Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chiều 5/11, theo thông tin từ UBND thị trấn Quy Đạt (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình), lực lượng chức năng tại địa phương đã thông báo và di dời khẩn cấp 38 hộ dân với hơn 140 nhân khẩu ra khỏi khu vực đồi Cây Sường để tránh thiệt hại về người và tài sản do mưa lớn kéo dài từ sáng 5/1 có thể gây sạt lở.
Hiện 38 hộ dân ở khu vực Cây Sường đã di dời đến nơi an toàn. Đa số người dân sơ tán đến trụ sở UBND xã Quy Hóa (cũ), một số hộ khác tạm trú tại nhà người thân.
Thị trấn Quy Đạt cũng bảo đảm lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân, đồng thời chủ động lực lượng, phương tiện để tổ chức ứng phó trong trường hợp xảy ra sạt lở.
Từ 6-12h hôm nay, tại huyện Minh Hóa ghi nhận mưa to đến rất to, với lượng mưa trung bình gần 200 mm. Khu vực đồi Cây Sường, nơi có địa hình dốc và địa chất phức tạp, đặc biệt nguy hiểm do các vết nứt và hiện tượng sụt lún xuất hiện trong những năm gần đây. Chiều cao từ nhà dân lên đến đỉnh đồi dao động từ 65-70 m.
Còn tại huyện Tuyên Hóa, mưa lớn gây ngập cục bộ ở một số cầu, ngầm tràn và khu vực dân cư, khiến 2 cầu tràn đường vào Bản Chuối (xã Lâm Hóa) bị ngập từ 0,5-1 m, chia cắt cục bộ 19 hộ/96 khẩu. Cầu tràn bản Kè bị ngập sâu khoảng 0,6 m, chia cắt cục bộ 62 hộ/256 khẩu.
Tuyến đường xã Ngư Hóa đi xã Mai Hóa bị ngập sâu khoảng 1 m, giao thông bị chia cắt. Tại Xóm 1 của thôn Tân Lâm nước sông dâng cao, chia cắt 8 hộ/21 nhân khẩu. Mưa lớn cũng làm chia cắt Xóm 1 của Thôn 4, xã Thiết Sơn; tuyến đường liên xã Thạch Hóa đi Đồng Hóa bị ngập nặng.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ ngày 4-9/11, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Định có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Dự kiến, đỉnh lũ trên các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị lên mức báo động 2-3.
Riêng tại Quảng Bình, từ tối mùng 3 đến 5/11 có mưa vừa, mưa to. Trong ngày và đêm 5/11, dự báo có mưa to cục bộ và có mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 70-150 mm, có nơi trên 200 mm. Mực nước trên các sông lên báo động 2, báo động 3.
Trước đó, để chủ động ứng phó với đợt mưa lớn này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng đã họp triển khai các công tác ứng phó đảm bảo kịp thời, an toàn và hiệu quả.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các đơn vị, địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là, phải có phương án, kịch bản mới sẵn sàng, chủ động ứng phó trong mọi tình huống, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản… bảo đảm an toàn các công trình đang thi công, an toàn hồ đập và vùng hạ lưu.
Tại Quảng Bình, đợt mưa lũ tháng 10 vừa qua gây thiệt hại nặng cho vùng đồng bằng Quảng Ninh, Lệ Thủy và thành phố Đồng Hới.
Mưa lũ đã làm 7 người chết và 26 người bị thương; 34.488 nhà bị ngập; 58 thôn, bản bị chia cắt, cô lập hoàn toàn; khoảng 791 ha rau màu, 895 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, cuốn trôi; 70.538 gia cầm, 488 gia súc bị chết và cuốn trôi; 5 tàu cá bị chìm; 84 điểm đường giao thông bị ngập, trong đó có 14 điểm thuộc các tuyến quốc lộ, 10 điểm sạt lở mái taluy đường với trên 3.000 m3 đất, đá…
Thiệt hại ước tính khoảng 615 tỷ đồng, trong đó huyện Lệ Thủy 300 tỷ đồng, huyện Quảng Ninh 200 tỷ đồng.
Lưu Hương