như phải điều chỉnh thiết kế, dự toán nhiều lần trong quá trình thi công do vướng mắc các công trình hạ tầng kỹ thuật như cáp viễn thông, cây xanh, điện chiếu sáng... và chồng lấn phạm vi thi công với các dự án hạ tầng khác trên địa bàn; giá một số vật tư, vật liệu tăng cao đã ảnh hưởng đến khả năng huy động nguồn lực của nhà thầu trong quá trình thi công…
Trong quá trình thi công gói thầu, có một số hạng mục cần phải điều chỉnh thiết kế cho phù hợp với thực tế và đảm bảo an toàn chịu lực như hạng mục pin mặt trời, hồ anoxit. Do đó làm ảnh hưởng đến tiến độ của gói thầu.
Tại buổi làm việc, bên cạnh đánh giá cao những kết quả tích cực đã đạt được của tiểu dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, đoàn công tác của WB cho rằng tiến độ thực hiện các gói thầu vẫn còn chậm so với kết hoạch đề ra và kiến nghị UBND tỉnh Quảng Bình cần thường xuyên chỉ đạo, giám sát nhà thầu, kiểm tra, cập nhật tiến độ các gói thầu nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công; nếu có vướng mắc, khó khăn thì báo cáo để điều chỉnh hợp lý nhằm hoàn thành gói thầu trước khi kết thúc dự án.
Ngoài ra, đoàn công tác cũng mong muốn UBND tỉnh Quảng Bình sắp xếp để mở các cuộc họp trực tuyến nhằm rà soát tiến độ các gói thầu, thực hiện các kiến nghị của đoàn công tác để các gói thầu được triển khai hiệu quả hơn.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Phan Mạnh Hùng đánh giá cao vai trò, đóng góp của WB trong việc đồng hành với tỉnh Quảng Bình thực hiện dự án thời gian qua.
Trên cơ sở ý kiến đề nghị của Đoàn công tác WB, tỉnh Quảng Bình sẽ tiếp tục chỉ đạo Ban QLDA và các sở, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành các hạng mục quan trọng của dự án, như: Hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thu gom nước thải, nhà máy xử lý nước thải Đức Ninh; đồng thời sớm ban hành mức giá xử lý nước thải trên địa bàn TP. Đồng Hới; quy chế quản lý bùn bể phốt cũng như quy chế quản lý, vận hành hệ thống thu gom và xử lý nước thải đạt hiệu quả cao nhất, chí phí thấp nhất nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân, bảo đảm theo nội dung cam kết trong hợp đồng.
Lưu Hương