* Cả xã bị nước lũ nhấn chìm
Về vùng cao Tân Hóa, trước mắt chúng tôi là biển nước mênh mông, cơn mưa rừng như trút nước không ngớt, con đường dẫn vào xã, nước đã ngập sâu, hai chiếc ca nô chạy không ngưng nghỉ để tải những người vào ra vùng Tân Hóa. Ông Cao Thanh Bình, Bí thư xã Tân Hóa cho biết, lũ năm nay không bằng năm trước, nhưng hầu hết nhà của hơn 600 hộ dân đều đã ngập gần tới nóc và nhiều nơi ngập sâu khoảng 4m. Hiện có gần 100 hộ dân của thôn 1 và thôn 4 đã phải di dời khẩn cấp lên núi lập lán trại trú ẩn, gần 80ha lúa hè thu chưa kịp thu hoạch đã bị nhấn chìm. Nếu mưa tiếp tục như thế này thì rất có thể mọi người phải lên lèn đá lập lán trại trú ẩn.
Cùng với những đợt mưa trước nên hầu hết các con suối no nước liên tục đổ về vùng Tân Hóa, nơi đây bốn bề núi dựng, chỉ duy nhất một luồng để thoát nước nhưng rất chậm nên việc nước ứ và lũ lụt là điều không tránh khỏi. Chị Thái Thị Thanh, ở thôn 3 cho biết, khoảng 7 giờ tối ngày 30/9, nước bắt đầu dâng lên, và chỉ hai tiếng sau nước đã ngập quá người, mọi người đã tổ chức di dời mọi vật dụng lên gác và ngồi chờ. Đến khoảng nửa đêm, nước đã ngập gần hết nhà và chảy mạnh. Căn gác nhỏ của chị Thanh chứa 6 con người và mọi sinh hoạt đều gói gọn trong khoảng 5 mét vuông đó. Cụ bà Cao Thị Thử, 80 tuổi tâm sự: Tui đã sống ngần này tuổi rồi nhưng mấy năm trở lại đây tui mới chứng kiến những đợt lụt to như thế này. Cả năm lo lắng làm ăn nhưng đến mùa mưa lũ thì mọi thứ dường như công cốc. Khổ lăm.
Hiện tại, toàn xã đã mất điện hoàn toàn, các sinh hoạt đi lại đều nhờ vào những chiếc đò ngang, còn muốn liên lạc thì chỉ có thể í ới gọi nhau hay có thể liên lạc bằng điện thoại nhưng củng chỉ có thể cầm cự được một hai ngày nữa. Ông Bí thư xã vừa cười vừa nói: Có thể trong vài ngày tới khi các chú gọi cho tôi thì chỉ nghe tiếng ò í e thôi nha. Pin điện thoại chỉ còn hai cục nữa. Nước cứ chảy xiết, những cơn mưa cứ xối xả và khi hay tin sắp có bão số 6 sắp vào nước ta thì những con người nơi vùng rốn lũ Tân Hóa càng thêm lo lắng. Cụ ông Thái Tế cho biết, nếu vài ngày tới bão mà vào nữa thì chúng tôi khăn gói kéo nhau lên lèn đá ở thôi. Có thể một trận lũ như năm 2010 lại xảy ra và người dân chúng tôi lại lao đao với con nước.
* Chuẩn bị tốt để sống chung với lũ
Với kinh nghiệp từ năm trước, năm nay người dân Tân Hóa đã thực hiện tốt 4 tại chỗ và không có tổn thất về người và tài sản. Cùng với công tác chuẩn bị và khâu tuyên truyền về 4 tại chỗ kịp thời đến người dân thì rất có thể năm nay và những năm về sau người dân nơi đây có thể sống chung với lũ. Hiện tại trong toàn xã đã có hơn 300 chiếc đò để đi lại trong lũ.
Đặc biệt, với mô hình làm nhà nổi đã giúp mọi người không phải lo lắng vì bị ngập sâu trong lũ. Hiện đã có 216 mô hình nhà nổi, tuy làm chưa thật hoành tráng nhưng những ngôi nhà nổi đã có thể chứa các vật dụng trong nhà cũng như gia súc gia cầm có thể ở được. Ông Cao Thanh Bình cho biết: Hiện nay, mô hình nhà nổi đã được phổ biến và hướng dẫn cho người dân làm nhưng do kinh phí chưa có, mọi người đều tự túc nên số nhà nổi này có thể gọi là bè nổi chứ chưa thể gọi thành nhà. Tuy nhiên, với hiệu quả mang lại như thế, rất có thể năm tới nhiều nhà sẽ làm để sinh sống và không lo lắng mỗi khi mùa mưa lũ về.
Trong xã đã có 5 ngôi nhà nổi kiên cố, các hộ gia đình đều sống và sinh hoạt ở đó. Chị Trương Thị Giáng, xã Tân Hóa cho biết, nhà tui mới làm năm nay, ngôi nhà được làm bằng gỗ, phía trước sàn gắn 15 cái phao và thùng phi, bồn góc đều có dây néo. Trị giá mỗi căn nhà khoảng 25 đến 30 triệu đồng kể cả công thợ. Mùa khô thì chúng tôi ở bình thường còn mùa mưa lũ khi nào nước dâng lên thì nhà cũng nổi trên mặt nước, nên cả nhà cảm thấy rất an tâm. Cũng may khi làm nhà xong thì mùa mưa lũ tới nên ngôi nhà chị Giáng là một hình thức thí nghiệm để xem hiệu quả như thế nào cho mọi người làm theo.
Cùng với việc người dân tự chuẩn bị để phòng chống lũ lụt, chính quyền địa phương đã tận tụy làm hết trách nhiệm của mình. Cán bộ xã vừa tuyên truyền vừa đến tận từng vùng bị ngập lụt để giúp dân chạy lũ. Gặp chúng tôi, ông Chủ tịch xã Tân Hóa Cao Xuân Lục mặt đã tái nhợt vì nước mưa. Ông đã trực tiếp chỉ đạo khi nước dâng đến khi nước bắt đầu rút. Cả ngày đêm dầm trong mưa nên giọng của ông cũng không còn khỏe nữa. Ông cho biết, công tác phòng chống lũ lụt đã được chúng tôi chuẩn bị từ trước nhưng vùng Tân Hóa vốn là rốn lũ nên khó có thể chống nước ngập nhà dân nhưng chúng tôi đã về tận từng hộ dân để thông báo cho mọi người di dời người và tài sản để khỏi thiệt hại. Còn trong tình hình xấu nhất, chúng tôi sẽ tổ chức di dời người dân lên vùng cao Rí Rị, thôn 5 để tránh lũ. Nếu mưa cứ tiếp tục như này, rất có thể sẽ tái hiện lại đợt lũ lịch sử 2010.
Đức Thọ - Hà Giang