Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình đã có công văn yêu cầu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện nghiêm túc chỉ đạo về công tác chống khai thác IUU; chuẩn bị kỹ nội dung, kế hoạch làm việc với Đoàn Thanh tra lần thứ 5 của Ủy ban châu Âu (EC); kiên quyết xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân không hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao; kịp thời động viên, khen thưởng, khích lệ các tấm gương điển hình trong chống khai thác IUU.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn các cảng cá loại III thuộc địa bàn quản lý bố trí nhân lực, trang thiết bị để triển khai thực hiện xuất, nhập bến, thu nộp nhật ký khai thác thủy sản, giám sát sản lượng qua hệ thống eCDT; thực hiện thí điểm hệ thống eCDT tại các cảng cá, bến cá tư nhân, truyền thống…; kiểm tra, kiểm soát tàu cá tại các cảng cá loại III đã được công bố mở thuộc địa bàn quản lý theo quy định của Chính phủ.
Cùng với đó, tăng cường quản lý, kiểm soát 100% đội tàu cá; chủ động phối hợp với Chi cục Thủy sản để xử lý dứt điểm số lượng tàu cá "3 không" theo quy định; khẩn trương điều tra, xác minh, xử lý nghiêm trường hợp vượt ranh giới qua vùng biển nước ngoài khai thác.
UBND tỉnh Quảng Bình cũng đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện kiểm soát 100% tàu cá khi xuất, nhập bến, kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, kể cả tàu cá ngoại tỉnh; hỗ trợ ngư dân triển khai thực hiện xuất nhập bến qua hệ thống eCDT và triển khai thực hiện xuất nhập bến qua hệ thống eCDT.
Tỉ lệ tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 97,7%
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình Trần Quốc Tuấn cho hay, EC đã đưa ra 4 nhóm khuyến nghị để khắc phục cảnh báo "thẻ vàng" đối với thủy sản, đó là: Hoàn thiện khung pháp lý; hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá; thực thi pháp luật và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác.
Tại Quảng Bình, về hoàn thiện khung pháp lý, tỉnh đã ban hành 4 văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật Thủy sản, trong đó, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ ngư dân trả cước phí cho thiết bị giám sát hành trình tàu cá trong 3 năm (2024-2026); thành lập Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU.
Về theo dõi, quản lý tàu cá, toàn tỉnh hiện có 4.327 tàu cá có chiều dài trên 6 m. Các chỉ tiêu thực hiện của tỉnh đều cao hơn mức trung bình cả nước, như: Về đăng ký tàu cá được 3.587 tàu, đạt 82,9% (cả nước đạt 78,5%); đăng kiểm được 3.323 tàu, đạt 76,8%; đã cấp giấy phép 76,4% số tàu (cả nước đạt 57,8%); lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt tỉ lệ 97,7%.
Về theo dõi, xử lý tàu cá hoạt động trên biển mới đạt mức khá. Vẫn còn hơn 50 lượt tàu cá mất kết nối trên biển quá 10 ngày. Tuy nhiên, việc xử phạt mất kết nối và tàu vượt ranh giới còn chưa nhiều.
Về thực thi pháp luật và xử lý vi phạm, các lực lượng đã tăng cường và tổ chức các đợt cao điểm xử lý khai thác IUU. Chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay đã xử lý hơn 80 tàu cá vi phạm, phạt gần 1,2 tỷ đồng. Song, tình trạng vi phạm khai thác IUU vẫn còn diễn ra, nhất là sử dụng xung điện, tàu mất kết nối dài ngày, tàu vượt ranh giới...
Về giám sát thủy sản, truy xuất nguồn gốc, từ năm 2024, việc giám sát được thực hiện ở tất cả các cảng cá, bến cá và các điểm bốc dỡ thủy sản trên toàn địa phương.
"Thời gian tới địa phương tiếp tục tập trung nguồn lực để thực hiệt tốt công tác chống khai thác IUU, trong đó, ngành NNPTNT sẽ phấn đấu hoàn thành 100% chỉ tiêu chưa đạt trước khi đoàn công tác EC dự kiến kiểm tra vào tháng 10/2024", Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Bình thông tin.
Lưu Hương